Báo chí Việt Nam đưa tin là ‘Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh sáng 21-10’.
“Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Liên hiệp quốc, các nghị quyết của Hội đồng bảo an, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng – an ninh quốc tế và khu vực, trong đó có ADMM+ [*]; đó vừa là yếu tố đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là trong xử lý các mâu thuẫn, bất đồng; đồng thời cũng là đặc trưng của một xã hội văn minh và phát triển mà chúng ta đang hướng đến, ở đó không có cường quyền và áp đặt”.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có đoạn diễn văn như trên tại Diễn đàn.
Tuy nhiên, theo như những gì đăng tải trên báo chí của Việt Nam, thì đoạn tường thuật sau đây cho thấy rất đáng lo ngại cho một kịch bản tương tự vụ ‘công hàm Phạm Văn Đồng 1958’ [**]: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng phát biểu rằng, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải cần được kiên trì xử lý theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.
“Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước” là thỏa thuận được ký kết thời gian nào, có những điều khoản chi tiết ra sao?
Các thỏa thuận này, về nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền – dù là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì vẫn buộc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua ngày 09 tháng 4 năm 2016, hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016; hoặc phiên bản trước đó của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, số 41/2005/QH11.
Tư cách công dân Việt Nam, người viết yêu cầu cần Quốc hội phải tường minh về ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’ mà ông Ngô Xuân Lịch đã phát biểu công khai tại Bắc Kinh.
Cũng tại Diễn đàn Hương Sơn, có lẽ vì hiểu rất rõ nội dung trong ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, nên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa đã có bài phát biểu khẳng định: “Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi”.
Biển Đông và Hoa Đông là hai vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng, trong đó ở Biển Đông là với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, ở biển Hoa Đông là với Nhật Bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.
Tại Hà Nội, quan sát phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội hôm 21-10, từ “Biển Đông” đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại hội trường Diên Hồng, bao gồm bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
“Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” là cụm từ được sử dụng trong các diễn văn của những ông, bà lãnh đạo hôm 21-10. Như vậy, xem ra nếu vì lý do gì đó không thể/ chưa thể làm rõ lời phát biểu tại Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch về cái gọi là ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, thì cần thiết việc Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết, về yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành một khởi kiện ra tòa quốc tế thích hợp cho việc tranh chấp về chủ quyền này.
Hồ sơ của vụ khởi kiện đó sẽ làm lộ mặt ai là những kẻ bán nước, những tên mãi quốc cầu vinh ở hôm nay.
+ Chú thích:
[*] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác (ADMM+)
[**] Công hàm của ông Phạm Văn Đồng viết như sau: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng Lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.
Phía Trung Quốc lập luận rằng, với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Leave a Comment