Việt Tân|
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà tuy đã từng bị hàng loạt vụ tai tiếng, nhưng vẫn là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng và được gọi là “gà đẻ trứng vàng” cho một đại gia khá bí ẩn sau một cuộc thâu tóm cổ phần gay gắt.
Công ty Nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình. Theo báo VnEconomy, Công ty đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước, dùng ống nhựa Trung Quốc chất lượng thấp khiến hàng triệu người dân Hà Nội lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Mới đây nhất, nguồn nước cung cấp cho người dân tại một số quận của Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… đã bị ô nhiễm: nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen. Mặc dù Công ty nước sạch Sông Đà đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn từ ngày 8 tháng Mười, nhưng mãi đến ngày 15 tháng Mười giới chức công ty và giới chính quyền thành phố mới lên tiếng khuyến cáo người dân không được sử dụng nước. Trong cả tuần lễ đã không có báo cáo cũng như không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm theo quy định. Vào ngày 16 tháng Mười, công ty nước sạch sông Đà thông báo tạm dừng cung cấp nước để súc xả bể chứa, tuyến ống. Thời điểm cấp nước trở lại chưa được xác định. Đồng thời bố trí xe téc cấp nước sạch miễn phí cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng Tuy nhiên, nhiều người dân sau khi đi hứng nước đã đổ bỏ vì nước được cấp có mùi tanh, và không trong.
Dù đã xảy ra hàng loạt bê bối lớn về chất lượng nhưng Công ty Nước sạch Sông Đà vẫn là “ông trùm” cung cấp nước sạch cho Hà Nội và đạt lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo số liệu của VnEcnomy, Năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch, khi cứ mỗi 2 đồng thu về công ty lời 1 đồng.
Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ. Công ty nước sạch Sông Đà dễ dàng đạt được lợi nhuận cao là nhờ kinh doanh trong lãnh vực thiết yếu cộng với việc được cấp phép cung cấp nước cho số lượng lớn khu vực tại Hà Nội.
Theo VnEcnomy, vào cuối năm 2017, sau nhiều tai tiếng, tập đoàn Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà. Sau một cuộc tranh giành gay gắt Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái đã thành công nắm giữ hơn 50% cổ phần của công ty Nước sạch Sông Đà, sau khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex.
Nhưng ngay lập tức sau đó công ty Sinh Thái đã sang tên cổ phần cho tập đoàn Gelex. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, mới 36 tuổi, nhưng đã nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ mua bán và sáp nhập lớn tại Việt Nam, như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương, hay vụ mua cổ phần thoái vốn tại công ty Viglacera từ Bộ Xây dựng… Chỉ tính riêng khối tài sản tại Nước sạch Sông Đà, gia đình đại gia Nguyễn Văn Tuấn đã có khối tài sản trên 1.500 tỷ đồng.
Để có thể liên tục thâu mua được những công ty kinh doanh trong lãnh vực thiết yếu như điện, nước thì ông Nguyễn Văn Tuấn phải có được sự hậu thuẫn của giới chức cao cấp trong hệ thống chính trị cầm quyền.
Vì vậy việc Công ty Nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình nhưng vẫn được cho phép cung cấp nước cho người dân không có gì là lạ. Và thêm một lần nữa họ đã có hành vi trốn tránh trách nhiệm khiến cho hàng chục ngàn cư dân có nguy cơ bị nhiễm độc vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm độc hại.
Leave a Comment