Phạm Nhật Bình –Web Việt Tân
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát được biết là một nhà biên kịch ăn lương chính phủ, trước đây làm tới cục phó Cục Điện Ảnh, trực thuộc Bộ Văn Hoá-Thể Thao. Tuy nay đã về hưu nhưng bà vẫn là thành viên của Hội Đồng Duyệt Phim Quốc Gia gồm 11 thành viên, có trách nhiệm “tư vấn” cho lãnh đạo Cục Điện Ảnh ra quyết định cho phép hoặc không cho phép chiếu một bộ phim sau khi qua kiểm duyệt.
Thế nhưng vừa qua, một bộ phim đang trình chiếu ở các rạp được dư luận giận dữ chỉ ra là có mang hình ảnh đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Cộng. Đối với người Việt Nam, đường lưỡi bò là hình ảnh đau buồn gợi ra tham vọng xâm lược của Trung Cộng ở Biển Đông nơi mà chủ quyền Việt Nam được xác lập qua nhiều thế kỷ.
Bộ phim hoạt hình Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) do một hãng của Mỹ hợp tác sản xuất với công ty Pearl của Trung Cộng được cho chiếu từ ngày 4 tháng Mười, 2019. Mãi đến 10 ngày sau đó phim mới bị phát hiện có hình ảnh đường lưỡi bò lọt lưới. Trước sự phê phán gắt gao của dư luận, bà Hồng Ngát một trong 11 thành viên có máu mặt nhất của hội đồng kiểm duyệt lên tiếng bào chữa “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá…”
Hẳn nhiên ai cũng có thể hiểu bà Hồng Ngát muốn nói, đây chỉ là chuyện nhỏ, gắn liền đường lưỡi bò xuất hiện trong phim với ý đồ chính trị là chuyện không đáng. Là một cán bộ trung thành với đường lối nô bộc của đảng CSVN, bà Hồng Ngát nghĩ như thế không làm ai ngạc nhiên.
Ngày 14 tháng Mười, Cục Điện Ảnh mới cho tổ chức xem lại phim với mục đích làm rõ trách nhiệm về vụ này. Đây cũng chỉ là một việc làm chiếu lệ vì nếu ai cũng mù mắt như hội đồng kiểm duyệt thì mọi quan chức trong cục và hội đồng đã không cần phải thi hành trách nhiệm. Hiện nay Bộ Văn Hoá đã quy cho Cục Điện Ảnh làm ăn cẩu thả nên để lọt hình ảnh xâm phạm chủ quyền gây phẫn nộ trong dân chúng, còn về phần Bộ dĩ nhiên đã làm tròn trách nhiệm sau khi Abominable bị rút lại.
Nhưng dư luận cũng không quên đây là lần lọt lưới thứ hai, sau phim “Điệp vụ Biển Đỏ” cũng do CGV phát hành. Trong khi đó các nhà kiểm duyệt lại tỏ ra khắt khe với nhiều bộ phim có giá trị nhưng không hợp khẩu vị nhà nước. Chẳng hạn như bộ phim “Ròm” của một đạo diễn trong nước đã đoạt giải thưởng cao khi đi “thi chui” ở Hàn Quốc. Ròm là tên một cậu bé vất vả mưu sinh với nghề bán số đề ở TP.HCM kiếm tiền đi tìm cha mẹ. Cục Điện Ảnh đã “treo” bộ phim này vì “vi phạm pháp luật hiện hành” nhất là nó đã đưa ra những hình ảnh xã hội tiêu cực! (*)
Thật ra vấn đề quan trọng đối với một hội đồng kiểm duyệt 11 người, là họ không được quyền để có bất cứ sự sơ sót nào xảy ra. Mà ở đây phải chăng có sự cố ý cho thông qua vài giây xuất hiện đường lưỡi bò theo yêu cầu của nhà sản xuất hoặc của nhà phát hành phim CGV? Nhưng nếu chỉ có thế, tức vài giây ngắn ngủi, người ta cũng dễ dàng coi như là sự sơ sót một khi hội đồng kiểm duyệt lên tiếng nhận lỗi một cách công khai.
Nhưng chính phát ngôn nguỵ biện của bà Hồng Ngát mới làm cho dư luận nổi sóng. Vì câu nói ấy cho người ta thấy được não trạng vô trách nhiệm của cán bộ trong hội đồng thẩm định phim. Đảng CSVN khi đã chọn Trung Cộng để quy phục, tất nhiên đại đa số cán bộ đã bị Trung Cộng tẩy não để trở thành những kẻ hoàn toàn mất cảnh giác về nguy cơ xâm lược của Trung Cộng. Hiệu quả của sự tẩy não khiến cán bộ CSVN trở nên dễ dàng chấp nhận những gì trong đường lưỡi bò là của “nước bạn”.
Vì thế, phát ngôn của bà Hồng Ngát cũng chẳng khác gì câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy HCM trong buổi tiếp xúc với cử trị hôm 14 tháng Mười rằng, chúng ta không thể “quay mặt đối với Trung Quốc”. Điều này ám chỉ là đảng và nhà nước CSVN phải nhẫn nhịn, không làm rùm beng sự kiện Bắc Kinh đang liên tục xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Sau khi nội vụ vỡ lở, bà Hồng Ngát còn cố biện bạch rằng bà không có quyền và không có trách nhiệm trả lời phỏng vấn báo chí. Và câu nói của bà chỉ có ý “than thở” khi trò chuyện với một phóng viên VOV trong bối cảnh đang bị dư luận chỉ trích, và câu nói ấy đã bị nhà báo lợi dụng để “giật tít”…(?)
Nếu ta nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác, từ khi đảng Cộng Sản hợp nhất ở Hong Kong vào năm 1930, những lãnh đạo của nó đã đem sinh mạng dân tộc gắn liền với đảng Cộng Sản Trung Hoa mà quên đi hàng ngàn năm Bắc thuộc của các triều đại Trung Hoa. Nhất là từ thập niên 40 đến nay, Việt Nam coi Trung Cộng như một bậc thầy vĩ đại mà “sự nghiệp giải phóng” cần phải học hỏi và phục tùng.
Do đó đại bộ phận cán bộ Việt Nam từ trên xuống đều được Trung Cộng huấn luyện và nhận nhiều ân huệ từ Bắc Kinh, nên trong đầu họ không hề coi Trung Cộng là kẻ thù xâm lăng truyền kiếp của dân tộc mà là một người bạn tốt “sông liền sông núi liền núi”.
Có thể nói câu phát biểu mà bà Hồng Ngát bào chữa chỉ là dùng “thán từ trong khi bức xúc” thật ra là biểu hiện của não trạng nô lệ mà Trung Cộng và Việt Cộng đã tiêm vào đầu óc cán bộ Việt Nam. Từ đó đất nước mầt dần chủ quyền vào tay Trung Cộng bởi những kẻ nội thù mà bà Hồng Ngát là một điển hình.
Cũng qua sự kiện bà Hồng Ngát, người dân Việt mới hiểu thêm tại sao có kẻ đứng đầu Bộ Quốc Phòng trước đây là ông Lê Đức Anh, đáng lẽ phải thi hành nhiệm vụ cao quý bảo vệ tổ quốc, lại ra lệnh cho binh sĩ không nổ súng khi lực lượng hải quân Trung Cộng xâm chiếm đảo Gạc Ma.
Thời gian gần đây, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Cộng liên tục xâm phạm chủ quyền vùng Bãi Tư Chính của Việt Nam, Hà Nội đã phản ứng ra sao?
Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh không hề có nửa lời đề cập tới hai chữ Trung Quốc. Sự xâm phạm của Hải Dương 8 kéo dài cho đến ngày nay qua 4 lần ra vào Bãi Tư Chính, nhưng Hà Nội vẫn không dám khởi kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế vì phải bảo vệ “tình hoà hiếu”. So với nước láng giềng yếu hơn như Philippines, Việt Nam luôn thi hành chính sách “cao cả” là thà ôm mối nhục mất biển hơn mất bạn!
- XEM THÊM: Đảng với Dân – nói một mà hai!
Mới đây trong dịp tiếp xúc với cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ ở Hà Nội, ông TBT Nguyễn Phú Trọng cao giọng đả kích “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước”… Để rồi huênh hoang vỗ ngực… “Vậy còn Trung ương đảng, chính phủ, tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?” Xem ra ông Trọng luôn giành phần yêu nước về đảng mình nhưng đảng của ông không thể không trả lời trước lịch sử dân tộc về tội bán nước cho Trung Cộng.
Tóm lại, qua phát ngôn xuẩn động của bà Hồng Ngát “vài giây mà làm gì dữ quá”, rõ ràng không chỉ có lãnh đạo ở trung ương mà đại đa số cán bộ đảng CSVN đã bị Trung Cộng thôi miên và coi sự xâm lăng của Trung Cộng như không có.
Điều này có thể suy rộng ra, nếu có mất vài chục hòn đảo nho nhỏ thì “ăn nhằm gì mà kêu ca”. Thật đau lòng khi một tầng lớp cán bộ lãnh đạo đất nước bị đàn anh Trung Cộng thôi miên và nhồi sọ nào là đại cục, hữu nghị, để bao che, dung túng cho các hảnh động xâm lược của Bắc Kinh ngày nay.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment