Phạm Chí Dũng – VOA
Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân” – ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng nói với các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 khi ông ta tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ thuộc Hà Nội vào sáng ngày 15/10/2019.
Dấu ấn lần đầu tiên
Đó là lần đầu tiên kể từ sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, Nguyễn Phú Trọng mới chịu thú nhận mình là bệnh nhân.
Còn trước đó, chỉ có ý kiến của cử tri hé lộ về ‘đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang điều trị’ và ‘mong tổng bí thư – chủ tịch nước mau khỏi bệnh để lãnh đạo đất nước’. Tình cảm mong mỏi này được thể hiện bởi một vài cử tri được xem là ‘gà’ của đảng, luôn được xuất hiện trước ống kính truyền hình và ca ngợi ‘Minh quân’, ‘Người đốt lò vĩ đại’ và thậm chí ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’. Nhưng không có bất kỳ biểu cảm hay phát ngôn nào của Nguyễn Phú Trọng về tình trạng bệnh tật của ông ta, bất chấp làn sóng đồn đoán sôi sục trong dư luận xã hội và trên mạng xã hội về bệnh tình của Trọng suốt từ tháng 4 năm 2019 đến gần đây.
Một điểm nhấn dư luận đáng chú ý trong thời gian gần đây là từ cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu rộ lên thông tin bên lề chính trường Việt Nam về việc ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp phải vấn đề khó khăn về sức khỏe nên sẽ khó có thể đi Washington gặp Tổng thống Trump, dự kiến vào tháng 10.
Dấu hiệu gần nhất và dễ nhận ra nhất là Nguyễn Phú Trọng đã phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2019 – một hội nghị quốc tế lớn mà nếu còn đủ sức khỏe thì Trọng đã luôn hớn hở ‘mình phải như thế nào thì người ta mới tiếp đón như thế chứ’.
Vậy là từ nửa cuối tháng 9 năm 2019, bắt đầu xuất hiện một luồng ‘tin nội bộ’ lan truyền trong một số dư luận về việc ‘Cụ tổng’ Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ không đi Mỹ, thay vì đi như dự kiến vào tháng 10 năm 2019.
Lý do: Trump là người đồng bóng và hay có những quyết định thất thường, vậy nên ‘cụ tổng’ không muốn đi.
Lý do trên trái ngược hẳn với bầu không khí hồ hởi: Nguyễn Phú Trọng nhiệt tình nhận lời mời đi thăm Mỹ của Donald Trump khi tổng thống Mỹ đến Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 để đối thoại song phương với Kim Jong Un.
Thách thức tự thân với Trọng là biểu đồ hồi phục sức khỏe của ông ta sau một thời gian ngắn tạm ổn nhưng giờ đây lại có vẻ chựng lại và có dấu hiệu đi xuống. Trong ít lần xuất hiện gần nhất, rõ ràng là vận động tứ chi của Trọng không khả quan hơn so với trước đây.
Tục ngữ ‘lực bất tòng tâm’ ngày càng nở rộ trên cửa miệng các quan chức dưới trướng Trọng. Nhiều kẻ đã thấu cáy rằng ‘cụ tổng’ chẳng còn mấy hơi sức để tiếp tục ‘cống hiến cho sự nghiệp cách mạng’ nữa.
Và cũng thấu cáy rằng cái cách loan tin về ‘cụ tổng không đi Mỹ vì Trump đồng bóng’ hẳn chỉ thuần túy do nhu cầu sĩ diện cá nhân phải ngồi một chỗ của Nguyễn Phú Trọng.
Tham vọng trời đày
Không có chuyện Nguyễn Phú Trọng không thèm quan tâm những gì mà thiên hạ đang nghĩ ngợi và bàn tán về sức khỏe của ông ta.
Cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/10 của Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông ta đã có một cố gắng nhỏ khi ‘tự đứng’ và bắt tay những người xung quanh – hiện tượng tương tự trước đây khi Trọng bất ngờ hiện ra để ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ hoặc gặp gỡ một số quan chức trong nước và ngoại quốc, ứng với mỗi lần mạng xã hội ồn ào về tình hình sức khỏe của ông ta ‘rất xấu’ hay sắp phải từ giã chính trường.
Tuy nhiên, cái cách nói “Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân” của Trọng lại như thể ông ta, sau một thời gian tranh đấu giằng co với căn bệnh trời giáng, đã bắt đầu phải chấp nhận tình cảnh chung sống với bệnh tật với thái độ xuôi xị.
Cách nói xuôi xị và có vẻ chấp nhận số phận trên lại có thể là một thông điệp – bằng chứng gián tiếp về khả năng Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ gần như không còn nữa.
Nếu không thể đi Mỹ với tư cách nguyên thủ quốc gia và lôi về thêm một ‘quan hệ đối tác chiến lược’ nữa, Nguyễn Phú Trọng sẽ mất đi một thành quả lớn nhằm khuếch trương thành tích của ông ta để dọn đường cho Trọng bước vào nhiệm kỳ ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’, hoặc ít nhất cũng là chủ tịch nước tại đại hội 13 – điều tương tự theo cách mà ông ta đã khá thành công trong việc ‘đánh quả Hiệp định TPP’ sau chuyến đi Mỹ vào tháng 7 năm 2015, để nửa năm sau đó tái đắc cử tổng bí thư sau khi đã loại trọn vẹn đối trọng Nguyễn Tấn Dũng.
Đến lúc này, rõ ràng vấn đề sức khỏe và mức độ cải thiện bệnh tật của Nguyễn Phú Trọng không chỉ quyết định việc ông ta có đi Mỹ được hay không, mà quan trọng hơn cả với Trọng là chuyện ông ta có được phép ‘ngồi’ tiếp hay không ở đại hội 13 – sự kiện chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra.
Cần nhắc lại, quy định 205 về kiểm soát quyền lực mà Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào tháng 9 năm 2019 rất có thể là biểu hiện đầu tiên, tính từ lúc ông ta bị bạo bệnh vào tháng 4 năm 2019, cho thấy Trọng vẫn không muốn buông rời quyền lực tối cao của mình, và vẫn muốn kéo dài quyền lực đó được năm nào hay năm nấy.
Một thứ tham vọng trời đày.
Cho dù đang độc tôn quyền lực với một cái ghế đúp chủ tịch nước lẫn tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể tự tin khi đang bắt đầu hiện ra những ‘âm binh’ nổi lên ngay dưới chân ghế ông ta – một hiện tượng rất đặc biệt mà đã nổi bật hẳn lên từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, dẫn đến niềm hy vọng khó nói và khó tả của không ít quan chức về tương lai ‘đẩy’ Trọng về vườn để ngồi luôn vào khoảng trống quyền lực để lại – quá lớn và quá hấp dẫn.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến bản quy định về kiểm soát quyền lực đã không được ban hành trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018 – khoảng thời gian mà Nguyễn Phú Trọng gần như không gặp phải một thách thức hay đối trọng chính trị đáng kể nào, mà chỉ được tung ra vào năm 2019 – thời khắc mà Trọng rơi vào cơn bạo bệnh bất khả kháng và kéo theo những mầm mống không tránh khỏi về sự thách thức quyền lực của ông ta, thậm chí là những âm mưu lật đổ quyền lực của ông ta âm thầm hiện ra sau tấm màn nhung đỏ quạch màu máu của sân khấu chính trường Việt Nam.
Leave a Comment