Quảng Cáo

Câu chuyện Mã Pì Lèng

Quảng Cáo

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|

Chỉ cách đây vài ngày, Mã Pì Lèng còn là một cái tên khá xa lạ đối với nhiều người. Hôm nay bỗng dưng cả nước lại nói đến Mã Pì Lèng, chỉ vì sự xuất hiện ở đó một công trình nhiều tầng hiếm có, hiếm có không phải vì nét đẹp quá tân kỳ mà vì tính cách không giống ai của nó.

Mã Pì Lèng là một ngọn đèo dài hơn 20 km nằm trên con đường đi từ thành phố Hà Giang đến huyện Mèo Vạc, thuộc tỉnh miền núi Hà Giang. Mã Pì Lèng được mô tả là một trong những ngọn đèo hùng vĩ với nhiều thắng cảnh hoang sơ ngoạn mục nhất nhì Việt Nam.

Thế nhưng ngày nay, chỉ cần nhìn hình ảnh trên báo hay trên mạng xã hội ai cũng cảm thấy “bực mình”. Tại sao? Bởi vì Mã Pì Lèng đang bị ngự trị bởi công trình xây dựng một nhà nghỉ nằm trượt theo dốc và một nhà hàng mang cái tên hiện đại Panorama. Thậm chí còn có cảnh 4 thanh niên đi xe mô-tô đến tận nơi chụp hình khoe thân thể trần truồng trên Facebook với lý do “bảo vệ môi trường”! Tiếc thay những thanh niên này lại quên vụ ô nhiễm thuỷ ngân của nhà máy Rạng Đông và những ngày ô nhiễm không khí ngay tại thủ đô Hà Nội để ra tay bảo vệ.

Dĩ nhiên chuyện xây dựng nhà hàng khách sạn trên đoạn đường đèo 20 km được cho là thắng cảnh hùng vĩ này của thị trấn Mèo Vạc đúng hay sai chưa cần đề cập. Mục đích của nó đơn giản chỉ là khai thác thương mại, ai cũng hiểu như thế.

Câu hỏi đặt ra ngay trong lúc này là quan chức nào đã cho xây cất công trình ấy, để bây giờ ai cũng ôm đầu ta thán và lớn tiếng kêu gọi sự điều tra. Cũng giống vụ xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn ngay gần Hà Nội để đại gia xây biệt thự nguy nga, vụ Mã Pì Lèng không chỉ là trách nhiệm của viên chức xã, huyện mà phải là kẻ có quyền chức cao hơn.

Một toà nhà kiên cố nhiều tầng như thế không thể tự ý chủ nhân xây lên mà không có giấy phép hay thoả thuận miệng của ai đó. Nhất là nó không thể tiến hành trong một vài tháng mà phải cả năm mới xong. Vậy cả năm qua, chẳng có ai đi ngang khu vực này, và không phát hiện một công trình đồ sộ đang mọc lên hay sao. Mà mãi đến bây giờ sau khi nhà hàng Panorama đi vào kinh doanh mới thấy và và nêu ra “Luật Bảo Vệ Di Tích” để báo động?

Người ta không thể nói gì khác hơn việc xây dựng này chắc chắn có liên hệ đến một nhóm lợi ích nào đó, đã mua chuộc những người có chức quyền ở địa phương để được cấp phép. Sau khi Panorama đi vào hoạt động bắt đầu hốt tiền khách du lịch thì nhóm ăn không được mới tố cáo, tìm mọi cách làm rùm beng lên để phơi bày trước dư luận hầu đánh phá đối thủ. Và dư luận cũng như báo chí như bao nhiêu lần trước, chạy theo khai thác tin hấp dẫn mà không biết là rơi vào ý đồ của các nhóm lợi ích.

Sự xây dựng bất hợp pháp nếu có, tại sao người ta không tung hê lên từ năm ngoái mà lại chờ đến thời điểm này, tức ngay trước Hội Nghị Trung Ương 11 khai mạc. Tại sao không khui ra và ngăn chặn đám lợi ích này khi toà nhà mới mọc lên mà đợi bây giờ mới phanh phui?

Phải chăng vụ này được cố tình đưa ra ánh sáng trước khi đảng bộ các cấp chuẩn bị bầu cử lại nhân sự, như một màn đấu đá giáo đầu trước đại hội 13. Nếu họ dùng vụ Mã Pì Lèng để đánh nhau thì cũng không ai ngạc nhiên vì sự dịch chuyển quyền lực giữa “các đồng chí” trong đảng với nhau chưa bao giờ êm thấm như dưới một thể chế dân chủ bình thường.

Ngoài ra, vụ Mã Pì Lèng còn cho thấy một điều là hệ thống tham ô trong bộ máy hành chánh đã bao che và cột chặt mọi cá nhân với nhau bằng quyền lợi tương đồng. Sự không minh bạch của bộ máy độc quyền nhưng thiếu kiểm soát đã tạo ra vô số kẽ hở khiến tham nhũng phát triển “bền vững” bên cạnh hệ thống đảng.

Do đó mà hệ thống tham nhũng trong bộ máy đảng coi thường lò đốt của ông Trọng, vì trong thời đại kinh tế thị trường bảo kê bằng định hướng chủ nghĩa xã hội, có đô-la là có tất cả, sá gì những cái giấy phép con con. Bất chấp luật pháp, môi trường hay di sản quốc gia lẫn nghệ thuật kiến trúc, sự kiện xây cất trên đèo Mã Pì Lèng cho thấy kẻ nào có tiền kẻ đó nắm chân lý, nắm phần thắng.

Cho nên Giám Đốc Sở Xây Dựng Hà Giang Hoàng A Chinh trong một cuộc phỏng vấn mới dám tuyên bố công khai với báo Lao Động trong nước rằng “Công trình Panorama nằm ở khu vực nông thôn, nơi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết, nên không cần có giấy phép xây dựng”!

Mã Pì Lèng có thể chỉ là một điểm nhỏ trên bản đồ đất nước so với hàng chục công trình, dự án các khu “nghỉ dưỡng, giải trí” của các tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC… đang chia cắt Việt Nam thành những vùng thao túng rộng lớn từ rừng núi tới bờ biển với sự tiếp tay đắc lực của cán bộ tham ô.

Rõ ràng đất nước chúng ta đang tan nát là bởi những nhóm quyền lực câu kết với quan chức chính quyền, coi quyền lợi của chúng cao hơn quyền lợi quốc gia. Qua vụ Mã Pì Lèng này cũng cho thấy lò ông Trọng chỉ đốt được củi mục mà thôi…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux