Một số bạn muốn giải thích thêm về tình trạng phân liệt của dân tộc Kurds từ sau Thế Chiến Thứ Hai và nhất là trong chiến tranh Iraq. Dưới đây là tóm tắt.
Theo Ferdinand Hennerbichler trong nghiên cứu The Origin of Kurds (Nguồn Gốc Kurds) Kurds là một dân tộc sống tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Iraq, Tây Bắc Iran, Bắc Syria, Azarbaijan và Amernia. Về dân tộc học, Kurds có nguồn gốc Iran bởi vì nói tiếng Iran.
Người Kurds gọi họ là Kurdistan để chỉ giòng giống Kurds dù sống ở đâu.
Đa số người Kurds theo đạo Hồi, phái Sunni.
Dân số Kurds vào khoảng 17 triệu đến 40 triệu tùy theo nguồn tính.
Sở dĩ con số ước tính sai biệt khá xa bởi vì các nước chủ nơi dân Kurds sống như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. thường cố tình công bố số dân Kurds thấp để làm nhẹ vai trò của người Kurds tại các quốc gia này.
Năm 1920, nhiều hiệp ước được ký kết sau Thế Chiến Thứ Nhất với sự ra đời của các quốc gia mới tại Trung Đông nhưng không có quốc gia nào dành cho người Kurds.
Hiệp ước Sevres phân chia Đế quốc Ottoman có dấu hiệu một nước Kurds có thể ra đời nhưng hiệp ước Lausanne với sự tham dự và ký kết của các nước Anh, Pháp, Ý, Nhật, Rumania ba năm sau đó lại không có. Thổ Nhĩ Kỳ ra đời theo tinh thần của hiệp ước Lausanne.
Dân số Kurds sống nhiều nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurds chiếm tới 20 phần trăm dân số cả nước Thổ nên phong trào dân tộc Kurds được phát động tại Thổ trước.
Tuy nhiên, tinh thần dân tộc nhanh chóng bị lãng quên nhường chỗ cho chủ nghĩa ý thức hệ, chủ nghĩa địa phương, tham vọng quyền lực của lãnh tụ các phe nhóm người Kurds.
Tại Thổ, đảng Công Nhân Kurds (Kurdistan Workers’ Party gọi tắt là PKK theo ngôn ngữ Kurds) lấy ý thức hệ CS làm tư tưởng chỉ đạo ra đời năm 1974.
Tại Syria có tới 17 đảng người Kurds. Các đảng phái, tổ chức người gốc Kurds chẳng những không hợp tác được với nhau mà còn chia rẽ trầm trọng.
Tại Iraq, Đảng Liên Hiệp Yêu Nước Kurds (Patriotic Union of Kurdistan, PUK) mang khuynh hướng CS do Liên Sô bảo trợ được thành lập năm 1946 và Đảng Dân Chủ Kurds (Kurdistan Democratic Party) được thành lập năm 1975.
Hai đảng người Kurds tại Iraq xung khắc về hoạt động và mâu thuẫn về tư tưởng chỉ đạo.
Năm 2006, PUK tuyên bố theo đuổi mục đích “xã hội chủ nghĩa” và bầu ra cơ cấu lãnh đạo dựa theo khuôn mẫu của các nước CS như Bộ chính trị, Ban Bí Thư TƯ đảng v.v..
Bản thân của PUK cũng không phải là một tổ chức chính trị thống nhất mà là liên minh của năm tổ chức Kurds khác nhau.
Lực lượng của Đảng Dân Chủ Kurds và Đảng Liên Hiệp Yêu Nước Kurds đánh nhau không chỉ một lần mà nhiều lần, thậm chí dùng cả các phương tiện khủng bố, ám sát để tiêu diệt nhau gây nhiều ngàn thương vong cho cả hai bên.
Suốt dòng lịch sử hiện đại, người Kurds chưa bao giờ được sống dưới một hệ thống lãnh đạo thống nhất.
Các nhà nghiên cứu sử người Kurds thường hãnh diện nguồn gốc văn hóa lịch sử của dân tộc Kurds. Tuy nhiên, văn hóa lịch sử Kurds thực tế chỉ là những ngôi đền đổ nát tại nhiều nơi.
Kurds là một dân tộc bất hạnh chịu đựng chính sách hà khắc của Thổ, Iran, Iraq, Syria.
Tuy nhiên, với một dân tộc phân liệt như vậy dù không bị trấn áp liệu có cơ hội nào để mấy chục đảng phái, phe nhóm ngồi lại để cùng đấu tranh cho một quốc gia không? Câu trả lời có thể là không.
Như người viết vừa viết, một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.
Lãnh tụ các đảng phái này không thể đổ thừa cho ai khác mà nên soi gương để nhìn lại khuôn mặt đầy những vết sẹo hẹp hòi, bảo thủ, tham lam quyền lực của chính mình./.
Leave a Comment