Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ trên số báo phát hành ngày 9 tháng 10 thì ông Ngô Khương Tiến – Viện phó Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc, vừa thay mặt hệ thống tư pháp Việt Nam… chúc mừng ba nạn nhân của… hệ thống này được… giải oan sau 40 năm bị hàm oan (1)!
***
Cách nay gần 40 năm – tháng 1 năm 1980 – Ông Chu Văn Quản, ngụ tại thôn Vạn Thắng thuộc xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú bị giết và hệ thống tư pháp Việt Nam đã bắt, tống giam các ông Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám, Khổng Văn Đệ, cáo buộc họ là thủ phạm…
Chừng ba tháng sau, gia đình ông Trần Trung Thám nhận được hung tin: Ông… đột tử trong qua trình điều tra! Ông Chinh và ông Đệ tiếp tục bị tạm giam thêm hai năm nữa thì hệ thống tư pháp Việt Nam tìm ra… hung thủ thật sự. Họ được trả tự do nhưng trên giấy tờ, cả ba (tính cả ông Thám) vẫn còn là nghi can của một vụ án giết người!
Đó cũng là lý do ông Chinh, ông Đệ và thân nhân ông Thám miệt mài xin giải oan suốt từ đó tới nay. Mãi đến đầu tuần này, Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức một buổi xin lỗi khiến hai nạn nhân trực tiếp, may mắn còn sống và ba gia đình có liên quan bị hàm oan suốt bốn thập niên.
Tiếng là “công khai” nhưng muốn chứng kiến hệ thống tư pháp Việt Nam thú nhận đã cáo gian, bắt oan, giam oan, xúc phạm danh dự, gây đủ thứ thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, vật chất cho ông Chinh, ông Đệ, thậm chí khiến ông Thám mất mạng, vợ con họ lao đao, khốn khổ vì thế mà thất học thì phải có… giấy mời!
***
Bên cạnh việc thú nhận hệ thống tư pháp Việt Nam đã sai, ông Ngô Khương Tiến – Viện phó Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc, chú thích đó chỉ là sai sót của thế hệ tiền nhiệm khiến thế hệ các viên chức thuộc hệ thống tư pháp hiện nay phải đứng ra xin lỗi. Đặc biệt là ông Tiến hoan hỉ chúc mừng hai nạn nhân và ba gia đình được… giải oan.
Có thể ông Tiến lờ đi nên phóng viên tờ Tuổi Trẻ tường thuật về buổi xin lỗi vừa kể không đề cập đến lý do, tại sao 36 năm qua, tính từ ngày hệ thống tư pháp Việt Nam tìm ra người thật sự là hung thủ, phạt ông ta tù chung thân, không có bất kỳ viên chức hoặc cơ quan hữu trách nào đứng ra xin lỗi, giải oan cho ông Chinh, ông Để, ông Thám?
Có thể xem hệ thống tư pháp Việt Nam “chân thành” khi bỏ qua, không điều tra – truy cứu trách nhiệm những cá nhân có liên quan đến cáo gian, giam oan, xúc phạm danh dự, gây đủ thứ thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, vật chất cho ông Chinh, ông Đệ, thậm chí khiến ông Thám mất mạng, gia đình họ lao đao, khốn khổ?
Có thể xem hệ thống tư pháp Việt Nam “chân thành” khi thản nhiên để hai nạn nhân trực tiếp và ba gia đình ròng rã kêu oan suốt bốn thập niên rồi mới tổ chức xin lỗi, giải oan? Viện phó Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc không hề xin lỗi vì chậm giải oan. Do xem giải oan là ân huệ, ông Tiến mới “chúc mừng” các nạn nhân được… nhận ân huệ ấy!
Chẳng riêng ông Tiến, đó là não trạng chung của các viên chức hữu trách trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Cách nay hai tháng, Viện Kiểm sát tỉnh Khánh Hòa loan báo đã “chủ động phục hồi danh dự và sẽ đăng báo xin lỗi ông Huỳnh Chiếm Phái”.
Ông Phái sinh năm 1931. Tháng 10 năm 1981, ông Phái và một số người khác bị tống giam với cáo buộc giết ông Phạm Ngựu, khi đó là Chủ tịch xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa. Sau 15 tháng bị tạm giam, tháng 2 năm 1983, ông Phái được “tạm tha” với lý do: Già, sức khỏe sa sút, không cần thiết phải giam giữ tiếp…
Tuy nhiên đó không phải là lý do thật. Lý do thật là hệ thống tư pháp Việt Nam không tìm được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh ông Phái và các “đồng phạm” giết ông Phạm Ngựu. Cũng vì vậy, sau khi “tạm tha” ông Phái, hệ thống tư pháp Việt Nam lần lượt “đình chỉ điều tra” các “đồng phạm” còn lại của vụ án này!
Sở dĩ ông Phái được “tạm tha” đầu tiên vì lúc đó, mắt ông đã mù, tai đã điếc, bại liệt toàn thân và có dấu hiệu bị tổn thương tâm thần… Cũng kể từ đó,với sự hỗ trợ của các con ông Phái bắt đầu kêu oan, họ muốn hệ thống tư pháp Việt Nam thừa nhận đã cáo gian, bắt oan chứ không tán thành chuyện “tạm tha” vì “già, sức khỏe sa sút”.
Từ 1983 đến 2009 là 26 năm. Phải mất 26 năm tới lui, lên xuống kêu oan, ông Phái và gia đình mới được Viện Kiểm sát Khánh Hòa cho xem “quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Huỳnh Chiếm Phái” được ký từ năm… 1984. Nói cách khác, sau 26 năm kêu oan, gia đình ông Phái mới biết, trước đó 25 năm, ông đã được xem là… vô tội!
Ông Phái và các con của ông bắt đầu đòi giải oan, bồi thường. Hệ thống tư pháp Việt Nam không chấp nhận. Năm 2015, ông Phái tự sát. Các con của ông Phái tiếp tục kêu oan cho cha thêm bốn năm nữa. Giờ, Viện Kiểm sát Khánh Hòa đã chịu xin lỗi, giải oan cho ông Phái và gọi việc này là… “chủ động phục hồi danh dự, cải chính công khai”!
Còn chuyện bồi thường thì Viện Kiểm sát Khánh Hòa từ chối bởi theo các… qui định pháp luật thì đã… hết thời hiệu để xem xét! Không ai biết ông Phái có ngậm cười nơi chín suối hay không nhưng một nạn nhân khác, từng bị xem là “đồng phạm” với ông: Ông Trần Bê (62 tuổi) cũng đòi giải oan, bồi thường nhưng vẫn chưa có kết quả nên chưa cười được (2)!
***
Chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2019, theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đảng CSVN, sang năm, Việt Nam sẽ hoàn tất “Chiến lược cải cách tư pháp” (2005 – 2020). Kết quả 15 năm vừa qua cho thấy hoạt động tư pháp đã được “cải cách” như thế nào! Làm sao có một “nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” khi cả trong nhận thức lẫn hành xử của hệ thống tư pháp, công dân vẫn chỉ như “con sâu, cái kiến”?
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/oan-38-nam-chet-gan-4-nam-moi-duoc-minh-oan-20190730182338385.htm
Leave a Comment