Jackhammer Nguyễn – Tiếng Dân|
Ngày 2/10/2019, sau nhiều ngày dư luận xôn xao về ô nhiễm không khí trầm trọng ở Hà Nội và Sài Gòn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng, nói là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với Hà Nội và Sài Gòn để giải quyết nạn ô nhiễm hiện nay, đồng thời tìm kiếm giải pháp đồng bộ để giải quyết chuyện ô nhiễm.
Ông Thủ tướng nói trong vòng vài phút về việc giải quyết một tai họa có nguồn gốc hàng chục năm nay, cứ dễ dàng như là ông bảo rằng ngày mai ông sẽ ăn kiêng, sau hàng chục năm ông ăn thịt ăn cá.
Điều mà Thủ tướng nói, người xưa bảo rằng: Mất bò mới lo làm chuồng.
Thất bại hoàn toàn của đô thị hóa
Hai thành phố lớn nhất Việt Nam đã và đang bị khói bụi bao trùm là ví dụ rõ ràng nhất của một chính sách đô thị hóa (nếu có chính sách) thất bại hoàn toàn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người Pháp thiết kế khu trung tâm Sài Gòn chỉ cho 500 ngàn dân sinh sống và làm việc. Nay khu trung tâm đã lên cả triệu người, rồi hàng triệu người nữa kéo nhau vào trung tâm làm việc hàng ngày, bao nhiêu xe cộ ấy phun ra bao nhiêu khói bụi? Các vị làm chính sách (nếu có) của chính phủ bảo cần hạn chế xe cộ, thế người ta đi làm bằng cái gì?
Mà chuyện này đều do các vị mà ra cả. Cách đây 30 năm người ta đã cảnh báo rằng, phải xây các trung tâm thương mại, công nghiệp mới, xa Sài Gòn. Thế nhưng các vị đâu có nghe, vì ở trung tâm cũ này đã có sẵn cống rảnh điện nước, các “nhà đầu tư” cứ thế mà móc vào xài, tiện quá.
Nhà chọc trời nhôm kính cứ mọc lên ở trung tâm, rồi không xa đó là nhà máy nối nhà máy, hàng triệu công nhân chen chúc nhau ở các khu ổ chuột. Các khu dân cư mới, cao cấp hay không, đều không có cống rảnh chi cả, ao hồ sông lạch cứ tha hồ lấp đầy, phân lô bán nền. Thành phố như một vết dầu loang khổng lồ bẩn thỉu.
Tương tự như vậy ở Hà Nội. Các vùng ao đầm phía nam bị lấp đi, các khu vành đai như La Thành có từ thời mới lập kinh đô bị xây cất nghẽn hết, khu Sài Đồng đầy nhà máy, sát nách thành phố.
Ô nhiễm là cái chắc. Nay Thủ tướng muốn dời hết cái đống đó đi ư?
Đánh giá tác động môi trường
Xin cám ơn tổ chức Cứu Tam Đảo (Save Tamdao) đã cho độc giả của Tiếng Dân những hiểu biết về điều mà bất cứ xã hội văn minh nào hiện nay đều cần phải có, đó là Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment, EIA).
Tác giả cũng đưa ra nhận xét, mà hẳn nhiều người đồng ý, rằng EIA ở Việt Nam hiện nay chỉ có trên giấy tờ, không được thực thi, cho nên hậu quả là sau 33 năm phát triển kinh tế, các thành phố Việt Nam ô nhiễm kinh khủng như hiện nay.
Tôi xin bổ sung một điều là Đánh giá tác động môi trường không thể thực hiện ở Việt Nam.
Một điều kiện quan trọng khi thực hiện EIA là phải có sự tham dự của cộng đồng dân cư nơi có dự án được thực hiện.
Điều này đồng nghĩa với việc Quốc hội Việt Nam phải do dân bầu ra. Các hội đồng địa phương phải do dân bầu ra. Quyền lực phải được trao về cho số đông, chứ không phải là dân chủ tập trung, một khẩu hiệu mị dân cho sự độc tài chuyên chế của đảng cầm quyền.
Khi những vụ bê bối về môi trường bùng nổ như Formosa, rác công nghiệp ở Hà Tĩnh, xả bùn ở Ninh Thuận,… Người ta không thấy bóng dáng cư dân địa phương đâu cả trong giai đoạn bắt đầu thực hiện dự án.
Tại các quốc gia dân chủ, EIA có thể dẫn đến việc hủy bỏ một dự án vì dự án đó ô nhiễm quá, lợi bất cập hại, cư dân không đồng tình,…
Tại Việt Nam, dự án đưa ra là phải được thực hiện cho bằng được vì đó là ý chí của đảng (ngụy trang bằng ý chí của nhân dân). Và hiện tình hôm nay còn khó khăn hơn nữa, vì ý chí của đảng có khi sẽ là ý chí của tiền tài danh lợi của một nhóm lợi ích nào đó.
Cũng có những dự án tại Việt Nam bị hủy đi, nhưng không phải vì EIA, mà là do sự phản ứng quá lớn của xã hội sau đó, ví dụ như vụ thủy điện trên sông Đồng Nai, Điện hạt nhân Ninh Thuận, một số dự án nhà máy điện chạy than tại Tây Nam Bộ, hay thậm chí dự án đặc khu (Tôi chắc chắn không có EIA của dự án này, vì người ta cho rằng nó mang tính chính sách lớn lao chứ đâu liên quan đến ô nhiễm môi trường hay không).
Sự tập trung quyền lực của một đảng lãnh đạo, không có sự phân quyền kiểm soát lẫn nhau, dân chúng không có người đại diện cho quyền lợi của họ, chính là gốc rễ cho mọi sự ô nhiễm môi trường, thoạt nhìn qua không thấy liên quan đến sự cầm quyền độc đảng.
Các quốc gia cộng sản đàn anh của Việt Nam là Tàu và mồ ma Liên Xô cũ đều là những ví dụ cho thấy, chính thể cộng sản không thể bảo vệ môi trường được. Tại các nước này, cũng như ở Việt Nam, khi các nhóm bảo vệ môi trường ra đời là bị bắt bớ sách nhiễu (nhóm Green Tree ở Việt Nam chẳng hạn) vì người cộng sản không muốn có những tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Ở Mỹ, trong thời gian gần đây chính quyền ông Trump cắt bỏ nhiều ràng buộc về môi trường đưa ra dưới thời ông Obama, dưới chiêu bài tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng xã hội Mỹ là xã hội dân chủ, các tiểu bang, các cộng đồng dân cư có quyền đại diện của họ, việc này giảm đi tính cách phá hoại của các chính sách môi trường của ông Trump hiện nay. Ví dụ gần nhất là ông Trump cật lực giúp cho các công ty than đá, nhưng các tiểu bang không thể để cho dân chúng của mình bị ô nhiễm vì khói bụi nhà máy chạy than, nên các công ty than đá đã phải khai phá sản.
Có một chế độ đa nguyên dân chủ thì chưa chắc là môi trường được bảo vệ, nhưng với chế độ độc tài thì chắc chắn môi trường sẽ bị phá hủy.
Trong thời gian gần đây người ta nói rằng Trung Quốc và ông Tập Cận Bình ý thức được họ đã trả giá đắt về môi trường ra sao, nên sẽ mạnh tay với việc ô nhiễm. Nhưng như phân tích ở trên, với chế độ độc tài, người dân không có tiếng nói, thì những vấn đề môi trường sẽ tiếp tục xảy ra, do tập trung quyền lực, do hối lộ,…
Tôi không tin là người Tàu có thể giải quyết được ô nhiễm môi trường với thể chế hiện nay. Việt Nam cũng không.
Chúc các ông Tập Cận Bình, Nguyễn Xuân Phúc may mắn trong việc bảo vệ môi trường.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco.
Leave a Comment