Quảng Cáo

Trung Quốc: 70 giải phóng để được mang gông cùm!

Người biểu tình chống chính quyền đeo mặt nạ ở Hong Kong.

Quảng Cáo

Phạm Phú Khải – VOA

Ngày 1 tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh đã long trọng ăn mừng 70 năm hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sức mạnh võ trang của họ đã được phô trương tối đa trong dịp này, được thiết kế để làm cho Hoa Kỳ run sợ, kể cả hỏa tiễn hạt nhân mới nhất DF-41 có tầm bay 12 đến 15 ngàn cây số, với khả năng đánh phá bất cứ thành phố nào tại Hoa Kỳ [1].

Theo tạp chí The Economist thì có hai thông điệp được truyền đạt qua cuộc diễn hành đánh dấu 70 năm kỷ niệm này. Một, Trung Quốc vận dụng hỏa lực mạnh đến mức không một quốc gia nào có thể thách thức nó một cách an toàn. Hai, Trung Quốc vĩ đại trở lại nhờ có Đảng Cộng sản, mà luôn luôn là một thế lực tốt [2].

Lịch sử 70 năm qua của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có phải là luôn tốt không? Ngày nay tội ác vô hạn của Mao đối với vài chục triệu nhân mạng vào thập niên 1950 và 1960, và cả trong thời chiến đối với phe quốc gia của Tưởng Giới Thạch, là một sự thật không ai có thể chối cãi. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thay thế Hồ Cẩm Đào, Mao Trạch Đông là biểu tượng lãnh đạo mạnh mẽ ngày càng được ông Tập đề cao sử dụng [3]. Mục tiêu của ông Tập? Để tiếp tục hỗ trợ cung cách cai trị kiểu Mao, nghĩa là cá nhân nắm toàn quyền trong tay thay vì lãnh đạo tập thể mà ông Đặng Tiểu Bình mong muốn. Chắc chắn ông Tập sẽ không đưa nước Trung Quốc trở lại cuộc Cách mạng Văn hóa mà ông Mao đã làm. Điều mà ông Tập muốn là Trung Quốc trở thành một cường quốc trong vùng và thế giới, và quyền lực của đảng là tuyệt đối đối với mọi mặt xã hội, trong đó ông là người đứng đầu mọi cơ chế quyền lực nhất của đảng và nhà nước, một cách vô hạn định.

Để sử dụng Mao trong chiêu bài này, ông Tập tất nhiên không muốn đề cập đến các tội ác tầy trời của Mao, cũng như của ĐCSTQ trong 70 năm qua. Nghĩa là phải sửa lại lịch sử. Và chỉ chấp nhận một phiên bản lịch sử duy nhất của đảng.

Vicky Xiuzhong Xu, một ký giả, nghệ sĩ hài độc thoại, và cũng là một nghiên cứu sinh tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, viết bài “Giới trẻ Trung Quốc bị mắc kẹt trong sự sùng bái chủ nghĩa dân tộc” trên tạp chí Foreign Policy nhân kỷ niệm 70 năm này [4]. Theo Xu thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngày nay đã bị tấn công bởi một nhà nước đầu độc công dân và cộng đồng lưu vong gốc Hoa khắp nơi, dựa trên quan niệm rằng Trung Quốc đã từng là nạn nhân của thực dân và trật tự thế giới hiện nay, và ĐCSTQ là vị cứu tinh duy nhất. Xu cho biết 19 năm đầu đời của mình sống và học tại Trung Quốc, ngày đầu tiên cắp sách đến trường ở bậc tiểu học, điều luật đầu tiên dành cho học sinh là yêu nước và yêu đảng. Vì bị nhồi nhét nền giáo dục như thế lâu đời, nên khi tiếp cận với thế giới bên ngoài và biết đến phong trào ly khai tại Hồng Kông, chẳng hạn, Xu cảm thấy sửng sốt và phẫn nộ, và suy nghĩ tại sao họ lại được cho phép có những suy nghĩ như thế. Khi thấy các cuộc biểu tình ủng hộ một Tây Tạng tự do, Xu muốn gào thét lên chửi họ. Trong đầu Xu lúc đó chỉ là chủ nghĩa dân tộc nóng đỏ, sẵn sàng phục vụ quốc gia mình, và điều đó có nghĩa bạo lực và mắng mỏ người khác.

Xu cho rằng những nhận định quái gỡ nhất mà Xu đã từng thấy đến từ những người hoàn toàn bình thường và tử tế, bởi vì cả đời họ được đào tạo bởi nền giáo dục yêu nước và bị kích động bởi truyền thông nhà nước, do đó tâm trí của họ đã bị trục trặc/ngắn mạch (short circuit) về các vấn đề gây tranh cãi. Khi Xu cùng với Nick Bonyhad viết bài trên nhật báo The Sydney Morning Herald tường trình về cuộc biểu tình mang tính bạo động và hung hăng chống lại phong trào dân chủ cho Hồng Kông tại Sydney, Úc châu vào tháng Tám vừa qua, kể từ đó Xu bị xem là kẻ thù quốc gia trên Internet của Trung Quốc. Các bài viết và công bố trên mạng truyền thông xã hội gọi Xu là phản bội, đĩ điếm, con chó tôn thờ Tây phương, và được truyền đi khắp nơi, từ Úc sang Hoa Kỳ và đến tận thôn quê của Xu tại Trung Quốc. Vô số người Trung Quốc trước đây từng là bạn, bây giờ lên án hành động của Xu, trong khi chỉ một số đếm trên đầu ngón tay ủng hộ.

Những biến cố lịch sử quan trọng như kỷ niệm 70 hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại là những dịp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy có nhu cầu lớn lao để họ dồn mọi nỗ lực tuyên truyền cho 1,4 tỷ dân của mình cũng như thế giới biết về họ qua phiên bản lịch sử họ uốn nắn.

Nhưng sửa đổi và bóp méo lịch sử luôn đưa đến những hệ quả vô cùng tai hại. Vì thế nên The Economist biện luận rằng thay vì ghi nhận những sai lầm của mình trước đây, việc ông Tập nói với người dân Trung Quốc của mình rằng ĐCSTQ chưa bao giờ đi sai đường chẳng khác gì châm ngòi cho một chủ nghĩa dân tộc thiếu kiên nhẫn, dễ dàng kích hoạt dù áp lực nhẹ nhất (impatient, hair-trigger nationalism) để leo thang thành chiến tranh, bởi vì họ nhìn những lời chỉ trích từ nước ngoài tương đương với sự thù nghịch.

Tất nhiên không phải chỉ riêng ĐCSTQ mới chủ trương bóp méo lịch sử. Nó là vấn đề con người, thuộc mọi văn hóa sắc tộc chính trị hay tôn giáo. Jeannette Ng nhận định các nhà phê bình Tây phương về chủ nghĩa đế quốc dễ dàng chấp nhận rằng lịch sử của họ cũng bị bóp méo, trong khi chính quyền Trung Quốc luôn chủ trương bẻ cong lịch sử theo chiều hướng của họ [5].

Jeannette Ng cũng biện luận rằng ĐCSTQ muốn thể hiện chính nó là người thừa kế của một bản sắc Trung Quốc duy nhất, cố định. Nhưng con sông lớn truyền thống Trung Quốc không chảy từ một nguồn, và cũng không thể được bao hàm bởi một người kể chuyện duy nhất. Jeannette Ng kết luận “Tầm nhìn bị thu hẹp của ĐCSTQ không phải là cách duy nhất để nhìn thấy quá khứ của Trung Quốc. Không có một cách duy nhất để là/làm một người Trung Quốc. Văn hóa Trung Quốc không thể bị giảm xuống thành một cách mô tả duy nhất. Như Lão Tử từng nói, đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo”.

Tại sao ĐCSTQ có nhu cầu phải sửa đổi và bóp méo lịch sử? Có rất nhiều nguyên do, mà đã phần nào phân tích ở trên. Nhưng còn một lý do chính đáng nữa. ĐCSTQ gọi biến cố năm 1949 là giải phóng, nhưng theo giáo sư Frank Dikötter thuộc ngành nhân văn của đại học Hồng Kông, thì Trung Quốc tự do hơn nhiều trước khi hình thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [6]. Cho nên cuộc giải phóng này thật ra đã đẩy đất nước vào hàng thập kỷ tàn ác và hỗn loạn mang tính Mao-ít. Mặc dầu thay đổi lớn lao trên bề mặt, Trung Quốc không thật sự thay đổi đáng kể gì kể từ năm 1949 cho dầu bao nhiêu cuộc nói chuyện về cải cách và mở cửa. Những hứa hẹn về bình đẳng, công lý và tự do chưa hề được thực hiện. Chế độ này chỉ biết sử dụng cách đối phó chuẩn mực duy nhất đối với bao nhiêu các ước vọng chính trị đa nguyên khác nhau từ khối dân số khổng lồ và đa nguyên là: đàn áp. Dikötter nhận định : “Di sản giải phóng là một quốc gia vẫn còn trong gông cùm”.

Quan sát lịch sử Trung Quốc và đối chiếu với lịch sử Việt Nam quả là thú vị. Đến độ chảy nước mắt!

Tài liệu tham khảo:

1. “To mark 70 years of Communist rule, China shows off new weapons”, The Economist, 3 October 2019.

2. “Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying”, The Economist, 3 October 2019.

3. Anna Fifield, “China marks Communist Party’s 70th anniversary with grand show of power”, The Washington Post, 1 October 2019.

4. Vicky Xiuzhong Xu, “China’s Youth Are Trapped in the Cult of Nationalism”, Foreign Policy, 1 October 2019.

5. Jeannette Ng, “China’s Vast History Can’t Be Caught in the CCP’s Net”, Foreign Policy, 1 October 2019.

6. Frank Dikötter, “The People’s Republic of China Was Born in Chains”, Foreign Policy, 1 October 2019.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux