Để đất nước phát triển thì mở cửa thôi là chưa đủ, mà quan trọng hơn là nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ tốt. Mở cửa là để doanh nghiệp nước ngoài tràn vào và kéo theo đó là công nghệ đổ vào. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi những thứ từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như thế thì Việt Nam tiếp nhận được bao nhiêu? Chính khả năng nắm bắt tốt quá trình chuyển giao công nghệ mới là yếu tố quyết định đất nước phát triển hay không.
Một trong các yếu tố để nền kinh tế trong nước có thể tiếp nhận công nghệ đó là mua lại cổ phần các doanh nghiệp nước ngoài. Ban đầu họ vào nước ta trong tư thế họ là chủ, sau thời gian những thứ của họ thành của ta thì đó chính là một cách phổ biến của quá trình chuyển giao.
Hãy nhìn lại sau 33 năm mở cửa thì Việt Nam được gì? Theo báo Vneconomy thì tính đến tháng 4 năm 2019 doanh nghiệp FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mà như ta biết, những sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” đều là của FDI. Còn 30% kim ngạch xuất khẩu kia của Việt Nam thì ai cũng biết, chủ yếu đó là hàng nông sản chế biến và hàng gia công chứa hàm lượng chất xám thấp. Đã 33 năm mở cửa mà nền kinh tế èo uột vậy thì đủ để khẳng định Việt Nam không thể nắm bắt được quá trình chuyển giao công nghệ.
Ngày 01/10/2019 cũng trên báo Vneconomy có bài “Cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp Việt của giới đầu tư Hàn Quốc và Trung Quốc”, trong bài có nói đến 2 yếu tố, theo tôi là rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam: thứ nhất là trong 9 tháng vừa qua của năm 2019 tổng số vốn đầu tư của nước ngoài đổ vào Việt Nam chỉ còn 77% so với năm 2018 cùng kỳ; thứ nhì tình trạng doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Mà đáng lo ngại nhất là Trung Quốc đang tiến hành thâu tóm khá mạnh.
Như vậy qua đây chúng ta thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Đó là không những doanh nghiệp Việt Không thể mua lấy những doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ nhằm tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh như Hàn-Đài-Sing đã làm mà ngược lại, doanh nghiệp Việt lại bị nước ngoài nuốt mất ngày càng nhiều. Đây là quá trình “chuyển hóa ngược”, nó ngược với quá trình chuyển giao công nghệ đã từng xảy ra ở Hàn-Đài-Sing. Chính quá trình “chuyển hóa ngược” này mà nó đã, đang và sẽ biến nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế vĩnh viễn làm thuê cho nước ngoài hưởng lợi. Những con số tăng trưởng thật đẹp mà ĐCS dùng để khè nhân dân ấy là bởi FDI tạo ra, còn doanh nghiệp thuần Việt thì lẹt đẹt làm thuê kiếm đồng tiền thừa còm cõi của FDI để đóng thuế thật nặng cho nhà nước CS.
Với tình trạng doanh nghiệp Việt đang bị nuốt như thế này mà ĐCS không có cách nào hãm nó lại, thì đây như là một minh chứng cho sự bất lực của ĐCS trong vấn đề điều hành kinh tế đất nước. Hiện nay, điều quan trọng nhất của Bộ Chính trị là ra chính sách để stop ngay tình trạng “chuyển hóa ngược” này lại, ấy vậy mà họ đã không làm. Chuyện thiết thực như vậy BCT không làm thì họ làm gì? Xin thưa họ đang bận làm chuyện hoang tưởng. BCT đang chê những chính sách sát sườn là thiển cận, cho nên họ đang phóng tầm mắt xa hơn, xa đến vời vợi. Hiện nay BCT đang bàn về việc làm cách nào để đi tắt đón đầu tóm lấy cách mạng công nghiệp 4.0, chứ họ không thèm stop quá trình “chuyển hóa ngược” kia đâu.
Thực ra, nhìn ra những vấn đề thiết thực nhất và sát sườn nhất để ra chính sách mang lại tính khả thi cao thì đó mới là lãnh đạo có tầm, chứ không phải có tầm nghĩa là ngồi ở 1.0 phóng tầm mắt xa vời vợi bàn chuyện 4.0 để rồi bất lực thả nổi nền kinh tế đất nước tới đâu thì tới.
Ngày 04/09/2019, trên tờ Tạp Chí Cộng Sản có bài “Nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt”. Trong bài này ĐCS đã dùng những con số tăng trưởng được tạo ra bởi FDI kia để nhận vơ thành quả cho mình và tự sướng trước nhân dân. Về kinh tế, ĐCS chỉ làm được tới vậy. Trong quản trị đất nước họ luôn có một tinh thần AQ mãnh liệt. Sự hoang tưởng mà lại được chắp thêm đôi cánh kiêu ngạo cộng sản nữa thì xem như ĐCS cứ đưa đất nước đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà không có cách nào bắt họ dùng lại./.
Leave a Comment