Quảng Cáo

Từ thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh’ đến lăng mộ Trần Đại Quang

(Hình 1. “Khu lăng mộ Trần Đại Quang”, nguồn: https://www.google.com/maps/search/Tr%E1%BA%A7n+%C4%90%E1%BA%A1i+Quang/@20.0777075,106.1159892,1140a,35y,39.14t/data=!3m1!1e3)

Quảng Cáo

Đỗ Thành Nhân – VNTB

I.

Ông Trần Đại Quang mất đến nay đã được một năm (dương 21/9/2018, âm 12/08/2018), nhân ngày giỗ đầu, xin nói về ông một lần nữa.

Ông Trần Đại Quang từng giữ các trọng trách: Bộ trưởng Công an, Chủ tịch nước, Đại biểu quốc hội, đều là những vị trí tối cao bảo vệ sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật. Là người xây dựng luật và ký ban hành luật như là một nguyên thủ quốc gia, tự thân ông Trần Đại Quang phải là một tấm gương sáng ngời ngời để người dân cả nước già trả lớn bé nhìn vào và noi theo.

Đưa tiễn ông Trần Đại Quang đến nơi an nghỉ cuối cùng, trước anh linh của ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn (hình 5) hứa sẽ xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh“(12)

Người dân cả nước theo dõi linh xa đưa Chủ tịch nước an táng tại quê nhà tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

II.

Sau một năm ngày mất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại cho thế giới phẳng 4.0 một cụm từ khóa “Khu lăng mộ Trần Đại Quang”, mọi người đều thấy được nơi an táng của cố Chủ tịch nước (hình 1).

Nhìn trên bản đồ Google Map thì có thể thấy khu vực này nằm trên một cánh đồng đã được quy hoạch cho trồng lúa nước của xã Quang Thiện.

Tìm hiểu tiếp hiện trạng bản đồ khu vực này do Google lưu trữ (hình 2); bên trái ngày 03/7/2015 còn là cánh đồng lúa, bên phải ngày 26/8/2016 đã được xây dựng.

(Hình 2. Hiện trạng khu đất, bên trái ngày 03/7/2015 còn là cánh đồng, bên phải ngày 26/8/2016 đã được xây dựng)

Đối chiếu với tiểu sử ông Trần Đại Quang(13) ngày 03/7/2015, ông đang làm Bộ trưởng Công an; ngày 26/8/2016, ông làm Chủ tịch nước (bắt đầu từ ngày 02/4/2016 cho đến khi mất 21/9/2018). Hiện trạng khu đất xây dựng không thay đổi cho đến nay.

Qua số liệu từ hệ thống Google cung cấp, cho thấy: trước khi ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước khu đất này nằm trên một đồng lúa nước, ngay sau khi tuyên thệ làm Chủ tịch nước khu đất này được chuyển sang đất phi nông nghiệp, tiến hành xây dựng công trình và bây giờ trở thành Khu lăng mộ Trần Đại Quang từ khi ông còn đang sống mạnh khỏe.

Theo số liệu đo qua tọa độ của Google, khu đất có diện tích khoảng 5-6 ha. Tạm tính bình quân khoảng 5,5 ha. Qua trang thông tin huyện Kim Sơn, giới thiệu xã Quang Thiện(14) thì đất trồng lúa nước 473,13 ha, dân số 9.530 người. Bình quân một người khoảng 500m2 đất trồng lúa, vậy là khoảng 110 người dân phải nhường phần đất lúa của mình để làm lăng mộ cho Chủ tịch nước.

Theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa xã Quang Thiện lập năm 2016 cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, có hạng mục “Mở rộng nghĩa địa Lạc Thiện, xã Quang Thiện” là 0,94 ha (15). Điều đó có nghĩa Khu lăng mộ Trần Đại Quang nằm ngoài quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa của xã Quang Thiện theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Đến năm 2018, ông Trần Đại Quang chết, được chôn ở Khu lăng mộ hiện nay theo nguyện vọng của gia đình. Có hai trường hợp xảy ra: hoặc Nhà nước vi phạm Luật đất đai; hoặc tỉnh Ninh Bình và Chính phủ phải thực hiện một quy trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất không theo trình tự, quy chuẩn thông thường của pháp luật về đất đai, xây dựng.

III

Nhân dân cả nước cũng chấp nhận chi ra 1.400 tỷ đồng xây nghĩa trang quốc gia (16) để an táng cả vợ chồng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các anh hùng, danh nhân đất nước.

Cần tôn trọng việc ông Trần Đại Quang và gia đình muốn được an táng ở quê nhà. Nhưng vì ông Trần Đại Quang đã từng là đại biểu quốc hội, cơ quan lập pháp soạn thảo và ban hành luật; từng là Chủ tịch nước ký công bố luật và là người đứng đầu cơ quan hành pháp để thực thi pháp luật; thì đương nhiên ông Trần Đại Quang và gia đình là tấm gương sáng ngời ngời trong việc thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, tôi cố gắng tìm hiểu cả năm nay, nhưng vẫn chưa thấy được: Cơ sở pháp lý nào để chuyển hơn 5ha đất ruộng trồng lúa nước làm Khu lăng mộ Trần Đại Quang có đất nghĩa trang, nghĩa địa; kể cả trường hợp đất này thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân(*).

Nếu như vụ “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn”, có thể quan chức hoặc “Mỹ Linh, Thành Chương” nào đó vận dụng làm theo ông Trần Đại Quang, chuyển đất rừng phòng hộ sang đất ở để xây dựng biệt thự, biệt phủ thì các cơ quan chức năng cũng khó giải quyết dứt điểm được.

Hoặc, từ tiền lệ Khu lăng mộ Trần Đại Quangbiết đâu cũng đang có một “đương, nguyên, cựu” Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị nào đó, cũng đang chuẩn bị cho mình khu đất đẹp ở trung tâm đô thị, cánh đồng, quả đồi, khu rừng đâu đó để làm lăng mộ cho hậu sự.

Dấu ấn và công trạng Trần Đại Quang là cái gì ? được Đảng ghi nhận; được chính Tổng Bí thư đọc điếu văn ca ngợi “Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thương yêu đồng chí, đồng bào;” và phúng viếng với tấm ảnh “Kim Cang Ấn” xôn xao dư luận.

(Hình 3. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng đám tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguồn: VTV)

Còn với dư luận xã hội, thời gian ngắn ngủi làm Chủ tịch nước, dấu ấn ông Trần Đại Quang để lại: cái chết bí ẩn, đám tang ly kỳ(17), cùng với sự “gương mẫu, thương yêu đồng bào” cuối cùng là Khu lăng mộ nằm ngoài các chuẩn mực đạo lý và pháp lý.

IV.

Quay lại đề xuất thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh đã trình bày ở Phần 1. là hỏa táng thi hài Người và dỡ bỏ Lăng Hồ Chủ tịch (có thể chuyển thành mô hình khu lưu niệm). Ngoài những lý do như đã phân tích ở Phần 1, còn là hành động cụ thể để nâng hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh thành hiện thực trực quan.

Như vậy quan chức từ cao đến thấp sẽ không còn lý do để “học tập và làm theo” Người trong phong trào xí phần đất đai để xây lăng mộ sau khi chết. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới bảo vệ sự tôn nghiêm, kỷ cương pháp luật trong hệ thống quản lý nhà nước về đất đai.

Ông Trần Đại Quang mới làm Chủ tịch nước 2 năm 172 ngày trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khi mất để lại cho đời Khu lăng mộ Trần Đại Quang.

Còn vua Tự Đức – vị Hoàng đế Đại Nam suốt 35 năm 287 ngày (gấp 14,5 lần), cũng để lại cho đời quần thể Lăng Tự Đức(18) cùng với câu ca dao đi vào lịch sử: “Vạn Niên là Vạn Niên nàoThành xây xương línhhào đào máu dân.”

PS.

(*) Người viết bài đã từng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án ứng dụng công nghệ để quản lý đất đai; là tác giả Chương trình Lập và quản lý kế hoạch sử dụng đất, đăng ký bản quyền số 507/2006/QTG.

Ghi chú:

(11) Tra trên Google từ khóa: “xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn

(12) Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang: https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37742202-toan-van-loi-dieu-tai-le-truy-dieu-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang.html

(13) Tra trên Google từ khóa: “Trần Đại Quang

(14) Xã Quang Thiệnhttp://kimson.ninhbinh.gov.vn/gioi-thieu/xa-quang-thien

(15) Xem file “Bieu Qh tinh Ninh BInh ban trinh xet duyet.XLS”, Biểu 11.18:  DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN XÂY DỰNG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020. Lưu trữ ngày 29/8/2016 ở đây: https://onedrive.live.com/?authkey=%21ADIKugao0n0kj5Q&id=F8656D93D71754B6%21110&cid=F8656D93D71754B6.

(16) 1.400 tỷ đồng xây nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấphttps://vnexpress.net/thoi-su/1-400-ty-dong-xay-nghia-trang-quoc-gia-danh-cho-can-bo-cao-cap-3707061.html

(17) Các bài viết về đám tang Trần Đại Quang của tác giả

– Rơi chữ G nhạy cảm, quan trọng: https://www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2334638370092669

– Kim Cang Ấn và viếng tang siêu tốc: https://www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2334973886725784

(18) Tra trên Google từ khóa: “Lăng Tự Đức

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux