Minh Châu – (VNTB) – Đang có đồn đoán về một Hiệp định dẫn độ Việt – Trung bắt đầu có hiệu lực, khi mà nhiều tội phạm Trung Quốc gây án tại Việt Nam đã được phía Việt Nam bàn giao cho Trung Quốc xử trí.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có nội dung hiệu lực nào về Hiệp định dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc. Trong các vụ việc ‘bàn giao tội phạm Trung Quốc’ từ phía nhà chức trách Việt Nam, là thực hiện theo Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự Việt – Trung, hiệu lực thi hành từ 25/12/1999.
Các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết về Hiệp định dẫn độ, theo công bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, gồm có: Algérie, ký ngày 14/04/2010, phía Việt Nam chưa phê duyệt. Ấn Độ, ký ngày 12/10/2011, hiệu lực ngày 12/08/2013. Hàn Quốc, ký 15/09/2003, hiệu lực 19/04/2005. Indonesia, ký 27/06/2013, hiệu lực 26/04/2015. Hungarie, ký 16/09/2013, hiệu lực 30/06/2017.
Ở tài liệu có tên “Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ” của Bộ Công an hồi tháng 06/2019 cho biết, tính đến tháng 05/2019, Việt Nam là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.
Dự thảo không nêu cụ thể tên 12 quốc gia đã ký hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.
“Một yêu cầu thực tiễn là cần có các quy định cụ thể nhằm phân định rõ khi nào, trường hợp nào áp dụng thủ tục dẫn độ và khi nào, trường hợp nào sẽ áp dụng các kênh hợp tác Interpol, Aseanapol hay kênh trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền các tỉnh biên giới đối đẳng với các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền như Trung Hoa, Lào, Căm-pu-chia”. (Trích trang 4, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Bộ Công an).
Theo một báo cáo của Vụ Pháp luật quốc tế – Bộ Tư pháp, thì Hiệp định dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa, ký ngày 07/04/2015, nhưng chưa có hiệu lực vì Việt Nam chưa thực hiện thủ tục phê chuẩn. Phía Trung Quốc thì vào ngày 26/08/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ nghi phạm với Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra, nếu Hiệp định dẫn độ Việt – Trung chưa có hiệu lực thì giải thích ra sao việc hôm 01/08/2019, phía Việt Nam đã ‘dẫn độ’ hơn 380 người Trung Quốc tham gia đường dây đánh bạc qua mạng internet tại Hải Phòng lên cửa khẩu Lạng Sơn để giao cho Trung Quốc xử lý. Đến ngày 27/08/2019, Việt Nam cũng đã ‘dẫn độ’ 28 người Trung Quốc giao cho Cục Công an thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Theo phân tích của luật gia Nguyễn Thu Trang (Hội Luật gia Việt Nam), thì công luận ngờ vực là có căn cứ, vì Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc không có quy định về việc dẫn độ, nên Việt Nam không có nghĩa vụ phải dẫn độ.
“Nhận định này nghe có vẻ đúng nhưng chưa được xem xét đầy đủ và toàn diện. Bởi trong hoạt động tương trợ tư pháp, ngoài các hiệp định song phương, các nước phải tôn trọng Điều ước quốc tế mà các bên cùng tham gia ký kết.
Ở đây, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Liên hiệp quốc, mà Liên hiệp quốc đã có Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Tại Công ước này có quy định: 1. Điều này sẽ áp dụng đối với các hành vi phạm tội được Công ước này điều chỉnh hoặc trong những trường hợp khi một hành vi phạm tội được đề cập đến trong Điều 2 bis Khoản 1 (a) hoặc (b) có liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức và người là đối tượng của yêu cầu dẫn độ đang sống ở Quốc gia thành viên được yêu cầu, với điều kiện là hành vi phạm tội dẫn đến việc dẫn độ đáng bị trừng phạt theo pháp luật trong nước của cả quốc gia yêu cầu lẫn quốc gia được yêu cầu.
Hành vi tổ chức đánh bạc đều bị pháp luật hình sự Việt Nam và Trung Quốc quy định là tội phạm, như vậy việc dẫn độ nghi can về Trung Quốc theo yêu cầu tương trợ tư pháp của Trung Quốc là không trái với pháp luật Việt Nam, không trái với hiệp định song phương đã ký kết, và đặc biệt không trái với điều ước quốc tế mà các bên cùng tham gia”. Luật gia Nguyễn Thu Trang biện giải và nói rằng ‘không trái’ còn có nghĩa phía Việt Nam có đầy đủ thẩm quyền để xử trí cứng rắn theo pháp luật hình sự Việt Nam.
“Có lẽ ngại ngần ở đây từ Việt Nam là thế lực đàng sau của nhóm tội phạm. Với chính sách hộ khẩu, công an quản lý địa bàn dân cư theo từng ô trên bản đồ hành chính cấp phường, xã thì việc tồn tại ổ băng nhóm tội phạm người Trung Quốc như vậy trong thời gian dài là phải có ai đó chống lưng…”. Luật gia Nguyễn Thu Trang ngờ vực.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói rằng ở Điều 33 Luật tương trợ tư pháp 2007 có quy định về trường hợp bị dẫn độ: 1. Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
- Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.
- Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.
Liên quan tội phạm người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam, ghi nhận trong thời gian gần đây, cơ quan tố tụng của Việt Nam cũng bắt đầu có những biện pháp cứng rắn hơn. Đơn cử, vào chiều ngày 14/09/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ công An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhóm người Trung Quốc nằm trong đường dây sản xuất ma túy ‘khủng’ ở tỉnh Kon Tum và Bình Định bị triệt phá trước đó.
Trong một trao đổi với báo chí ngày 18/09/2019, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết hiện cơ quan công an đang tạm giữ hình sự đối với 5 người Trung Quốc và 1 phụ nữ người Việt Nam để làm rõ hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Theo Đại tá Mưu, trước mắt, công an sẽ khởi tố về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Sau đó, cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ thêm các hành vi của nhóm đối tượng trên gồm việc sản xuất ‘phim người lớn’ và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy.
Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho hay, công an Đà Nẵng sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với nhóm người Trung Quốc trên. “Bởi họ thực hiện phạm tội có hành vi cụ thể, trong đó có cả việc đã lôi kéo cả người chưa đủ 16 tuổi để đóng phim nhạy cảm. Chính vì thế, công an sẽ chiếu theo pháp luật Việt Nam để xử lý. Phạm tội tại Việt Nam thì phải xử lý theo pháp luật Việt Nam chứ không có chuyện trục xuất về nước” – Đại tá Mưu khẳng định. Cũng theo Đại tá Mưu, hành vi của nhóm đối tượng trên là có tổ chức về con người lẫn thiết bị, phương tiện và có hành vi phạm tội hết sức nghiêm trọng.
Vụ nhóm tội phạm Trung Quốc thực hiện ‘tín dụng đen’ qua App cài đặt trên điện thoại di động tại quận 2, TP.HCM phát hiện hôm 17/09/2019 đang được thụ lý theo trình tự tố tụng hình sự của pháp luật Việt Nam. Tương tự còn có vụ tội phạm Trung Quốc trong làm giả thẻ ATM tại thành phố Vinh, Nghệ An…
“Có một thực tế là người dân đang tiếp tục mất niềm tin vào chính quyền, nên chỉ cần vài vụ gọi là công an Việt Nam bàn giao đối tượng phạm tội người Trung Quốc sang cho Trung Quốc, người ta sẽ mặc định rằng những vụ gây án khác của người Trung Quốc tại Việt Nam, thì sớm muộn gì phía Việt Nam cũng trục xuất những đối tượng này về Trung Quốc. Đây là điều rất đáng sợ khi niềm tin vào công lý của người dân dường như ngày càng tuột dốc của chuyện Bắc thuộc!”. Luật sư Trần Thành nhận xét.
Leave a Comment