Tân Phong – Web Việt Tân
Những toan tính cho một cuộc chia ly lần 2 với Bắc Kinh?
Hà Nội đang nỗ lực vận động cho chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng dự định diễn ra trong tháng Mười, 2019. Nhà lãnh đạo đảng cầm quyền CSVN, đồng thời là chủ tịch nước (sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột chết vì “virus lạ” tháng Chín, 2018), sẽ tới Mỹ với tư cách là một nguyên thủ quốc gia chứ không phải là người đứng đầu một đảng phái chính trị. Có thể nói, đây là chuyến đi mong đợi nhất của Hà Nội kể từ 1975.
Việc một tổng bí thư đảng cộng sản được tiếp đón tại Washington theo nghi lễ cao nhất sẽ được coi là thành tựu ngoại giao chưa từng có đối với đảng CSVN, dù trước đó, đã có nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Hà Nội và kể cả ông Trọng cũng đã được tiếp đón tại phòng bầu dục nhưng với cấp độ ngoại giao khiêm tốn hơn. Ông Trọng, một người cộng sản Mác Lê thuần túy, có học hàm giáo sư về chuyên ngành “xây dựng đảng” – một chuyên ngành học chắc chắn không có ở xứ cờ hoa, trong suốt thời gian gần trọn hai nhiệm kỳ trên cương vị tổng bí thư đảng cầm quyền, chỉ quan tâm tới việc “đốt lò” và “cơ cấu lãnh đạo”, liên tiếp ký kết các hiệp định, thỏa thuận nguy hại cho nền kinh tế, quốc phòng và an ninh quốc gia với Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm cuối cùng (bí thư đảng ủy Bộ Công An, bí thư quân ủy Trung ương) cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức và Liên Âu vì quyết định bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Trong nội dung chuyến đi “lịch sử” tới đây, ông ta sẽ nói gì với với Tổng Thống Donald Trump?
Nhiều đồn đoán vỉa hè và thì thào sau cánh gà của giới chức Hà Nội cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang cố gắng “tách Trung”, “thoát Trung” hay thậm chí “dựa Mỹ, đối Trung” sau những đòi hỏi ngày một quá đáng hơn của Bắc Kinh về chủ quyền biển, đảo cũng như tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ câm nín để “giữ gìn tình hữu nghị anh em 4 tốt” và cái “đại cục” của đảng CSVN, nền “báo chí cách mạng” được “tháo rọ mõm” nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 vào dịp kỷ niệm 40 năm của sự kiện đau thương này, cũng như chính thức công bố sự thực về cuộc thảm sát ở Gạc Ma 1988, hải chiến Hoàng Sa 1974.
Kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, Hà Nội chính thức đưa công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hải giám, kiểm ngư xuống xâm phạm khu vực bãi cạn Tư Chính, thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong suốt hai tháng, từ đầu tháng Bảy tới tháng Chín, 2019. Tuy vậy, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng miệng và phát cờ cho ngư dân bám biển không khác gì trò hề, Hà Nội đang đứng trước thử thách và khó khăn nghiêm trọng không chỉ về vấn đề kinh tế, mà cả “sinh mạng chính trị” của thể chế.
Dấu hiệu manh nha cho việc “gió đổi chiều” này có thể được tính từ thời điểm nhóm tàu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tiến vào vùng biển Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến “viếng thăm hữu nghị” vào tháng Ba, 2018, đánh dấu một trang mới trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ 1975. Trước sự kiện mang tính biểu tượng lịch sử này cần nhắc lại việc Hà Nội đã phải hoãn lại hai dự án dầu khí quan trọng tại mỏ Cá Rồng Đỏ với liên doanh Tây Ban Nha vào tháng Bảy, 2017 và Exxon Mobil của Mỹ vào tháng Mười Một, 2017 vì áp lực của Bắc Kinh. Khi đó, giới chức CSVN vẫn còn sợ Bắc Kinh phật ý đến mức không có bất cứ quan chức chính phủ hay quân đội cấp cao nào có mặt để đón tiếp đoàn sỹ quan dẫn đầu bởi Đô Đốc Scott Swift – Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương và Phó Đô Đốc John Fuller – Tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay Hải Quân Mỹ. Báo chí Việt Nam đưa tin dè dặt, chủ yếu “giật tít câu like” bằng hình ảnh choáng ngợp các chiến hạm, chiến đấu cơ hiện đại.
Dù trước đó, Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã âm thầm đến Washington D.C từ ngày 15 đến ngày 18 tháng Mười, 2017, trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ Đối thoại Chính sách Quốc phòng đã viếng thăm soái hạm này ngày 19 tháng Mười, 2017 và chứng kiến việc triển khai những tiêm kích F35B Lightning đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ. Tuy vậy, sự rụt rè tới thảm hại của giới chức CSVN khiến cho người Mỹ thì ngán ngẩm mà Trung Quốc cũng phải cười ruồi.
Trong chiến lược nhằm đảm bảo trật tự cũ ở khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ không chỉ dừng lại những ủng hộ ngoại giao quan trọng, mà cả tài trợ khí tài, phương tiện quân sự, huấn luyện phi công và chia xẻ thông tin giúp cho Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền của chính mình. Song điều đó không đủ để cản bước “đường lưỡi bò” đang liếm dần gần hết diện tích vùng biển trọng yếu của khu vực, nơi sở hữu những tuyến hải trình trị giá 5.000 tỷ USD/năm và những lợi ích địa chính trị, tài nguyên to lớn. Những gì đang xảy ra ở Tư Chính, ở Cá Voi Xanh rõ ràng cho thấy nguy cơ Hà Nội có thể đánh mất chủ quyền quốc gia trước sức ép của Bắc Kinh ngày một rõ ràng hơn.
Chính Hoa Kỳ cũng sẽ bị rơi vào tình huống bị động và khó khăn hơn trong cuộc đấu giành ảnh hưởng ở khu vực với Bắc Kinh nếu Hà Nội chấp thuận thỏa hiệp “cùng hợp tác khai thác” với ông bạn “4 tốt”. Khi đó, trật tự mong manh hiện thời ở khu vực Đông Nam Á sẽ bị phá bỏ theo ý đồ thống trị Biển Đông của Trung Cộng. Tư Chính hay Cá Voi Xanh cũng chính là “lằn ranh đỏ cuối cùng” trước khi ASEAN trở thành vạc dầu sôi. Lời cảnh báo lạnh người của Tập Cận Bình với Duterte đã lộ rõ phía sau khuôn mặt “gấu trúc Po dễ thương” là một con sói đang nhe nanh.
Vấn đề không còn là sự lựa chọn giữa một bên là cái “đại cục” của đảng và một bên là cái “nồi cơm” của chế độ. Không phải giới chức Hà Nội không nhận ra một điều rằng nếu để mất cái “nồi cơm” ở Cá Voi Xanh trị giá tới 60 tỷ Mỹ kim hay Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ… ở Tư Chính, thì cái thể chế cũng đến ngày hấp hối. E ngại về tương lai bất định của chóp bu tập đoàn cầm quyền và lo sợ có căn cứ từ “trải nghiệm” cuộc chiến Việt Trung 40 năm trước cũng như 10 năm bị cô lập và đói rách, Hà Nội run rẩy khi đứng ở ngã ba đường lịch sử. Vào những ngày đầu tháng Chín, 2019, thông tin rò rỉ từ tập đoàn Dầu Khí Việt Nam cho biết, Repsol đã chính thức từ bỏ các giếng khoan có trữ lượng dầu khí lớn ở bãi cạn Tư chính trước sức ép của Trung Quốc và Hà Nội đang cố gắng thỏa thuận nội bộ một khoản đền bù không hề nhỏ cho đối tác Tây Ban Nha.
Ông Trọng đi Mỹ, trên cương vị đảng trưởng và chủ tịch nước, sẽ phải giải quyết vấn đề hóc buá là vừa giữ được tính chính danh của một thể chế độc tài đang hồi rách nát tơi tả trước sự xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc bằng việc “lôi kéo” Hoa Kỳ vào “vùng lửa cháy” ở Tư Chính, Cá Voi Xanh… để người Mỹ ra mặt bảo vệ “quyền tự do hàng hải và chủ quyền của Việt Nam” tại Biển Đông, vừa phải bảo toàn quyền lợi của tập đoàn cai trị CSVN do ông ta đứng đầu.
Nếu không giải quyết được những vấn đề đó, chuyến đi của ông tổng tịch sẽ chỉ dừng lại là một chuyến showbiz chính trị, nhằm ve vuốt cái tôi vĩ đại “mình phải như thế nào người ta mới thế chứ”. Thật mỉa mai, sau khi đã “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” và hy sinh tới 2 triệu người Việt để “đánh cho Mỹ cút”, giờ đây, Hoa Kỳ là cái phao và hy vọng khả dĩ nhất mà CSVN có thể mong đợi sự bênh vực trước cường quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại toàn bộ vai trò đặc biệt của ông Nguyễn Phú Trọng trong “diễn trình Hán hóa” từ 2011 tới nay, thì e rằng khó có được một nhận định tích cực về mối quan hệ cực kỳ phức tạp với Bắc Kinh. Quan trọng hơn cả là với tư duy và hệ tư tưởng của ông Trọng – một tín đồ của Marxism được nuôi lớn và ăn học ở “Trung Hoa vĩ đại”, suốt cuộc đời trong cái “lồng kính ý thức hệ” – thì chắc chắn những mâu thuẫn nguy hại tiềm phục với Trung Quốc sẽ không bao giờ giải quyết được mà sẽ nảy sinh mâu thuẫn mới, trong khi mối quan hệ với Washington vẫn quanh quẩn ở những lợi ích thương mại ngắn hạn và xin viện trợ.
Dù cho người Mỹ ở thế “đặng chẳng đừng” và cũng chẳng lạ gì thói đàng điếm của những người cộng sản Việt Nam, sẵn lòng đóng vai trò “vú em” cho CSVN để đảm bảo trật tự ở Biển Đông thì với kiểu “đu dây” cố hữu, yếu hèn một cách kỳ lạ và siêu thực dụng của giới chức Hà Nội, cái thế chông chênh của mối quan hệ “đối tác toàn diện” hạng hai này cũng không đảm bảo được gì cho một tương lai lâu dài ổn định.
Tân Phong
Leave a Comment