- tuongnangtien’s blog – RFA
Cái sẩy nó nẩy cái ung (Thành ngữ)
Bằng giờ này năm trước, tháng 10 năm 2018, I.F.R.I – Institut Français des Relations Internationales – đã cho phổ biến bài viết (“Chine : Une Puissance Pour Le XXIe Siècle”) với hơi nhiều lời … có cánh. Thử xem chơi vài câu, qua bản dịch (“Trung Hoa: Một Siêu Cường Của Thế Kỷ XXI”) từ trang Nghiên Cứu Biển Đông:
Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế, và mong muốn trở thành cường quốc trong mọi lĩnh vực. Trung Quốc đang phát triển một chiến lược gắn kết và tổng thể nhằm khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, là một cường quốc hình mẫu về kinh tế, quân sự, ngoại giao, chính trị và ý thức hệ. Trung Quốc còn dự định đề xuất một mô hình phát triển và quản trị đất nước thực sự, và tiến hành cơ cấu lại quản trị toàn cầu.
Việc nổi lên của một cường quốc là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, và chỉ có thể nhận thấy trong cả quãng thời gian dài. Sau sự xuất hiện của các cường quốc Anh và Mỹ trong những thế kỷ trước, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của siêu cường Trung Quốc.
Ngoài các thành tựu kinh tế, có lẽ điều phân biệt Trung Quốc với các nước mới nổi khác là quyết tâm không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy “sự đổi mới vĩ đại của nhà nước Trung Quốc”.
Một ý chí sức mạnh 360° …
Một ý chí mạnh mẽ muốn được thừa nhận là cường quốc …
Một Trung Quốc hình mẫu cho các nước khác …
ĐCSTQ cho rằng bối cảnh hiện tại thuận lợi cho Trung Quốc, và mong chờ thập kỷ sắp tới với một sự lạc quan nhất định, đồng thời không ngần ngại nhấn mạnh mặt trái của thế giới và người dân phương Tây.
Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của giới bóng đá VN, là Trung Quốc sắp đặt cả nhân loại dưới gót chân của họ bằng những kỳ tích để đời. Cùng lúc – khắp nơi – thiên hạ vẫn thường được nghe những lời phát biểu, với khẩu khí cũng tự tín và lạc quan (tương tự) từ ông Chủ Tịch Đảng kiêm Chủ Tịch Nước của xứ sở này:
- Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử”, bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.
- Chúng ta cần củng cố niềm tin về con đường, lý luận, hệ thống và văn hóa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước khác.
- Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của ‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa.
- Hương Cảng luôn trong trái tim tôi.
Tập Cận Bình có “nổ” lớn quá không?
Không đâu! Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, ngài chủ tịch còn có thêm một khối óc vỹ đại cùng tầm nhìn bao quát toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là “dự án lớn nhất của thế kỷ” (the largest project of the century) với kỳ vọng sẽ mang lại “một trật tự mới cho thế giới.”
Quả đất vốn đã xưa, thế giới vốn đã cũ nên mọi sự mới mẻ đều được vui vẻ đón chào. Niềm vui, tiếc thay, hơi ngắn. Cái được mệnh danh là trật tự Trung Hoa – Sino-centric order – chưa kịp thành hình (mới chỉ có trong óc tưởng tượng thôi) thì đã có “sự cố” vô cùng đáng tiếc xẩy ra, khiến cho chính nước Tầu bỗng trở nên hơi bị lộn xộn và rối rắm.
Ảnh: reddit.com
Cái “sẩy” này tuy chỉ vì chút “thiếu tế nhị” trong lãnh vực pháp lý nhưng đã nẩy ra một cái ung to đùng, có thể làm tiêu tán giấc mộng (lớn) của Tập Cận Bình. Vấn đề đã được Mary Hui – tường thuật viên của Quartz, tại Hồng Kông – tóm gọn như sau, theo bản lược dịch của Đoan Trang:
Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác: 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”.
Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời.
Thế là sóng gió ba đào:
Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam).
Có thể ví dự luật dẫn độ như một giọt nước tràn ly, và phản ứng dữ dội của người dân Hương Cảng như những cái tát (nháng lửa) vả liên tiếp vào mặt của Tập Cận Bình:
- Hơn 1 triệu người biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ …
- Hồng Kông Tê Liệt Vì Biểu Tình Phản Kháng Chính Quyền
- Người biểu tình Hồng Kông so sánh cảnh sát với chế độ Hitler
- Chính khách Úc ‘so sánh’ Trung Quốc với phát xít Đức
- Phong trào phản đối Luật dẫn độ đã dần công khai nhắm vào ĐCSTQ
- Người Hồng Kông đốt cờ Trung Quốc
- Vụ tự sát thứ ba của người Hồng Kông chống luật dẫn độ
- Mười nghìn người Đài Loan biểu tình ủng hộ Hồng Kông
- G7 “quan ngại sâu sắc” về tình hình Hồng Kông
- Xuống đường ở Macau ủng hộ biểu tình Hong Kong
- Sinh viên Hồng Kông bãi khóa để phản đối Bắc Kinh
- Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông
- Đức kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho dân Hồng Kông
Ảnh: boingboing.net
Sau vô số lời đe doạ, sau khi bạo lực bị chống trả mãnh liệt bởi bạo động, và sau khi súng đã nổ nhưng những cuộc biểu tình vẫn giữ nguyên cường độ nên Trung Hoa Lục Địa “bỗng” trở nên nhũn nhặn và … lễ độ thấy rõ. Mềm nắn, rắn buông. Không buông, ngó bộ, không xong đâu!
South China Morning Post, số ra hôm 4 tháng 9 năm 2019, loan tin: “Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thông báo rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Hong Kong leader Carrie Lam announces formal withdrawal of the extradition bill.” Josuhua Vong đáp lại rằng như thế là “quá ít và quá muộn. Too little and too late.” Theo BBC, ông còn cho biết thêm: “Biểu tình sẽ tiếp tục cho đến ngày có bầu cử tự do.”
Cụm từ “bầu cử tự do” – tiếc thay – lại không có trong tự điển của Tập Cận Bình. Nay muốn thêm vào e hơi bị khó. Sợ nó sẽ làm đảo lộn trật tự không chỉ ở đảo Hồng Kông mà còn ngay cả ở Trung Hoa Lục Địa nữa. Giấc mộng “Sino-centric order” – ngó bộ – còn xa. Nó cũng xa xăm và mơ hồ (y) như giấc mộng siêu cường của Tân Hoàng Đế vậy.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do!
Leave a Comment