Nhân dịp bạn Trần Văn Thái từ Việt Nam sang, tuần qua tôi đã cùng mấy bạn học ở Königs Wusterhausen (Berlin) từ thời trai trẻ tổ chức một cuộc gặp gỡ với các thầy cô giáo ở đó. Tôi luôn áy náy vì cứ mỗi lần quay về trường cũ là lại thiếu vắng thêm một vài thầy cô. Tôi sẽ kể trong bài sau về cuộc gặp gỡ này.
Vì vậy nên tôi không thể tham gia lễ kỷ niệm 40 năm „Tổ chức cứu trợ Cap Anamur“ vào hôm thứ bảy 31.8 vừa qua. Tuy không phải là thuyền nhân được tàu Cap Anamur của ông Rupert Neudeck vớt lên từ Biển Đông như hàng chục ngàn đồng bào, nhưng tôi vẫn coi ông Neudeck là ân nhân. Ân nhân vì ông đã giúp tôi hiểu hơn ý nghĩa của cuộc đời.
Trước khi đi Berlin, tôi kịp đưa bạn Thái về Troisdorf để viếng ông Neudeck và thăm „Đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam“. Con thuyền gỗ nhỏ bé với 52 người tỵ nạn đang sắp chết khát được tàu Cap-Anamur vớt vào phút chót, ngày nay trở thành đài kỷ niệm. Mỗi lần qua đó, tôi lại nghĩ đến những đồng bào xấu số đã nằm lại trong lòng Biển Đông.
Rồi tôi nghĩ đến người ty nạn Neudeck.
Ông Neudeck cũng là một người Đức tỵ nạn chạy trốn cuộc tổng tiến công của Hồng quân Liên-Xô. Năm 1945, cậu bé 6 tuổi Rupert đã phải theo cha mẹ, cùng 12 triệu người Đức đi bộ hơn 1000 km từ vùng Danzig (nay là Gdansk, Ba-Lan) để về Tây Đức. Gia đình Neudeck sống sót về đến đây vì họ bị nhỡ chuyến tàu thủy Wilhelm Gustloff. Con tàu chở người Đức tỵ nạn này đã bị tàu ngầm S13 của Hồng quân Liên Xô bắn chìm ngày 30.1.1945 trên biến Baltic, đem theo 9.000 người Đức xấu số xuống đáy biển.
Cậu bé Rupert đứng trên bờ kinh hoàng nhìn những mảnh tàu vỡ cùng xác người trôi dạt vào bờ. Hình ảnh đó đã không bao giờ ra khỏi đầu ông già Neudeck sau này.
Vì vậy khi nhìn thấy những hình ảnh thuyền đắm, người chết trên Biển Đông, nghe về những vụ cướp biển, về các vụ hãm hiếp, về những vụ ăn thịt người để sống, ông không thể ngồi im. Ông thậm chí vượt cả rào cản ý thức hệ. Rupert Neudeck vốn là một báo cánh tả, ảnh hưởng bởi các thần tượng như Jean Paul Sartre, Yve Montant hay Heinrich Böll. Cánh tả phương tây đã đứng về phía những kẻ yếu trong chiến tranh Việt Nam và có cảm tình với Việt Cộng. Nay phải ra tay cứu những người trốn đang chạy chế độ mình từng ủng hộ không phải là quyết định dễ dàng.
Khó khăn nữa là phá bỏ được nỗi lo ngại của dư luận Đức trước dòng người tỵ nạn Việt Nam. Chỉ riêng việc một dân tộc tự đàn áp nhau đến mức hàng triệu người phải chấp nhận cái chết, bỏ quê hương ra đi, đã khiến người ta lo sợ bản chất bạo lực tiềm tàng trong dân tộc đó. Không nước nào thích đón nhận người Việt tỵ nạn, kể cả các nước láng giềng như Thái Lan, Mã Lai, Indonexia. Liên hiệp quốc phải tổ chức hội nghị quốc tế Geneve 1979 để phân bổ hạn ngạch, buộc mỗi nước giàu phải nhận một cơ số người Việt tỵ nạn.
(Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến một số người Việt tỵ nan đang có cái nhìn hẹp hòi đối với những người tỵ nạn hôm nay và coi chỉ có họ mới xứng đáng được cứu vớt)
Rupert Neudeck bị chỉ trích từ cả hai phía, tả và hữu. Người thì coi con tàu Cap-Anamur là cái nam châm thu hút và kích động người vượt biên, người thì chửi ông “Chống lại một nhà nước XHCN đang hồi sinh“ (Peter Weiss)[1]. Nhiều bạn bè coi ông là kẻ điên rồ, tự nhiên từ bỏ cuộc sống no ấm của một nhà báo để lao vào cuộc phiêu lưu cứu người giữa biển cả.
Hai vợ chồng Christel và Rupert Neudeck không hề phủ nhận là mình điên khùng. Những kẻ điên khùng sẽ chuyển động thế giới.
Đại văn hào Heinrich Böll[2] đã đồng cảm với sự hy sinh của vợ chồng Neudeck và chính sự ra tay của ông Böll đã tạo nên chuyển biến kỳ diệu trong dư luận. Sau buổi phát sóng đầu tiên cùng Heinrich Böll, ông Neudeck thu được hơn 1,3 triệu DM tiền quyên góp. Số tiền đó đủ để tổ chức „Con tàu cho Việt nam“ của ông thuê chiếc tàu buôn với cái tên Cap Anamur [1]. Rất nhiều thiện nguyện viên đã góp sức, góp của sửa chiếc tàu đó thành tàu y tế cứu nạn. Nhiều chuyên gia y tế, hàng hải đã đầu quân làm nhân viên không lương cho tàu Cap-Anamur. Ngày 13.8.1979, con tàu rời cảng Hamburg đi biển Đông để cứu người Việt tỵ nạn.
Trong 10 năm liên tục, con tàu đã vớt được 11.300 người tỵ nạn Đông Dương đưa về Đức. Cứu người đã khó, đưa được họ về Đức cũng không dễ. Chính quyền Đức không muốn đón nhận tất cả những người được cứu trên tàu. Nước Đức được phân công phải nhận 20.000 thuyền nhân. Chính quyền chỉ muốn đến các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á phỏng vấn từng người, lựa chọn và nhận những người đã thẩm tra. Trong khi con tàu lênh đênh trên biển để về Hamburg, một cuộc chiến truyền thông và vận động hành lang đã nổ ra tại Đức. Kết cục là tất cả những người trong danh sách gửi về từ Biển Đông đều được chấp nhận tỵ nạn tại Đức.
Trong chiến tranh thế giới 2, „Bản danh sách Schindler“ là một ngọn nến nhỏ của tình người chìm trong bóng tối của tư tưởng phát xít. Trong thời bình những „Bản danh sách Neudeck“ gửi đi từ tàu Cap Anamur đã thức tỉnh lương tâm dân tộc này, đã đưa hình ảnh nước Đức từ những lò thiêu xác, trại tập trung, trở thành bến bờ của lòng nhân đạo.
Bà Neudeck nói, họ làm được điều đó vì họ dám đứng lên, đi ngược lại những luồng tư tưởng ngự trị (mean stream).
Xin dẫn một câu nói của Rupert Neudeck: Tôi muốn không bao giờ hèn nữa. Cap-Anamur là ấn tượng đẹp nhất của ý nguyện Đức: Không bao giờ trở lại với sự hèn hạ, phải luôn luôn dũng cảm. (Ich möchte nie mehr feige sein. Cap Anamur ist das schönste Ergebnis des deutschen Verlangens, niemals wieder feige, sondern immer mutig zu sein)
Sự hèn hạ mà ông Neudeck muốn nói ở đây chính là sự quay mặt đi trước những điều ác đang xảy ra trước mắt mình. Chủ nghĩa phát xít tàn phá thế giới từ 1933 đến 1945 không phải vì Hitler tài giỏi, mà vì đã có 90 triệu người Đức hèn, ngậm miệng.
Köln 04.09.2019
————-
[1] Cap Anamur là tên một cảng biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu ông Neudeck thuê tàu Cap Anamur, sau khi có đủ tiền, ông mua lại. Năm 1982, ông lấy tên Cap Anamur đăt tên cho tổ chức của mình.
[2]https://www.spiegel.de/spiegel/print/d-14339003.html
[3] Heinrich Böll: 1917-1985, quê ở Köln, được coi là nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất nước Đức, giải thưởng Nobel văn học 1972.
Leave a Comment