Ngày 2/9/1945, Từ Phủ Toàn quyền, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp Tự do (Free French) đã quan sát dòng người đi thành từng hàng băng qua đại lộ Brière-de-l’Isle để tiến vào quảng trường. Jean Sainteny ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông, không có bất kì hành vi gây rối nào. Không ai có cử chỉ thù địch đối với Jean Sainteny hay đối với tòa nhà phủ Toàn quyền. (Theo Jean Sainteny, Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947 (Paris: Amiot-Dumont, 1953), trang 92-93.)
Người công giáo ủng hộ Cách mạng!
Điều mà ông Jean Sainteny ngạc nhiên lúc bấy giờ đã được giải đáp sau đó bằng những câu chuyện kể lại trong các hồi ký của nhiều người trong Giáo hội Công giáo, tiêu biểu là Đức Giám mục Phaolo Lê Đắc Trọng và Đức ông Laurenxo Phạm Hân Quynh.
Sở dĩ có câu chuyện người Công giáo Việt Nam tham gia đông đúc với cử chỉ nghiêm trang, lịch sự như vậy trong ngày 2/9/1945, bởi đó là kết quả của một cú lừa vĩ đại mà chính quyền cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tiến hành với Giáo hội Công giáo.
Sau ngày 19/8, Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông bàn bạc việc chọn ngày ra mắt quốc dân để đọc Tuyên ngôn độc lập. Có nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày gần sau đó là ngày 25 hoặc 28/8.
Sau đó, Hồ Chí Minh cho người liên lạc với bên phía tòa giám mục Hà Nội. Ngày 22/8, Hồ Chí Minh đến thăm Nhà thờ lớn Hà Nội.
Hồi ký của nhóm cộng sự về Đức ông Laurenxo Phạm Hân Quynh – một linh mục đã từng ở nước ngoài, về nước phục vụ Tổ Quốc, bị nhà cầm quyền CSVN câu lưu đày đọa nhiều năm tại Giáo phận Hải Phòng vì không chịu hợp tác với nhà nước trong việc nặn ra và nuôi dưỡng cái gọi là Ủy Ban Liên lạc Công giáo Toàn Quốc, tức là UBĐK Công Giáo ngày nay – kể lại:
Lúc ấy thày Quynh và một số tu sĩ trẻ khác đang tất bật trang trí nhà thờ và trường Dũng Lạc. Đoàn xe ôtô của cụ Hồ đỗ ngay bên bậc thềm Nhà thờ Lớn, gần tượng đài Đức Mẹ. Rồi cụ Hồ cùng đoàn tuỳ tùng đi bộ phía bên trái nhà thờ tiến vào cổng Nhà chung.
Các tu sĩ trẻ đã nhận ra ngay cụ Hồ, mặc dù chưa được gặp cụ lần nào. Các thày mừng rỡ vây quanh cụ, hớn hở chào:
– Chúng cháu chào bác ạ!
Cụ Hồ nét mặt tươi vui niềm nở:
– Bác cũng chào các cháu! Các cháu đang làm chi mà giăng đèn hoa đẹp vậy?
Mấy thày ngập ngừng, chưa biết trả lời sao cho tế nhị. Một cán bộ trong đoàn cụ Hồ nhanh nhảu nói:
– Thưa bác, chắc là các tu sĩ đây đang trang trí đèn hoa chào mừng ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công đấy ạ!
Mấy người dân ở mặt phố gần đấy tinh mắt, nhận ra cụ Hồ, cũng tuốn đến, đứng vây xung quanh vị lãnh tụ một cách trật tự.
Cụ Hồ mỉm cười hỏi lại các tu sĩ:
– Chú cán bộ đoán thế có đúng không, các cháu?
Mấy tu sĩ trẻ nhìn nhau ấp úng, càng thấy khó nói. Giả như chỉ cần gật đầu “vâng ạ” là xong, và còn làm đẹp lòng nhau, nhưng đó không phải là sự thật. Thày Quynh đành lựa lời đáp:
Cụ Hồ nhíu mày suy nghĩ rất nhanh. Rồi gật gù nói:
– Tốt! Tốt! Bác sẽ làm cho ngày 2/ 9 này trở thành ngày Đại lễ của cả dân tộc Việt Nam. Thôi bác cháu ta cùng nhau vào Nhà chung thăm các vị giáo phẩm.
Mấy tu sĩ đã đón dẫn đoàn khách cao cấp vào phòng khách Tòa Giám mục. Tại đây, chủ khách tiếp đón nhau rất trang trọng và thân tình. Phía chủ: toàn các cha, các thày người Việt Nam. Đức cha Thịnh (Chaize), Cha Chính Huy (Vuillard) tránh mặt không ra tiếp khách là rất khôn ngoan tế nhị, để tránh một mặc cảm do lịch sử để lại.
Cụ Hồ chủ động nói lên niềm phấn khởi to lớn vì nước nhà đã thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Cụ kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội hãy tin tưởng, hợp tác với Chính phủ cách mạng, đoàn kết toàn dân thành một khối vững mạnh. Như cụ Giám mục Lê Hữu Từ (chưa tấn phong), Cố vấn của tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, người giáo dân yêu nước, cụ Ngô Tử Hạ, vị nhân sĩ Công giáo, ở ngay phố Nhà Chung đây…Tất cả đều đi theo cách mạng…
Cụ Hồ còn đang say sưa nói, chợt có một người cán bộ của cụ bước đến bên cụ ghé tai nói nhỏ, nhưng mọi người ngồi đấy vẫn nghe được: “Thưa bác, có người nhà từ trong quê ra, muốn gặp bác”. Cụ Hồ nói với người cán bộ: “Ai là người nhà của tôi? Ai là anh em tôi?” Cụ đưa mắt nhìn mấy vị giáo phẩm, mấy người ngồi đấy rồi thân mật dang tay nói: “Đây là người nhà tôi, đây là anh em tôi. Ai nghe lời tôi nói, ai thực hiện mọi chủ trương đường lối của Chính phủ cách mạng thì đều là người nhà tôi cả.”
Đến đây, buổi thăm viếng kết thúc. Chủ khách chia tay nhau trong nét mặt hân hoan thân tình.
Sau này cha con chúng tôi có dịp nhắc đến câu chuyện trên. Chúng tôi xin cha một lời bình, cha từ chối, chỉ giải thích: Theo lịch phụng vụ thời ấy, ngày lễ kính Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam là ngày Chúa nhật đầu Tháng Chín. Mà năm 1945 ngày lễ này rơi vào ngày mồng 2/9. Còn các năm khác ngày lễ có thể xê dịch sang ngày mồng 5, mồng 6, mồng 7… Vì thế, ngày Quốc Khánh không thể che lấp được. (Hết phần trích dẫn)
Việc Hồ Chí Minh tạo ra câu chuyện có khách ở quê ra để diễn lại câu chuyện theo Matthew chương 12,47-50 trong Kinh Thánh của người Công giáo khi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai là anh em của tôi” đã nói lên sự chuẩn bị công phu và là một trò gian hùng, tháu cáy.
Lễ tuyên bố độc lập tại vườn hoa Ba Đình là vào buổi chiều. Buổi sáng hôm ấy là lễ kính Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam hồi 8 giờ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Phái đoàn Chính phủ cách mạng đã đến dự lễ. Ông Võ Nguyên Giáp được mời lên cung thánh ngồi vào chiếc ghế tựa lớn bọc nhung mà quan Toàn Quyền hay vị thượng khách nào đó mới được ngồi. Khi bước lên cung thánh, ông Giáp tỏ ra rất thành thạo nghi thức Công giáo: đã cúi mình bái sâu trước bàn thờ, rồi quay sang phía ghế Tòa Giám mục chào Đức cha Thịnh, sau cùng chào hai hàng ghế các cha ngồi dự lễ trên cung thánh (hồi ấy chưa có lễ đồng tế).
Để đáp lại Thánh lễ ban sáng ngày 2/9 tốt đẹp quy tụ Đạo đời, Đức cha Thịnh cho phép các thày chủng viện ban chiều mặc áo chùng thâm đi dự lễ Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đoàn có 130 thày, được ưu tiên đứng dưới chân lễ đài. (Hồi kí của Đức cha Lê Đắc Trọng tập II, trang 20).
Và những cú lừa sau Cách mạng
Cũng trong những ngày đầu của chế độ này, người Hồ Chí Minh và đồng đảng chưa dám tuyên bố công khai là sẽ theo chế độ Cộng sản. Với chính phủ đầu tiên là chính phủ đa đảng, đa nguyên và lấy tên nước là “Dân Chủ – Công Hòa” do vậy nhiều người công giáo không chỉ giáo dân, linh mục mà cả Giám mục Thadeo Lê Hữu Từ cũng tham gia làm cố vấn tối cao cho chính phủ này.
Ngày 14/6/1945, linh mục Lê Hữu Từ được Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám mục Hiệu tòa Daphnusia với chức vị Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm.
Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng. Trong thư có đoạn: “có một nhà lãnh đạo mới của người Công giáo đi theo chân Đức Giê-su, chịu đóng đinh hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập của đất nước”.
Vốn là người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, Đức Giám mục Thadeo Lê Hữu Từ ủng hộ việc giành độc lập cho Việt Nam từ tay người Pháp. Chính ngài là người dẫn đầu đoàn các giáo dân Công giáo đến dự lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, một cách thể hiện sự ủng hộ ban đầu của ngài đối với chính quyền Việt Nam mới.
Ngày 25/2/1946, Hồ Chí Minh đích thân đến Phát Diệm, chính thức mời ngài làm “Cố vấn tối cao của Chính phủ”. Cùng với cựu hoàng Bảo Đại, ngài là hai người giữ chức vụ này trong chính phủ lâm thời.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi chính quyền cách mạng đã phần nào nắm vững chiếc ghế cai trị của mình, chính thức lộ rõ bộ mặt Cộng sản, thì Đức Giám mục Thadeo Lê Hữu Từ đã bất hợp tác và chỉ mấy năm sau, hàng triệu người, trong đó có tỷ lệ rất lớn là người Công giáo đã phải tiến hành “Cuộc bỏ phiếu bằng chân” lần thứ nhất với chính quyền cộng sản – Cuộc di cư vĩ đại vào Miền Nam.
Kể từ đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam Miền Bắc nằm dưới sự chà xát và đày đọa của chế độ cộng sản với mục đích xóa bỏ mọi tôn giáo trong chế độ mới – Chế độ Xã hội Chủ Nghĩa.
Và người công giáo nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung đã phải ngậm đắng nuốt cay những cú lừa vĩ đại của người Cộng sản cho đến hôm nay.
Ngày 2/9/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment