Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế…
Quan chức Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. HCM, người chuyên theo dõi và thông tin cho báo giới về kết quả kiều hối ở thành phố này, lại cho biết ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP. HCM chỉ đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến cả năm 2019, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM chỉ đạt con số trên 5 tỷ USD.
Nếu mức 5 tỷ hoặc nhỉnh hơn một chút là số liệu cuối cùng về kiều hối về TP.HCM trong năm 2019, kết quả này là không có gì vượt hơn so với 5 tỷ USD kiều hối về thành phố này trong năm 2018, thậm chí còn thua cả số 5,2 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2017.
So sánh trên phản ánh một diễn biến quan trọng của đồ thị kiều hối về TP.HCM: sau khi tạo đỉnh vào những năm 2016 và 2017, kiều hối về TP.HCM có xu hướng giảm dần, bất chấp Sài Gòn là nơi tập trung hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài và là địa chỉ ‘giàu có’ nhất’ về nhận kiều hối, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam.
Kết quả kiều hối về Sài Gòn lại là phác thảo cho bức tranh kiều hối về Việt Nam, bởi đã hình thành một quy luật: Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam – theo thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối trong nhiều năm qua.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2017 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.
Tương tự, nếu căn cứ vào con số khoảng 5 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2019 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn, trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, trong đó cần phải tính đến yếu tố sụt giảm kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam do ngày càng nhiều quốc gia hạn chế hoặc đóng cửa với lao động Việt. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ USD.
Sau chuỗi năm tăng trưởng liên tục, năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh – đến 30% – so với lượng kiều hối của năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam khi đó đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Còn vào hai năm 2017 và 2018, với mức giảm từ 6 – 7 tỷ USD so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD của năm 2015, GDP danh nghĩa của Việt Nam còn có thể sụt giảm nặng nề hơn.
Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế./.
Leave a Comment