Thường Sơn – (VNTB) – Lần đầu tiên Mỹ biểu lộ quan điểm cứng rắn nhằm bảo vệ Tập đoàn dầu khí ExxonMobil – liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – để khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
***
Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ” – Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Bãi Tư Chính là vùng có trữ lượng dầu và khí đốt màu mỡ nhất Việt Nam, với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng – nơi được liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Nhưng những năm gần đây, Bắc Kinh đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã ‘liếm’ đến 67 lô dầu khí – một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông.
Cả hai Tập đoàn Repsol và Rosneft đều đã phải chịu sức ép lớn của Trung Quốc. Sau hai vụ Trung Quốc cho tàu vây bọc và đe dọa Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Tập đoàn Repsol đã phải ‘bỏ của chạy lấy người’, còn phía Việt Nam thì phải gánh số tiền bồi thường cho hoạt động thăm dò mà Repsol đã ứng trước, lên đến 300 – 400 triệu USD.
Tuy nhiên, số phận của ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh đã may mắn hơn nhiều so với Repsol và Rosneft.
Vì đơn giản ExxonMobil là một trong số ‘các công ty Mỹ’ mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra mặt bảo vệ.
Vào năm 2017, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Suýt chút nữa thì dự án này phải hoãn lại.
Mỏ Cá Voi Xanh
Nhưng sau đó, Mỹ đã ra tay. Một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ – Việt thống nhất cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 – như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không”.
Vào ngày 20/8/2019, ông John Bolton viết trên Twitter: “Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại” và “Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó”.
Những động thái công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.
Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam – Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối – mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần 60 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là khoảng 20 tỷ USD. Mỏ dầu khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm, trên bàn nghị sự Donald Trump – Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì.
Leave a Comment