Đảng cộng sản quang vinh muôn năm, và Ban tuyên giáo là một cơ quan chuyên môn về tuyên truyền đường lối, chính sách và tư tưởng của Đảng.
Thế nhưng, không hiểu sao, với đảng viên được coi là gương mẫu, chuẩn mực và đường hoàng chính chính, họ lại phải “lập các tài khoản ảo” giấu mặt để đi bình luận hoặc báo cáo để đóng các tài khoản của những người mà họ cho là “phản động” hoặc “đi ngược lại quan điểm của Đảng”.
Trong khi, những người lên tiếng phê phán, chỉ trích những cái sai trái của nhà nước, những sự tha hoá của quyền lực, những tố cáo về những cán bộ tham nhũng, tệ cường quyền, những vấn đề lỗi của mô hình chính thể và có những người phân tích nghiêng về học thuật triết học, chính trị, lịch sử, pháp luật hay kinh tế để phân giải rõ nguồn cơn của các tệ trạng liên quan tới quyền lực nêu trên đang diễn ra trong xã hội – họ là những người rõ ràng về danh tính và nhân thân, những thông tin về họ là khá cụ thể và họ công khai các quan điểm của mình.
Nhưng nhiều đảng viên, đang được cho là bảo vệ Đảng và Nhà nước, những người tự hào đại diện cho điều chính danh và đúng đắn, lại phải lập những tài khoản ảo giấu mặt. Vậy những kẻ giấu mặt, không ai biết là ai, liệu có đủ tư cách để bảo vệ quan điểm của người khác, họ có đủ vai trò hoặc sự chính danh để đại diện cho điều và thứ mà họ bảo vệ hay nhân danh?
Các đảng viên cần phải rõ ràng và công khai về danh tính của mình, trước khi có thể nói về những điều đúng, vì hành động chính danh là hành động đúng cần thiết đầu tiên khi bước vào một cuộc tranh luận. Hơn nữa, trong sự thừa nhận như trong bài báo dưới đây, những đảng viên còn phải (bị bắt buộc) thể hiện các biểu cảm trạng thái như “thích – like” hay “thả tim” các bài viết ca ngợi Đảng, Bác hoặc Nhà nước (chính quyền), nếu không sẽ bị xem xét điểm đánh giá đảng viên vào cuối năm.
Đúng là không thể hiểu nổi trong đầu các đảng viên này và đường lối hoạt động của họ là gì. Khi nhân dân và những tiếng nói bất đồng đều là những con người cụ thể, công khai và đường hoàng, chính danh, còn người được cho là đại diện cho Nhà nước, Đảng lại phải giấu mặt để bày tỏ quan điểm và bắt các thành viên trong tổ chức phải đồng thuận và coi đó là một tiêu chí đánh giá, xếp hạng thi đua đối với đảng viên.
Thế này thì khác gì (núp lùm) ném đá giấu tay hay kiểu “chiến tranh du kích trên mặt trận tư tưởng”? Không những vậy, còn cưỡng buộc tư tưởng các thành viên khi bắt họ “phải yêu lấy những gì thuộc về tổ chức”.
Đảng viên phải quang minh chính đại trước người dân và trước các tư tưởng, việc bày tỏ của mình chứ, sao lại lén lút và ẩn mình che giấu thân phận thật sự của mình trước bàn dân thiên hạ vậy? Hành động đó nói lên sự sợ hãi và tự ti của những người này, thậm chí “thiếu trong sáng” như họ vẫn thường bao biện cho việc bổ nhiệm hoặc cất nhắc nhân sự có vấn đề khi bị phát hiện và xử lý vậy./.
Leave a Comment