Tình thế nhóm quan chức “ăn đất” trong vụ quy hoạch và cưỡng chế giải tỏa ở dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm đang có chiều hướng diễn biến tồi tệ hơn, song trùng với lực thúc ép liên tiếp của Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương và Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương để đạt được kết quả phải “ói ra.”
Vẫn ngụy biện trên những xác người
Vào cuối Tháng Sáu, 2018, một trong những nội dung kết luận trong bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của cơ quan Thanh Tra Chính Phủ là buộc chính quyền TP.HCM phải hoàn trả ngân sách số tiền 26.300 tỷ đồng (hơn $1,1 tỉ) sai phạm trong công tác bồi thường giải tỏa, nếu không trả được đến hạn cuối vào ngày cuối năm 2019 thì Thanh Tra Chính Phủ sẽ chuyển vụ việc này cho Cơ Quan Điều Tra.
Có thể xem yêu sách trên như một “tối hậu thư,” bởi đó là lần đầu tiên con số khổng lồ 26.300 tỷ đồng được Thanh Tra Chính Phủ công bố chính thức trong kết luận thanh tra và cho “PR” trên diện rộng các tờ báo nhà nước, còn trước đó tại bản kết luận kiểm tra (chứ không phải kết luận thanh tra) cũng của Thanh Tra Chính Phủ vào Tháng Chín, 2018, đã hoàn toàn không đề cập đến số tiền sai phạm ấy.
Nhưng TP.HCM đào đâu ra số tiền 26.300 tỷ đồng để hoàn trả ngân sách trung ương?
Trong bối cảnh rất có thể bị chính phủ thúc ép, vào Tháng Tám, 2019, chính quyền TP.HCM đã phải có văn bản trả lời vụ “26.300 tỷ đồng,” do Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Nguyễn Thành Phong ký, nêu trong văn bản gửi thủ tướng. Theo đó, “TP.HCM tạm ứng hơn 26.000 tỷ đồng để đầu tư vào Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, tính đến ngày 30/9/2018. Số tiền này chủ yếu để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng nên không thể thu hồi hoàn trả ngân sách như thông báo ngày 26/6/2019 của Thanh Tra Chính Phủ.”
Thế nhưng cái cách giải thích của chính quyền TP.HCM lại thật giống với việc giới quan chức nơi đây đã “ém” hàng núi hồ sơ khiếu nại tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, đùn đẩy việc xử lý đơn thư này cho các cơ quan trung ương, cũng như hàng núi vụ việc tham nhũng từ “triều đại” chủ tịch thành phố và sau đó là Bí Thư Thành Ủy Lê Thanh Hải kéo dài đến dàn quan chức đương chức mà một số trong số đó được xem là “đệ ruột” của ông Lê Thanh Hải.
Rốt cuộc, không chỉ tấm bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm 1/5000 đã bị một bàn tay đen tối nào đó giấu nhẹm hoặc phi tang để mãi vẫn không được tìm ra, mà bao nhiêu hậu quả từ vụ giải tỏa lố đến 150 hécta đất ở Thủ Thiêm, với giá bồi thường rẻ mạt kèm thêm nhiều vụ “khuyến mãi” những xác dân tự treo cổ vì quá phẫn uất…, vẫn không hề được làm rõ cho đến ngày hôm nay.
Sự thật nào?
Dù chính quyền TP.HCM nêu lý do là không thể thu lại từ các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, nhưng sự thật là hoàn toàn trái ngược. Bởi sự thật là khi áp giá bồi thường trước đây, các quan chức TP.HCM lúc đó đã tính “đơn giá” xây dựng cho các doanh nghiệp thấp hẳn so với giá thị trường, từ đó làm cơ sở tính giá bồi thường còn thấp và tệ hơn nhiều cho người dân bị giải tỏa.
Khi đó, đã chẳng có bất kỳ quy hoạch nào được giới quan chức “ăn đất” cho công khai trước người dân, dẫn đến mức giá bồi thường cho dân chỉ một vài triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường vào thời điểm đó đã lên đến hàng trăm triệu đồng/m2, còn hiện thời là từ 150 – 200 triệu đồng/m2.
Do đó, bản chất vấn đề hiện thời là muốn có số tiền 26.300 tỷ để trả lại ngân sách trung ương thì phải truy ngược lại các doanh nghiệp được “thầu” Thủ Thiêm và tính lại đơn giá xây dựng tại các doanh nghiệp này, không phải theo “giá nội bộ” mà phải đúng giá thị trường. Nếu cơ chế tính lại này được vận hành rốt ráo và có hiệu quả, đảng của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có ngay không chỉ 26.300 tỷ đồng mà các doanh nghiệp cùng giới quan chức phải “ói ra,” mà có thể còn nhiều hơn nữa.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu “đất vàng” chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Với mức giá thị trường hiện thời và ứng với khoảng 150 hécta đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là “giải tỏa ăn cướp,” các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Đô Thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 250.000 tỷ đồng, tương đương gần $11 tỷ!
Việc chính quyền TP.HCM phải trả lời sớm về vụ 26.300 tỷ đồng cho thấy Trưởng Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương Nguyễn Phú Trọng không còn kiên nhẫn chờ đến hạn chót cuối năm 2019, mà đang chỉ đạo gấp rút để buộc TP.HCM phải bồi hoàn tiền cho ngân sách, cũng là một trong những mục đích trọng tâm trong chiến dịch “đốt lò” của ông ta: thu hồi tài sản tham nhũng càng nhiều càng tốt để có tiền nuôi lực lượng “còn đảng còn tiền” và “còn đảng còn mình.”
Cũng bởi thế, mối nguy hiểm đang ngày càng tiệm cận các doanh nghiệp ở Thủ Thiêm và nhóm quan chức “ăn đất” thời kỳ đó như “Hai – Ba – Sáu” (Hai Nhựt – tức Lê Thanh Hải), Hai Quân – tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang, cùng hàng chục quan chức sở ngành liên quan.
Làm sao để được “sống ở nơi rất xa xôi?”
“Ói ra” hay “quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng” đã trở thành chủ trương của đảng, khởi nguồn từ năm 2017 bởi “người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng – một động thái nhái lại những gì mà ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã làm ở Trung Quốc.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chưa đầy 10% trong thời gian trước đó là quá thấp và khiến ông Trọng không thể hài lòng khi, mà mục tiêu là phải bắt quan tham “ói ra” ít nhất 50% số tài sản đã “nuốt” thì mới thu hồi được một phần tiền để “hô hấp” cho đảng. Một chục ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí nhiều gấp vài ba lần như thế mà lũ “Hai – Ba – Sáu” phải “ói lại” vào ngân sách đảng để thoát khỏi xà lim sẽ giúp đảng có đủ tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với 30% trong số đó bị xem là vô tích sự, trong… ba ngày.
Nhất là Lê Thanh Hải.
Đã từ lâu, ông Lê Thanh Hải không chỉ bị xem là “tội phạm” ghê gớm trong vụ “ăn đất” Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc, mà còn được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam.” Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng làm kiên quyết vụ Thủ Thiêm và buộc ông Lê Thanh Hải phải “ói ra” thì có thể “hốt” cho ngân sách trung ương từ $3 tỷ đến $5 tỷ.
Vào Tháng Tám, 2019, khi chính quyền TP.HCM phải muối mặt tổ chức họp báo để “nhận sai” nhiều vụ việc ở Thủ Thiêm, một chi tiết đáng chú ý là buổi họp này đã cho ra một thông tin: “Với những cán bộ cấp cao, thì phải theo thẩm quyền của trung ương. Trung ương cũng đang triển khai các công việc để đánh giá lại thực tế vai trò trách nhiệm của ai, do vậy hôm nay tôi chưa thể nói vấn đề xử lý sai phạm hay ai sai phạm.”
Thông tin trên là logic với một thông tin khác nằm trong bản kết luận thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ về một danh sách quan chức cao cấp “ăn đất” Thủ Thiêm, không được công bố công khai trong kết luận này, đã được Thanh Tra Chính Phủ gửi kín cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương và Thường Trực Ban Bí Thư.
Sau “tối hậu thư” vụ 26.300 tỷ, số phận của ông Lê Thanh Hải và những đồng sự cấp dưới thời ông ta còn làm chủ tịch thanh phố và bí thư Thành Ủy TP.HCM không còn được tính bằng quý mà là bằng tháng.
Trong những tháng tới, nếu nhóm “ăn đất” này không thể khắc phục được hậu quả, nghĩa là chính quyền TP.HCM không thể tìm được 26,300 tỷ đồng để hoàn trả lại ngân sách trung ương theo kết luận thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ đã công bố như một tối hậu thư vào Tháng Sáu, 2019, ông Lê Thanh Hải sẽ khó có cơ may thoát khỏi án tù như ông Đinh La Thăng, trừ khi ông ta tìm được kế sách để trở thành “có những đồng chí đang sống ở nơi rất xa xôi,” tức đã “ra đi tìm đường cứu nước” có thể ở Mỹ, Canada hoặc những quốc gia khác – như tiết lộ không biết có ẩn ý gì của Phó Chủ Tịch TP.HCM Võ Văn Hoan tại buổi họp báo thông tin vụ Thủ Thiêm vào Tháng Tám, 2019./.
Leave a Comment