Quảng Cáo

Việt Nam trước chính sách Đổi Mới (1975 – 1986)

Cải Cách Ruộng Đất

Quảng Cáo

nguyenvubinh’s blog – RFA

       Cuộc chiến quốc cộng đã chấm dứt vào ngày 30/4/1975, với thắng lợi của phe cộng sản miền Bắc. Sau khi chiếm được miền Nam, việc tái thiết đất nước của chế độ cộng sản đi kèm với việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế toàn trị phục vụ cho việc thống trị người dân đã diễn ra. Bối cảnh khu vực và biến động trong phe Xã hội Chủ nghĩa cùng với sự thất bại của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa đã dẫn tới sự kiệt quệ của nền kinh tế, bắt buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thực thi chính sách Đổi Mới nền kinh tế.

1/ Thực thi và hoàn thiện các thiết chế toàn trị trên phạm vi cả nước

Nếu đã hiểu được các trụ cột chính sách của chế độ cộng sản Việt Nam sau năm 1954 để xây dựng các thiết chế toàn trị (gieo rắc sự sợ hãi, tạo lập sự lệ thuộc, kiểm soát tư tưởng dân chúng) thì khi nhìn vào việc đối xử với người dân miền Nam sau năm 1975, chúng ta thấy hoàn toàn hợp logic và không có gì khó hiểu. Tất cả đều đã được chuẩn bị và thực hiện rất nhịp nhàng, và đúng các trình tự như đã thực hiện ở miền Bắc.

Đầu tiên là gieo rắc sự sợ hãi, với khoảng hơn 1 triệu quân, dân, cán, chính miền Nam được gọi là đi “học tập cải tạo”. Theo bản tường trình 26 trang của Aurora Foundation vào năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn 1 triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn 10 ngày hay 1 tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại tù cải tạo. Có khoảng 500 ngàn người được trả về nhà trong vòng 3 tháng; có 200 ngàn người bị giam giữ từ 2 đến 4 năm; có 240 ngàn người bị giam ít nhất 5 năm và nhiều chục ngàn người khác bị giam trên 10 năm. Việc chuẩn bị số lượng trại tù lớn như vậy để giam cầm, đày đọa hàng trăm nghìn người không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải rất công phu, kỹ lưỡng và mất thời gian. Mục tiêu gieo rắc sự sợ hãi còn được kết hợp với mục đích đập tan sự kháng cự, âm mưu và khả năng phản kháng của lực lượng quân đội miền Nam Việt Nam. Có thể nói, nhà cầm quyền đã đạt được các mục tiêu đề ra một cách mỹ mãn. Hầu như không có một cuộc nổi dậy quy mô nào, cũng như tư duy phản kháng của người dân hoàn toàn tê liệt.

Việc tạo lập sự lệ thuộc diễn ra với hai chính sách đánh tư sản miền Nam và tập thể hóa nông nghiệp. Từ 1976 đến 1979 có ba đợt “cải tạo xã hội chủ nghĩa” chống lại giai cấp “tư sản mại bản” đã được tung ra tại miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đỗ Mười. Trong khuôn khổ các đợt cải tạo này, không những các đại doanh nghiệp hoặc các công ty tư nhân hạng vừa bị quốc hữu hóa mà cả những xí nghiệp gia đình và các cửa hàng nhỏ cũng bị tịch thu và chủ của chúng được gửi đi “cải tạo” tại những khu Kinh tế mới. CSVN đã cưỡng ép 5 thành phần sau đây phải ra khỏi thành phố: 1/ Những người bị ghép là tư sản, tiểu địa chủ; 2/ Những gia đình có người thân bị tập trung cải tạo hay sống trong các khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân VNCH; 3/ Những người cư trú bất hợp pháp hay thất nghiệp; 4/ Những hoa kiều. Kế hoạch này bắt đầu ngày 19/5/1976 với phương thức cưỡng bức gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải đi ra vùng nông thôn. Kết quả là trong 5 năm từ năm 1976 đến năm 1980, thành phố Sài Gòn đã đưa về sống ở nông thôn 832 ngàn người. Mỗi gia đình khi bị đưa ra vùng kinh tế mới, chỉ được mang theo tối đa 800 kí lô hành lý. Hai dụng cụ được cung cấp là cuốc, thuổng và được cấp 2,5 mẫu dùng làm “đất sản xuất” để tự túc trồng trọt lương thực. Các khu “kinh tế mới” được lập ra vội vã tại Bình Dương, Bình Tuy, Bình Long, Phước Long, Tân Phú, Thủ Dầu Một, Định Quán, Lai Khê… Trên mảnh đất thuộc vùng khô cằn sỏi đá hoặc rừng rậm, chưa hề được canh tác, do đó, người dân phải tự lực cánh sinh và còn phải đóng góp 8 giờ cho Hợp tác xã. Việc đánh tư sản miền Nam đợt này đã bác bỏ những luận điệu cho rằng đó là việc sai lầm, nhầm lẫn của chế độ. Bởi việc cải tạo công thương nghiệp đã từng diễn ra tại miền Bắc vào những năm 57-59, nếu đã là sai lầm tại sao còn lặp lại?

Tại nông thôn, việc “tập thể hóa” nông nghiệp, đặc biệt vùng quê xung quanh cố đô Huế được thực hiện ngay từ tháng 4/1975 sau khi Đà Nẵng thất thủ, dưới sự chỉ huy của Võ Chí Công. Tại những nơi này, những ai được coi là “địa chủ” cũng bị “tố khổ” và “đấu tranh” và bị “tòa án nhân dân” lên án tù hoặc tử hình như đã xảy ra tại miền Bắc trong cuộc cải cách ruộng đất vào các năm 53-56. Tuy nhiên khi giới lãnh đạo Hà Nội quyết định mang việc tập thể hóa nông nghiệp vào đến miền đồng bằng sông Cửu Long thì những chống đối mạnh mẽ của dân chúng khiến cho các việc “đấu tố” bị bãi bỏ. Mặc dầu vậy, đến cuối năm 1979, Hà Nội đã tuyên bố hoàn tất việc tập thể hóa nông nghiệp. Miền Nam thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo trên hình thức vì kế hoạch này đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của nông dân các tỉnh, nhất là vùng đồng bằng vùng châu thổ sông Cửu Long. Nông dân đã bỏ ruộng không chịu canh tác và không chịu tham gia vào hợp tác xã khiến cho sản lượng cũng như năng xuất lúa tụt xuống một cách thảm hại, từ 11,8 triệu tấn lúa năm 1976 xuốn còn 9,7 triệu tấn lúa vào năm 1979. Đặc biệt là năm 1978 đã xảy ra trận lụt lớn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến cả nước rơi vào tình trạng thiếu đói khủng khiếp. Như vậy, chưa đầy 5 năm, nhà cầm quyền đã tạo lập thành công sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước cộng sản.

Đối với trụ cột chính sách kiểm soát tư tưởng dân chúng, các đoàn thể, hội nhóm cũng được thành lập giống như ngoài bắc. Những thành phần thuộc chế độ cũ luôn được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Sự thống trị của bộ máy cầm quyền ở miền Nam rõ nét hơn so với bộ máy ở miền bắc, và mang tính chất như một sự chiếm đóng đối với người dân miền Nam. Ở miền Bắc, nhà cầm quyền hoàn thiện các cơ cấu quản lý, các chính sách thực hiện kiểm soát dân chúng và sử dụng các kinh nghiệm để áp dụng tại miền Nam trong giai đoạn đầu…

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/8/2019

N.V.B

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux