“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ‘giang tay dũng mãnh’ nói với phóng viên các tờ báo trong và ngoài nước trong một cuộc họp báo vào trung tuần tháng 8 năm 2019.
Cử chỉ trên hiện ra ngay vào lúc tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, sau 5 ngày tiếp liệu ở đảo Đá Chữ Thập, ung dung quay lại khu vực Bãi Tư Chính và giống như một cái tát vào mặt những kẻ ‘tự sướng’ cho rằng nhờ “công tác đấu tranh quốc tế đầy khôn khéo và sáng tạo của đảng và nhà nước ta nên đã đẩy đuổi được tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khỏi Bãi Tư Chính”.
Còn lối nói chữ ‘giao thiệp’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam thực chất là gì?
Đại sứ Trung Quốc không thèm đến?
Hiểu một cách đơn giản, ‘giao thiệp’ là việc tiếp xúc, có quan hệ xã hội với người nào đó, thường là trong công việc làm ăn.
Nhưng tại sao phải ‘giao thiệp’ và tại sao phải mượn một từ Hán để mô tả động tác tiếp xúc thuần Việt, trong khi ứng với quy ước về ngoại giao, chính quyền nước này khi phản đối nước khác sẽ triệu đại sứ của nước đó đến để trao công hàm phản đối? Vì sao Bộ Ngoại giao Việt Nam lại không dám dùng cụm từ ‘triệu đại sứ Trung Quốc’ đến trụ sở bộ này để trao công hàm phản đối vụ Hải Dương 8 tái xuất, mà phải che mặt ấp úng từ ‘giao thiệp’?
Phải chăng, và giả thiết này là rất gần với sự thật trong quan hệ của một Việt Nam nhược tiểu với kẻ đại hán Bắc Kinh: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã muốn triệu đại sứ Trung Quốc đến làm việc, nhưng viên đại sứ của nước lớn không thèm đến, thậm chí còn không thèm trả lời, vì thế Việt Nam đành đơn phương phản đối mà chẳng thể gửi tận tay phía Trung Quốc văn bản nào?
Từ ‘giao thiệp’ còn khiến lộ ra một sự thật khác: trong hai lần gần đây khi Việt Nam ‘trao công hàm phản đối Trung Quốc’ về vụ Hải Dương 8 (khi tàu này lần đầu tiên xuất hiện ở Bãi Tư Chính) và phản đối vụ tập trận của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng rất có thể đã chẳng có đại sứ Trung Quốc nào xuất hiện để nhận công hàm, mà tất cả chỉ được Bộ Ngoại giao Việt Nam nói miệng và phản đối đơn phương, phản đối trong phòng lạnh. Như một kẻ bất lực.
‘Bốn không’ chứ không phải ‘ba không’!
Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ lúc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hải cảnh xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn không có chủ quyền, nhưng toàn thể Bộ Chính trị Việt Nam vẫn lúng túng như gà mắc tóc. Ngoài hành động đưa tàu ra Bãi Tư Chính để ‘vờn tàu’ với tàu Trung Quốc, mà thực chất là cách đối phó rất bị động theo chiến thuật chủ động của Bắc Kinh, hoặc phát khoảng một chục ngàn lá cờ đỏ sao vàng cho ngư dân để khiến dấy lên câu vè “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động” lan tỏa khắp biển khơi, phía Việt Nam đã chẳng có thêm được động tác phản ứng nào cho ra hồn, kể cả cái việc không cần phải đánh nhau mà chỉ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế – được hứa hẹn đầu môi mép lưỡi suốt từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chẳng làm được tích sự gì.
Chỉ tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp – một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn thẳng tay đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.
Không chỉ kiên định nguyên tắc ‘ba không’, chính thể Việt Nam còn tự đắp dầy lên mặt thêm một ‘không’ nữa: Không kiện Trung Quốc!
Suốt từ đầu tháng 6 năm 2018 là thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu chiến dịch ‘tống tiền’ Việt Nam ở mỏ Lan Đỏ và sau đó lan sang Bãi Tư Chính, giới chóp bu Hà Nội đã thể hiện tinh thần nhược tiểu một cách tuyệt vời, như thể không phải đi bằng chính đôi chân của mình. Bất chấp rất nhiều kêu gọi của người dân và các tổ chức xã hội dân sự rằng đã quá muộn nhưng vẫn còn hơn không nếu kiện Trung Quốc, và có nhiều cơ sở pháp lý để vụ kiện này sẽ chắc thắng nếu diễn ra, vẫn chẳng sủi một chút tăm hơi khí tiết trên gương mặt của gần một ngàn tướng lĩnh cả quân đội lẫn công an.
Vẫn chẳng có bất kỳ dấu hiệu đáng được tin cậy nào cho thấy ‘đảng em’ Việt Nam dám lôi bộ hồ sơ từ ngăn kéo đầy bụi để đệ trình ra tòa án quốc tế để kiện ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Còn nhân vật đã được một số ‘bút nô’ ca tụng là ‘minh quân’ và ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’, đang được tôn vinh vào hàng ‘lãnh tụ’ – ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng – thì sao?
Tự đánh mất chính nghĩa và chính danh
Cho dù đã hầu như phục hồi sau cơn bạo bệnh ở Kiên Giang, ông ta vẫn tuyệt đối nín lặng. Thậm chí cho đến giờ bộ máy tuyên giáo và báo đảng của Trọng vẫn giấu biến trước người dân về những tin tức sôi sục ở Bãi Tư Chính.
Thói ươn hèn cố hữu chưa đánh đã sợ và thậm chí còn không dám há miệng đã dẫn đến hậu quả đánh mất lợi thế của nguyên đơn của Việt Nam ngay từ lúc phiên tòa quốc tế còn chưa có cơ hội thụ lý vụ kiện bị đơn Trung Quốc.
Thậm chí tới thời điểm này, Trung Quốc còn tạm thời giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế: Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019 đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Không những thế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chơi một đòn vượt mặt ‘đảng em’ Việt Nam khi tố ngược Việt Nam mới chính là kẻ xâm phạm vào chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc. Tính chính nghĩa và chính danh của những kẻ chưa bao giờ dám hé răng đòi quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma cũng bởi thế đang mau chóng biến thành tro bụi.
Bằng chứng rõ rệt nhất về thái độ e ngại trước Trung Quốc là hàng chục ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam, kể cả nước ‘đồng chí’ Cộng hòa liên bang Nga, đã thản nhiên quay lưng với Hà Nội trong suốt 5 năm qua – từ vụ Hải Dương 981 đến vụ Bãi Tư Chính lần này.
Chiến thuật của con sói
Trong khi đó, cùng với sự xuất hiện trở lại của Hải Dương 8, đã có những tin tức không chính thức nhưng có vẻ đáng tin cậy về việc tàu này đã dùng mạn sườn của nó để đâm va với tàu hải cảnh của Việt Nam. Đồng thời, có tin chính thức về việc tàu Trung Quốc đẩy đuổi tàu cá của ngư dân Việt ra khỏi vùng biển ‘thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam”.
Tình hình trên cho thấy phía Trung Quốc còn lâu mới muốn rút Hải Dương 8 và các tàu hải cảnh bảo vệ cho nó khỏi Bãi Tư Chính.
Ngay cả động thái Việt Nam điều hai tàu hải quân hiện đại mang tên Quang Trung và Trường Sa ra ‘vờn tàu’ với các tàu Trung Quốc cũng chỉ nên được xem là một hành động ‘giao thiệp’ theo cái cách mà giới tướng lĩnh và công an Việt Nam vẫn hỉ hả giao lưu với các tướng đối phương, chứ chẳng thể hy vọng tàu chiến Việt sẽ được lệnh của Bộ Chính trị cho nổ súng, dù chỉ là bắn chỉ thiên cảnh cáo tàu giặc.
Để sau khi Việt Nam đã điều động toàn bộ những gì tinh túy nhất trong lực lượng hải quân ra phô diễn ở Bãi Tư Chính và Trung Quốc cũng làm y hệt như thế với quân lực gấp ít nhất vài ba lần Việt Nam, tình hình sẽ ngày càng nhàm chán và không còn thu hút được sự chú ý lẫn phản ứng từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Khi đó chính là lúc con sói không còn nhe nanh dọa nạt mà sẽ bắt đầu từng cú lao chớp nhoáng vào đối phương, cắn mạnh vào yết hầu nạn nhân cho đến khi ‘đảng em’ không còn chịu đựng thêm được nữa mà phải nhả các lô dầu khí màu mỡ đang khai thác – theo cách nhẹ nhàng thì ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc’ từ ‘gợi ý’ của Ngoại trưởng Vương Nghị, hoặc trầm trọng thì mất trắng nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất còn lại để nuôi lực lượng ‘còn đảng còn tiền’ và ‘còn đảng còn mình’./.
Leave a Comment