Thường Sơn – (VNTB) – “Có những đồng chí đang sống ở nơi rất xa xôi’ – quan chức Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan tiết lộ tại buổi họp báo ‘nhận sai’ vụ Thủ Thiêm vào tháng 8 năm 2019.
***
Phát ngôn trên của ông Hoan có thể mang hàm ý như thách thức chính quyền trung ương về chuyện đã có những quan chức ‘ăn đất’ cao chạy xa bay khỏi đất nước mà trung ương không thể làm gì được, hoặc đổ lỗi cho những cựu quan chức đó chứ không phải trách nhiệm của giới lãnh đạo đương chức. Nhưng tựu trung phát ngôn này đã cho thấy trong thời gian qua đã có sự rà soát lại trách nhiệm hành chính trong chỉ đạo và ký tá các văn bản về Thủ Thiêm, và phát hiện một số quan chức đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’.
Cũng trong cuộc họp báo để ‘nhận sai’ về nhiều vụ việc ở Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM đã cho ra một thông tin: “Với những cán bộ cấp cao, thì phải theo thẩm quyền của Trung ương. Trung ương cũng đang triển khai các công việc để đánh giá lại thực tế vai trò trách nhiệm của ai, do vậy hôm nay tôi chưa thể nói vấn đề xử lý sai phạm hay ai sai phạm”.
Thông tin trên là logic với một thông tin khác nằm trong bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về một danh sách quan chức cao cấp ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, không được công bố công khai trong kết luận này, đã được Thanh tra chính phủ gửi cho Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thường trực Ban bí thư.
Vậy những đồng chí đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’ và những đồng chí khác chưa kịp làm bay biến là những ai?
Những quan chức bị dân tố cáo ‘ăn đất’ vào thời kỳ đó là:
Lê Thanh Hải- cựu bí thư TPHCM. Người đã liên tục chỉ đạo phải dùng “bàn tay sắt” để thu hồi đất, hủy hoại tài sản hơn 15.000 hộ dân Thủ Thiêm.
Tất Thành Cang- Phó bí thư thường trực Thành ủy, từng là Bí thư chủ tịch quận 2: Đã thực hiện chỉ đạo của Lê Thanh Hải vô cùng quyết liệt, tàn bạo. Hàng ngàn ngôi nhà, vườn ao của dân bị “giải phóng mặt bằng” thành bình địa.
Nguyễn Văn Đua – từng là phó chủ tịch rồi Phó Bí thư thường trực: kí nhiều quyết định trái với quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nguyễn Hữu Tín (đã bị bắt trong vụ án khác), Nguyễn Thành Tài (đã bị bắt vụ giao đất công giá rẻ): là hai cựu phó chủ tịch thành phố kí nhiều quyết định sai trái lấy đất dân Thủ Thiêm.
Lê Hoàng Quân – chủ tịch TP chịu trách nhiệm chính trong các quyết định chỉ định thầu, giao quỹ đất khủng cho doanh nghiệp làm BT (đổi đất lấy hạ tầng).
Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra chính phủ: ém thanh tra Thủ Thiêm gây oán than kéo dài.
Cùng hàng chục lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Chẳng khó khăn gì để các cơ quan chức năng xác định được những quan chức nào đã ‘biến’ và số quan chưa kịp ‘bay’. Nhưng liệu vụ Thủ Thiêm có được xem là đại án và có khởi tố – bắt giam ngay những quan chức đã ‘ăn đất’ hay không – đó là điều mà dân oan Thủ Thiêm và dư luận xã hội đang đòi hỏi cấp bách đối với chính quyền cấp trung ương.
Nếu Nguyễn Phú Trọng và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương của ông ta chỉ chăm chăm vào mục tiêu bắt quan chức phải ‘ói ra’ để thu hồi tiền nuôi lực lượng ‘còn đảng còn tiền’ và ‘còn đảng còn mình’ mà không có bất kỳ xử lý hình sự nào đối với số quan chức này, toàn bộ chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Trọng sẽ bị vô hiệu về ý nghĩa nhân văn, còn ông ta thì chẳng bao giờ có thể trở thành ‘minh quân’ hay ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.
Leave a Comment