tuankhanh’s blog – RFA
Trong những câu chuyện về Hồng Kông, có những điều thật đáng chú ý. Đó là những câu chuyện kể về những người biểu tình trẻ tuổi xuống đường bị bắt đem về đồn, thẩm tra, đánh đập… có mùi vị thật quen thuộc.
Tin từ Hong Kong Columns, kể rằng cách thức mà cảnh sát Hồng Kông – lúc này thì không còn nhận diện được rõ là có phải cảnh sát Hồng Kông hay không – đã có những điều kỳ lạ, đặc biệt đối với những người bị bắt, kể cả trẻ vị thành niên.
Một cô gái nhân chứng kể lại rằng khi cô bị bắt. Cô đã bị ép buộc, hăm dọa và không được liên lạc với gia đình dù cảnh sát Hồng Kông không nói được lý do gì bắt giữ cô.
Cũng như những người khác, trong khi bị giam giữ tại đồn cảnh sát, cảnh sát đã lấy điện thoại của cô, và buộc cô phải cho mật khẩu để vào kiểm soát nội dung trong điện thoại của cô. Dĩ nhiên cô gái này từ chối. Cô nói cũng thấy có người bị đánh để ép phải đưa mật khẩu, và tất cả mọi người không ai được gọi điện thoại về nhà, trong đó có những em nhỏ.
Trang Hong Kong Free Press cũng xác nhận nguồn tin là sau hơn hai tháng của phong trào Dự luật chống dẫn độ, cảnh sát đã bắt giữ hơn 700 người, và người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi.
Dĩ nhiên, việc đòi truy cập vào nội dung cá nhân của người biểu tình, mục đích của cảnh sát là tìm xem các tin nhắn về tập họp biểu tình, truy tìm người kết nối hay tổ chức và đồng thời tạo dữ liệu để kết tội.
Mùi vị quen thuộc ở đây, là ở Việt Nam, một quốc gia cách xa Hồng Kông, phương thức cũng không có gì là khác biệt.
Ngày 10/6/2018, tại trại tập trung tạm thời được công an lập ra ở công viên Tao Đàn, Sài Gòn, hàng trăm người bị bắt lôi về đây, đánh đập dã man và bị tịch thu điện thoại. Công an xét từng người và đòi mật khẩu để vào xem nội dung điện thoại, bất kỳ ai từ chối, sẽ bị dẫn vào một căn nhà vốn được để luyện tập thể thao, bị tra tấn một cách kín đáo. Có người hôn mê phải đưa đi bệnh viện, có người mang thương tích và ngất xỉu tại chỗ. Khác với ở Hồng Kông, những người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền bị thu giữ ở trại khủng bố Tao Đàn tháng 6/2018, đều không được trả lại. Dĩ nhiên cũng không có giấy tờ gì chứng nhận sự thu giữ.
Phương thức của cảnh sát Hồng Kông và Việt Nam có cái gì đó giống nhau đến lạ lùng. Vào ngày 5/8/2019, lúc có 3 cuộc biểu tình cùng nổ ra một lượt, gây bối rối cho cảnh sát Hồng Kông, nhiều cuộc bắt giữ vô cớ và thô bạo đã diễn ra. Đặc biệt sự phản đối đã tập trung ở bên ngoài đồn cảnh sát Tin Shui Wai. Một học sinh 14 tuổi, tên Chan, đột ngột nhận được tin nhắn của trường cho các học sinh là phải gấp rút quay lại trường để mua sách giáo khoa, trong cùng một ngày. Chan không quay lại trường, nhưng sau đó đi ngang qua qua một con phố, em bị bắt vì bị coi là người biểu tình. Lúc đó, mọi người mới vỡ lẽ việc nhắn tin quay lại trường chỉ là một phương thức của cảnh sát.
Vào những ngày chống luật đặc khu, luật an ninh mạng hay chống Trung Quốc, những trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cũng đã nhắn tin, ra công văn cấm sinh viên đi biểu tình, cấm tụ tập và cấm cầm biểu ngữ. Thậm chí, có trường còn tổ chức cho thi, kiểm tra… vào đúng những ngày có tin sẽ biểu tình.
Việc cài người vào các nhóm biểu tình để gây rối, kích động và tạo cớ cho cảnh sát Hồng Kông tấn công, đánh đập… cũng là một phương thức quen thuộc. Thậm chí có cả thủ đoạn để vu cáo là khủng bố hay âm mưu lật đổ. Cảnh sát giả dạng thường dân ở Hồng Kông bị phát hiện, có mang cả bom xăng, được đánh dấu bằng các que phát sáng giắt trong túi quần. Ở Việt Nam, người ta cũng phát hiện các công an giả thường dân và người biểu tình, được phân biệt bằng nhẫn hoặc chỉ đeo trên tay.
Chỉ duy nhất một điều khác biệt, là giới truyền thông của Hồng Kông vẫn được hoạt động công khai. Các phóng viên và giới săn tin trên mạng xã hội đã không ngại chui tọt vào ngay chỗ người biểu tình đang bị đánh đập và ghi hình để làm chứng cứ. Trên nhiều video, cảnh sát Hồng Kông cũng đã tức giận, có lúc chực đánh, hoặc đã đánh cả người ghi hình và người cứu thương, nhưng vẫn không ngăn cản được. Ở Việt Nam, máy chụp hình, điện thoại ghi hình… tất cả bị coi là vật dụng nguy hiểm cho chế độ, nên chỉ cần đưa lên, công an thường phục lẫn sắc phục đều bu quanh. Nhưng dù vậy, cũng như Hồng Kông, Việt Nam vẫn có đủ các loại hình ảnh mang tính lịch sử, lẫn chứng cứ cho các cuộc đàn áp phi nhân đó.
Tuy xa mà gần, tuy hai quốc gia nhưng chỉ một phương thức đối phó từ nhà cầm quyền.
Người Việt Nam khát khao một tương lai mới, hay người Hồng Kông đã quá đủ kinh nghiệm về cộng sản nên không thể dừng lại, hai nơi chốn cách xa nhau ấy đều chung một cảm nhận: con người mãi là nạn nhân của chế độ độc tài.
Đặc biệt, loại độc tài ấy, rất dễ nhận ra bởi cùng chung một phương thức, cùng khoác chiếc áo “vì nhân dân, vì ổn định”. Mùi vị ấy, thật quen thuộc.
Leave a Comment