Tân Phong – Web Việt Tân
Phần 3: Khi “cái hộp Pandora” Hong Kong đã mở
Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai – Eugène Pottier
Trung Quốc Cộng Sản Đảng sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước (1/10/1949 – 1/10/2019) trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức quyền lực thống trị chưa từng có. Nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc với tốc độ chóng mặt, nhanh không kém gì khi nó tăng trưởng “thần thánh” suốt 4 thập kỷ qua kể từ khi nổ ra thương chiến Mỹ-Trung. Cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang sang nhiều vấn đề nghiêm trọng khác có thể đẩy Trung Quốc vào cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội dai dẳng. Nhưng điều tồi tệ nhất có thể không phải là rủi ro từ thương chiến mà là làn sóng biểu tình ở Hong Kong đang như ngọn triều dâng và quyết tâm ly khai của Đài Loan.
Sự bất an của nhà cầm quyền được thể hiện rõ bằng việc huy động một lực lượng an ninh, quân đội khổng lồ lên tới 190.000 người và 12.000 cảnh sát chống bạo động tập trung diễn tập ở Quảng Đông nhiều tuần qua. Truyền thông Trung Quốc đăng hình ảnh và những bài viết ngợi ca lính đặc nhiệm đang bắn đạn hơi cay về phía đoàn người biểu tình ở Hong Kong như người hùng – một động thái truyền thông đáng chú ý – cùng với đoàn thiết giáp xuất hiện ở khu vực Shenzhen, tỉnh Quảng Đông sát biên giới giáp ranh với Hong Kong được SCMP (South China Morning Post – Bưu Điện Hoa Nam), People’s Daily đăng tải trong khung cảnh diễn tập chống bạo loạn đầy sát khí của cảnh sát vũ trang hạng nặng. Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại một động thái răn đe tâm lý hay gửi thông điệp tới phong trào biểu tình kéo dài hơn 10 tuần lễ nhưng chưa có dấu hiệu ngừng lại ở Hong Kong.
Những nhà lãnh đạo cộng sản có một truyền thống xuyên suốt là luôn ưu tiên quyền lực thống trị hơn mọi giá trị xã hội khác. Bắc Kinh sẵn sàng một “quyết tâm chính trị” độc đoán chấp nhận hy sinh một “hòn ngọc Châu Á” phồn hoa, thịnh trị chỉ để khẳng định quyền lực của mình. Làn sóng biểu tình mang tầm vóc thời đại của người dân Hong Kong cũng hoàn toàn không dừng lại một cuộc đấu tranh đơn lẻ nhằm chấm dứt một dự luật. Dường như những người dân Hong Kong đang sẵn sàng cho một cuộc đấu Kamikaze cho Tự Do của chính họ và cho những thế hệ tiếp nối.
Họ có một tâm thế không gì lay chuyển nổi và có lẽ đã chuẩn bị cho cả điều tồi tệ nhất sẽ diễn ra. Họ đã lựa chọn một thời điểm nhạy cảm đối với chính quyền Bắc Kinh – thời điểm nền kinh tế, xã hội Trung Quốc phải đối mặt với những yếu điểm chết người đang ở điểm tới hạn phải chịu sức ép toàn diện của cuộc đấu Mỹ-Trung được khởi phát bởi chính phủ Donald Trump. Đó là cơ hội “thoát Trung” ngàn năm có một của Hong Kong, Đài Loan… Thông điệp của họ giống như một lời cuối cùng của một đấu sĩ trước khi bước vào trận chiến sinh tử.
“Đây không chỉ là một ký ức nhất thời vĩnh cửu, nó là dữ liệu của thời đại này. Tầm quan trọng của việc trở nên giàu có và đi đầu trong thời đại, đây không phải là nỗi buồn. Đây là dấu ấn của sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.”
Ngược lại quãng thời gian trước thời điểm 1997, thủ tướng Anh lúc đó Margaret Thatcher đã lo ngại cho một tương lai u ám khi bàn tay đen đúa của Bắc Kinh can thiệp vào nền luật pháp Hong Kong và biến đổi nó theo ý thức hệ Maoit và “luật pháp” của những người cộng sản. Trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng Chín 1982, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, họ Đặng đã thẳng thừng đưa ra lời đe dọa với “người đàn bà thép” rằng họ có thể lấy lại Hong Kong trong vòng một ngày trước thời điểm 1997. Đó hoàn toàn không chỉ là một lời đe dọa chính trị mà Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó.
Những “đồ tể Thiên An Môn” đã chẳng mảy may động tâm khi cho hàng sư đoàn thiết giáp nghiền nát 10.000 sinh viên trong một đêm vào năm 1989. Suy nghĩ sử dụng “bạo lực cách mạng” luôn thường trực trong tư tưởng của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản Đảng. Bất kể điều đó có thể hủy hoại nền kinh tế, xã hội Hong Kong, Đài Loan, Macau… nhưng sẽ không bao giờ lợi ích, hạnh phúc của người dân có thể là đối trọng trước quyền lực thống trị của những người cộng sản. Và giờ đây, điều mà Margaret Thacher lo ngại đang diễn ra. Kết quả của cuộc đối đầu giữa Quyền lực Nhà nước của một thể chế độc tài với Quyền lực Nhân dân trong cuộc tranh đấu này không phải là trò chơi Chicken Game. Đó là một thảm họa.
Ngày 14 tháng Tám, 2019, Tổng Thống Donald Trump đã tweet với những lời lẽ “ca ngợi” Tập Cận Bình là người “tôn trọng người dân” và mong muốn ông ta giải quyết vấn đề Hong Kong “nhanh chóng và nhân văn”. Thậm chí một gợi ý “personal meeting” cũng được đưa ra. Việc kêu gọi lòng nhân từ ở các lãnh đạo cộng sản là một điều không tưởng và trong nội dung tweet này Donald Trump đã thể hiện nghĩa vụ đạo đức “moral duty” và nỗ lực cá nhân vượt qua những rào cản và nguyên tắc ngoại giao, chính trị. Chắc chắn, với những thông tin mà ông ta được cung cấp, cùng sự nhạy cảm tuyệt vời, Donald Trump biết rất rõ điều gì sẽ diễn ra ở Hong Kong và ông cố ngăn một cơn “sóng thần” từ đại lục đang tràn đến.
Tuy rằng, những hậu duệ của các “đồ tể Thiên An Môn” khó có thể kéo xe tăng vào Hong Kong để tái hiện lại lịch sử thảm khốc 30 năm trước nhưng việc thiết quân luật và bắt giữ số lượng lớn người biểu tình và kiềm kẹp Hong Kong trong bàn tay sắt thì hoàn toàn có thể là kịch bản sắp tới. Cuộc đối đầu này không những sẽ hủy hoại “một mảnh địa đàng ở cõi thế” – vùng đất tuyệt đẹp, phồn vinh, văn minh suốt 100 năm qua – mà sẽ chính thức là con domino đầu tiên đổ xuống để kéo xập một “đế chế tội ác vĩ đại” trong lịch sử loài người.
Vai trò chính quyền đặc khu Hong Kong kể từ sau tuyên bố Dự Luật Dẫn Độ “đã chết” và một vài buổi họp báo của bà Carrie Lam cũng đã hoàn toàn vắng bóng. Không có bất cứ động thái nào nhằm đối thoại hay cứu vãn tình hình, Hong Kong chìm trong hỗn loạn và mọi hoạt động kinh doanh, giao thương, xã hội bị đình trệ. Cảnh sát chống bạo động của nhà cầm quyền được “tăng viện” bởi lực lượng côn đồ từ đại lục tràn sang. Bạo lực lan rộng, gia tăng cùng mức độ trấn áp và hành hung của cả cảnh sát và côn đồ. Một nhà nước đã công khai sử dụng xã hội đen để trấn áp người dân tức là đã bước qua lằn ranh cuối cùng của đạo đức. Kể từ đây, luật pháp đã không còn giá trị, chỉ có dùi cui, súng đạn và nhà tù – một nhà nước khủng bố đã không cần cả cái mặt nạ da người để che đậy.
Bộ máy hành chính đặc khu Hong Kong lùi lại phía hậu trường. Thay vào đó là những viên chức Bắc Kinh thường xuyên đưa ra phát ngôn ngày một cứng rắn hơn. Bắc Kinh buộc tội người dân Hong Kong “hành động như khủng bố” khi xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và hai người đàn ông từ đại lục trong đó có một người mặc áo vàng phóng viên của tờ Hoàn Cầu Trung Quốc hôm 12 tháng Tám, 2019 . Zhang Xiaoming – viên chức cao cấp của Bắc Kinh, giám đốc của Ủy Ban các vấn đề về Hong Kong và Macau – đã nhấn mạnh “biểu tình ở Hong Kong có đặc điểm rõ ràng của cuộc cách mạng màu”. Bắc Kinh đang rình rập và chuẩn bị những bước chuẩn bị về truyền thông trước khi tiến hành các bước đàn áp sắt máu hơn.
Người dân Hong Kong đang đứng trước vực thẳm và lựa chọn tàn khốc: Tự Do hay là Chết? Chính họ cũng đang tự biến mình thành những bó đuốc Danco – những người sẵn sàng “tử vì đạo” cho lý tưởng Tự Do, dâng hiến trái tim và khối óc để thắp lên hy vọng và niềm tin cho những người sau tiếp nối. Đối với chính quyền Bắc Kinh, khi chiếc xe thiết giáp đầu tiên tiến vào Hong Kong, thì tự tay những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mở chiếc hộp Pandora cho “đế chế tội ác vĩ đại” và tham vọng “muôn năm trường trị” của đảng cộng sản. Nếu đây là Định Mệnh thì tất cả sẽ đều phải đối mặt. Vậy thì, hãy để cho “cái hộp Pandora” Hong Kong được mở ra!
15/8/2019
Tân Phong
Leave a Comment