(Diplomacy & Security: “The Left Hand Does’nt Know What the Right Hand Is Doing”)
Trước những sự thật hiển nhiên, tại sao Việt Nam vẫn chưa chịu “tỉnh thức”? Trả lời câu hỏi này, có lẽ cần viết cả một pho tiểu luận, qua nhiều giai đoạn, về “sự phản tiến hoá” trong quá trình hoạch định chính sách ở VN, chứ nếu chỉ tìm cách giải thích hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” không thôi thì chỉ mới là nhập đề. Ở đây xin tóm tắt ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “tay trái” và “tay phải” luôn không đồng hành cùng nhau.
Đã lâu lắm mới có một quan chức cỡ như Phạm Bình Minh dám phê phán đích danh Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Bãi Tư Chính trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, ở Bang Kok (hôm 31/7). Trong khi đó, ngay hôm sau (1/8), tại tiếp tân ngày Bát nhất do ĐSQTQ tổ chức ở Hà Nội, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Trung tướng Ngô Minh Tiến lại bày tỏ tâm nguyện sứ mệnh của quân đội VN là “vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu” và “hợp tác chặt chẽ giữa quân đội hai nước Việt – Trung”.
Đúng là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”; hay nói theo văn hoá Anglo-Saxon: “Tay trái không hiểu tay phải đang làm gì”. Trên mặt trận ngoại giao, dường như đây là lần đầu tiên có một quan chức cấp cao của VN (uỷ viên Bộ Chính trị/Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng) đã dám công khai, trước diễn đàn khu vực/thế giới dám vạch mặt chỉ tên, lên án Trung Quốc gây ra những căng thẳng trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc điều tàu vào vùng biển Việt Nam từ hồi giữa tháng 6/2019 đến 7/8/2019 mới chịu rút ra.
Trong khi đó thì các trang mạng xã hội hầu hết đều bị khuấy động dữ dội khi Phó Tổng tham mưu trưởng (PTTMT) QĐND Việt Nam lại phát biểu như vừa trích dẫn. Khủng hoảng Tư Chính cũng không phải lần đầu TQ “vừa ăn cướp vừa la làng”. Một mặt, xâm nhập – thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhưng mặt khác, lại vu cáo VN “vi phạm quyền chủ quyền của TQ tại Bãi Tư Chính”. Trong hơn cả tháng qua, câu chuyện Tư Chính càng ngày càng nóng ran cả ở VN lẫn trên các diễn đàn quốc tế.
Một FB chất vấn trên mạng xã hội[1]: Trung Quốc nuôi dã tâm thôn tính Việt Nam đã hàng ngàn năm nay. Nếu học hành tử tế, ông PTTMT hẳn phải biết, họ Ngô có những danh tướng như Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) đánh quân Tống, Ngô Thì Nhậm tham gia giệt giặc Thanh… Là con cháu Ngô tộc, lẽ ra ông phải thấy, tiền nhân ra sức chống giặc Tàu để giữ yên bờ cõi cho con cháu thừa hưởng giang sơn. Nếu họ cũng hèn hạ, sợ mất… hũ gạo, nhẫn nhục “vun đắp cho tình hữu nghị” với giặc như ông hằng tâm nguyện thì làm gì còn đất nước cho đảng của ông giành giật quyền lãnh đạo?
Nhưng đâu chỉ có đối ngoại và an ninh “vênh” nhau. Ngay trong một tổ chức, thậm chí trong một con người, khi phát biểu về tình hình Tư Chính và Biển Đông trong thời gian qua cũng đầy ắp mâu thuẫn. Bà Viện trưởng Viện Biển Đông (VTVBĐ), thuộc Viện Nghiên cứu về Trung Quốc, trong một trả lời phỏng vấn trên các báo lề phải, đã có những phát ngôn trái chiều nhau thật khó hiểu[2]. Theo bà VTVBĐ, “cần khẳng định rằng tiếng nói của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông không phải là quá lớn”.
Ý bà Hiền là VN không nên trông chờ vào Mỹ, vì bà “khẳng định rằng vấn đề Biển Đông là của Việt Nam và Việt Nam phải tự giải quyết chứ không trông chờ vào bất cứ lực lượng bên ngoài nào”. VTVBĐ còn kêu gọi phải “giữ nguyên hiện trạng”, phải “đảm bảo không quốc tế hóa” vấn đề BĐ.
“Giữ nguyên hiện trạng” là trước khi Bắc Kinh quân sự hoá 7 cơ sở đảo đá thành các căn cứ quân sự trên BĐ, chứ giờ đây mà vẫn đòi như thế hoá ra chấp nhận các hành động trái với LPQT của TQ là sự đã rồi. Nếu tiếng nói Mỹ “không quá lớn” thì tại sao Mẫu hạm Ronald Reagan mang theo 70 máy bay phản lực siêu thanh, máy bay do thám và trực thăng, chỉ mới ghé thăm Manila (Philippines) ngày 6/8 thì ngay ngày hôm sau, mồng 7/8, Hải Dương-8 của Trung Quốc đã lặng lẽ “chuồn” khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Nếu “không quốc tế hoá” để có sự phê phán chính thức của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc (Bộ Tứ tạo ra cấu trúc an ninh mới Indo-Pacic” (IPS), nếu không vận động tiếng nói mạnh mẽ của EU và những quan ngại từ ASEAN thi sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính lần này sẽ còn kéo dài đến bao lâu?
Rồi nữa, nếu quyết tâm “đảm bảo không quốc tế hóa” vấn đề BĐ, thì Ngoại trưởng Phạm Bình Minh “ngụp lặn” mấy ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 tại các “ao hồ” Băng Kok để làm gì? Qua gần ba mươi cuộc họp, 30 ngoại trưởng và thứ trưởng ngoại giao trên thế giới tập trung “xét nét” từng câu chữ trong các tuyên bố chung và thông cáo báo chí, làm thể nào bày tỏ được sự đồng cảm với Hà Nội nhưng cũng đừng chọc giận Bắc Kinh, để tiêu khiển thời gian chắc?
Trước những sự thật hiển nhiên như vậy, tại sao VN vẫn chưa chịu “tỉnh thức”? Trả lời câu hỏi này, có lẽ cần viết cả một pho tiểu luận, qua nhiều giai đoạn, về “sự phản tiến hoá” trong quá trình hoạch định chính sách ở VN, chứ nếu chỉ tìm cách giải thích hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” không thôi thì chỉ mới là nhập đề. Ở đây xin tóm tắt ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “tay trái” và “tay phải” luôn không đồng hành cùng nhau.
Nguyên nhân được cho là quan trọng nhất, đó là lợi ích nhóm. Thiếu tướng An ninh Trương Giang Long từng khẳng định TQ đã cài cắm hàng trăm lãnh đạo vào trong chính quyền VN, không loại trừ cả cán bộ ở cấp chiến lược, cán bộ cấp cao của ĐCSVN. Những đồng chí này, có thể do đã bị “cài bẫy”, hay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, đều “há miệng mắc quai”. Họ phải nói để bảo vệ lợi ích nhóm của họ, thậm chí phải nói cho vừa lòng TQ.
Lấy cái ví dụ của bà Tiến sĩ-Viện trưởng nêu trên. Ngân sách của Viện bà, ngoài nguồn từ nhà nước, trước đây một phần do TQ tài trợ thông qua các dự án nghiên cứu về TQ (kể ra đây không xiết). Lấy tiền của địch để nghiên cứu về địch thì quả là cao thủ võ lâm, có lẽ nhà văn Kim Dung nếu có đội mồ ngồi dậy cũng không thể sáng tác ra được những “chưởng” nào cao thủ hơn thế (!)
Nguyên nhân thứ hai là do “hoàng lưu” cơn bão ý thức hệ trước đây. Chừng nào mà “đối tượng tác chiến” của quân đội VN vẫn là “đế quốc Mỹ” thì chừng đó, “sứ mệnh” của quân đội, như ngài PTTMT họ Ngô tâm nguyện, rõ ràng là “vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu giữa quân đội hai nước Việt – Trung”. Cho dù “phép tung hoả mù này” chẳng đánh lừa được cả đối tượng lẫn đối tác.
Người Mỹ thừa sức nhìn “thấu thị” cái chiến lược “ba không” của Hà Nội. Còn TQ cũng “đi guốc trong bụng” cái chính sách “chung một BĐ mối tình hữu nghị sáng như rạng đông” của ĐCSVN. Nhưng chẳng ai cấm được các phát ngôn tiền hậu bất nhất ấy cả. Vì mục đích chính của đường lối quái đản ấy, chủ yếu là để lừa mị con dân nước Việt. Cả VN lẫn TQ đều muốn biến con dân nước Việt thành những đàn cừu để họ dễ bề sai khiến và cai trị, chứ thực ra thì cũng chẳng có “ý thực hệ” quái nào ở đây cả!
Nguyên nhân thứ ba là do tâm lý “lộng giả thành chân”. Nói dzậy mà không phải dzậy! Nói để giữ ghế, để biểu diễn lập trường, nói để không thằng nào “xuyên tạc” được mình dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính không phương cứu chữa. Một xã hội cái gì cũng giả, chỉ có sự đối trá là có thật, ngay từ trên thượng đỉnh, thì việc các chính khách, các nhà nghiên cứu luôn luôn phải tìm cách giữ mình, phát ngôn “không chệch hướng” là lẽ tự nhiên.
Một khi cả ba nguyên nhân nói trên tương tác lẫn nhau thì sự hỗn loạn trong phát ngôn lẫn hành động của các bậc “phụ mẫu” khiến công luận “bổ chửng” là điều tất yếu. Nhiều phát ngôn do họ “phóng” ra nhưng bản thân họ cũng chả tin vào điều mình nói. Nhưng một khi nghị quyết đảng đã quy định như vậy, họ không thể phát ngôn trái với quan điểm của đảng.
Điều nguy hiểm khi những kẻ đánh trống – thổi kèn loạn xị như vậy thì đoàn quân không biết tiến hay lùi. Họ đành đứng yên nhìn thủ lĩnh “xoay trục” hướng nào để còn lo “gió chiều nào che chiều ấy”. Đất nước, dân tộc đối với họ không là cái đinh gì cả, vì tất cả tiền của bất minh thu gom được đã ở trong két sắt các ngân hàng nước ngoài. Điều họ lo ngại duy nhất chỉ là hai bộ Luật ATS và Magnitsky[3] là những bộ luật chỉ dẫn cách khởi kiện quan chức Việt Nam ở Mỹ!
Leave a Comment