- VietTuSaiGon’s blog – RFA
Khi người ta xem phép thắng lợi tinh thần như một thứ kim chỉ nam để tồn tại và đi tới, câu chuyện có vẻ như không còn gì để bàn, để nói. Bởi sự bế tắc đã hiện rõ trước mắt. Cái tinh thần AQ đó, chưa bao giờ lại ứng với cung cách làm việc của các nhà lãnh đạo cũng như giới chức Cộng sản Việt Nam như hiện nay, hay nói cách khác, thứ tinh thần này đã trở thành không khí phổ quát của chính trị Việt Nam, một thứ không khí ám mùi sợ sệt và lo lắng nhưng lại thiếu hẳn sinh khí của sự tư duy, sách lược lâu dài.
Tập khí AQ, nói cho cùng, đã nhiễm nặng vào người Việt kể từ khi chế độ Cộng sản chính thức có mặt trên cả hai miền đất nước. Vì sao phải là giai đoạn từ sau 1975 đến nay chứ không phải là giai đoạn khác? Bởi lẽ, chính cái cơ cấu hành chính nhà nước cũng như cơ cấu chính trị mang đậm tính cha truyền con nối và độc tài, bảo thủ của người Cộng sản vô hình trung đã gieo rắc và lan tỏa tâm lý thắng lợi tinh thần cho cả dân tộc.
Ai là người chấp nhận sự dốt nát, dựa vào thân thế, lý lịch để xét tuyển công chức nếu không phải người Cộng sản? Toàn bộ hệ thống công quyền đều xét dựa trên lý lịch. Điều này dẫn đến hệ quả hàng trăm ngàn trí thức bị hất văng ra khỏi hệ thống công quyền và hoàn toàn không có cơ hội cống hiến. Trớ trêu thay, hàng triệu con người chưa thoát mù chữ lại nắm ghế quyền lực và để đảm bảo quyền lực được lâu bền, họ chạy bằng cấp, họ hợp thức hóa để có mọi thứ trong tay nhưng lại không có tri thức.
Và, đáng sợ hơn là hàng triệu trí thức có kiến thức hẳn hoi lại chấp nhận làm nô bộc cho những kẻ không có tri thức. Để đảm bảo lâu dài trong làm việc, các trí thức thực thụ lại chấp nhận, tự ru mình bằng lý lẽ “chấp nhận, chịu đựng một thứ quyền lực dốt nát mà vẫn luồn sâu, trèo cao được cũng là tài năng”. Và, thứ luận điệu, lý lẽ này nghe ra rất thức thời, khi mà những kẻ nắm quyền lực không những không biết mắc cỡ với những gì họ đã làm, họ lại thấy rằng “tao không có chữ nghĩa nhưng tao vẫn làm được chức cao, vẫn lãnh đạo được và chỉ huy cả một đám trí thức, vậy thì tao thông minh hơn đám kia!”. Không dừng ở đó, đám lãnh đạo, trí thức rởm càng lúc càng “sáng tạo” ra những thứ làm cho đám trí thức (thực thụ) dưới quyền cảm thấy đau đầu và rối beng vì chẳng biết tính sao với những ý tưởng “không hiểu đúng hay sai và cũng chẳng biết nó làm vậy để làm gì”. Mọi thứ trở nên rối mù và người ta tự huyễn hoặc mình rằng đó là một sự thành công (có phần rực rỡ).
Kiểu tự huyễn hoặc này không những lan tỏa trong hệ thống công quyền mà nó hầu như nhiễm ra mọi ngóc ngách của đời sống. Người dân mặc dù nhìn thấy sự dốt nát của hệ thống công quyền địa phương, thay vì tự phấn đấu, học hỏi và nỗ lực thoát dốt thì không, đa phần chọn buông xuôi và xem mọi chỉ dẫn của hệ thống công quyền địa phương như hướng đi, kim chỉ nam. Nếu hệ thống đó chỉ sai thì người ta có thể chửi thầm hoặc chửi thành lời nhưng họ vẫn tự an ủi rằng “may mắn, mình còn may mắn chán bởi với kiểu dẫn đường dốt như vậy mà mình chưa lạc lối!”. Một khi bị đụng tới quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình thì người ta sẽ la ỏm tỏi lên trong vô vọng để nếu may mắn thì sẽ được nhìn lại, trong khi đó, nếu nhìn thấy bất kì sự bất công nào của hệ thống công quyền áp đặt lên hàng xóm, cộng đồng, họ vẫn xem như đó là điều bình thường và mình vẫn còn may mắn vì “nó chưa đụng tới mình!”.
Ghê gớm hơn, mặc dù bị thiệt thòi trước bất công, người ta vẫn chấp nhận và xem đó là không may mắn vì “sống với tụi này, bị chừng đó cũng còn nhẹ”. Người ta có một ngàn lẻ một lý do để tự ru mình trước mọi bất công, dối trá và dốt nát. Và một khi thứ tâm lý này phổ quát thì con người có xu hướng trở nên vị kỉ hơn, không quan tâm đến tha nhân như một đặc trưng, tập tính dân tộc thời đại mới. Điều này dẫn đến hệ lụy, những ai còn quan tâm đến xã hội, có tư duy phản biện điều nhanh chóng bị cộng đồng quay lưng và xem như một đối tượng lập dị.
Đáng sợ hơn, trong ứng xử cấp quốc gia, nghĩa là những quyết sách có ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc, thứ tâm lý này như một tấm bùa hộ mệnh. Thay vì trả lời những câu hỏi về chủ quyền, biển đảo và lãnh thổ đang bị lấn lướt, xâm chiếm và suy tư về nó như một sự thất bại trong đối ngoại cũng như giữ nước, người ta lại xem sự lấn lướt của đối phương không nhằm nhò gì bởi để đảm bảo sự tồn tại của đảng, việc mất đi một ít lãnh thổ, lãnh hải là quá may mắn. Bởi mất đảng là mất tất cả! Điều này, nếu đẩy xa ra bên ngoài cương vực đảng thì dễ dàng nhận thấy rằng đảng là một thực thể đầy vị kỉ.
Từ chuyện ký công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng để công nhận quyền tài phán trên biển của Trung Quốc là hợp lý, đây là chữ ký đầy vị kỉ của người Cộng sản, ông Đồng thừa sức hiểu rằng chữ ký của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hoàng Sa và nó sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Nhưng lúc đó, Trung Quốc là anh em Cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa là anh em cùng màu da, giọng nói và cùng một dân tộc nhưng không cùng phe trục chính trị. Ông Đồng đã chọn anh em Cộng sản và bỏ mặc anh em cùng dân tộc. Sự lựa chọn đầy vị kỉ này của ông Đồng cũng như trung ương Cộng sản VN lúc đó ít nhiều mang tâm lý hí hửng trước nguy cơ mất đảo của Việt Nam Cộng Hòa. Nó cho thấy một thứ phép thắng lợi tinh thần theo kiểu “nó mất chứ mình đâu có mất, mình thành công!”.
Khi Hoàng Sa đã mất, đến lúc Trường Sa bị xâm chiếm, hàng chục mạng người bị bắn trong tích tắc, người Cộng sản vẫn tự ru mình bằng luận điệu “chúng ta tôn trọng quyền tài phán quốc tế, chính nghĩa nằm về ta!”. Chính nghĩa đó có giá trị gì trước kẻ xâm lăng hung hăng và bất chấp?!
Gần đây nhất, vụ Trung Quốc kéo tàu thăm dò HD8 vào bãi Tư Chính của Việt Nam, kẻ địch vào nhà hung hăng, đâm vỡ tàu của người Việt nhưng nhà nước vẫn giữ thái độ phản đối, phản đối và phản đối. Để đảm bảo sự phản đối này hợp lý, người Cộng sản lại vịn vào mấy chữ “vì chúng ta có chính nghĩa”. Rốt cuộc, chính nghĩa là thứ gì mà người ta vịn vào đó để mất dần, mất mòn và chẳng biết cái chính nghĩa đó có giá trị gì trước họng súng luôn sẵn sàng khạc đạn của “người anh em Trung Cộng”?!
Hiện tại, sau nhiều ngày quần thảo, thăm dò, hung hăng ép tàu Việt Nam, thậm chí đâm chìm, dùng vòi rồng… và rút về Đá Chữ Thập để tránh bão, quay lại hay không vẫn còn là ẩn số thì, người Cộng sản Việt Nam và cả không ít người dân vẫn xem đây là một bước thành công trên con đường đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc. Thực tế, đây là một phép thắng lợi tinh thần và nó cho thấy Cộng sản Việt Nam chẳng có kí lô nào trong mắt Cộng sản Trung Quốc. Bởi ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc muốn vào thăm dò thì ngang nhiên vào, muốn đi ra thì đưa tàu ra, chẳng thèm đoái hoài gì đến người anh em Cộng sản Việt Nam, xem như “không có nó” như vậy thì không thể gọi đây là bước thành công trong đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo quốc gia được.
Nói cho cùng, phép thằng lợi tinh thần đã có mặt trong mọi ứng xử, ngoại giao của người Cộng sản từ đối nội đến đối ngoại. Tỉ như những năm còn làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết sau một buổi tiếp chuyện với Tổng thống Obama, ông cho rằng mình đã phân hóa cái nội bộ Obama. Rõ ràng đây là kiểu hoang tưởng, phép thắng lợi tinh thần, một kiểu AQ chính trị.
Và khi các đảo của Việt Nam bị mất dần, mất mòn, người Cộng sản Việt Nam vẫn cứ nhìn thấy mình thành công, chẳng có gì là thất bại. Bởi mình “có chính nghĩa, sẽ đấu tranh…”. Chẳng biết cái thứ chính nghĩa trên cửa miệng của các nhà lãnh đạo có giá trị đến đâu, cỡ nào. Nhưng chắc chắn một điều là khi đã mất nhiều thứ, người ta vẫn tin rằng họ đang thành công và không mất gì nhiều. Đó là thứ tâm lý đáng sợ và đáng lo, bởi nó chấp nhận mọi sự mất mát một cách vô lý và luôn thấy mình thành công bởi vẫn còn cái còn lại. Với logic này, khi người ta thấy mất cũng có nghĩa là lúc không còn thứ gì trên tay. Không chừng, lúc đó người ta lại hí hửng rằng “mình may mắn, vẫn còn bàn tay chưa bị mất!”.
Nói cho cùng, một đất nước mà mọi sinh hoạt chỉ dựa vào phép thắng lợi tinh thần thì đương nhiên, không chỉ là nước nhược tiểu mà nó còn cho thấy đất nước này đang bị chi phối bởi kẻ vô lại và đớn hèn, không hơn không kém!
Leave a Comment