Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng “dân quân biển” với hàng trăm tàu đánh cá dân sự loại lớn, và huấn luyện các đơn vị bán quân sự sử dụng vũ khí nhỏ để giả dạng dân đánh cá hoạt động trên Biển Đông. Các tàu đánh cá này có trọng tải lớn, được điều khiển bởi các thủy thủ được huấn luyện quân sự, và được thiết kế thân tàu rất cứng để đâm vào các tàu khác trên biển, có trang bị hệ thống gián điệp, và có khả năng để chiếm đảo.
Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á, Asia Maritime Transparency Initiative, lực lượng tàu cá vũ trang là một ví dụ điển hình về “chiến thuật bắp cải” của Trung Quốc, bao bọc vòng ngoài bằng một lớp dầy đặc những tàu giả dạng đánh cá dân sự, được hỗ trợ bằng những lớp bên trong của tàu thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu chiến của Hải quân PLA.
Bởi vì sự khó khăn trong việc xác định các tàu cá binh sĩ ngư dân Trung Quốc, các lực lượng an ninh của các quốc gia duyên hải khác ở Biển Đông và ngay cả tàu chiến của Hoa Kỳ và đồng minh đã bị buộc vào thế lúng túng và hành động với sự kiềm chế thận trọng.
Từ năm 1974, sau khi Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng hàng trăm tàu đánh cá vũ trang tại đảo Tam Sa, được sử dụng như một đơn vị phản ứng nhanh để tấn công bất kỳ hoạt động nào mà Bắc Kinh coi là đối đầu với các yêu sách lãnh thổ của họ trên Biển Đông.
Vào tháng 3 năm 2009, dưới thời chính phủ Obama, chiếc tàu giám sát đại dương của Hoa Kỳ, USNS Impeccable, đã bị bao vây cách đảo Hải Nam khoảng 100 km về phía nam, gần căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc tại Tam Á trên mũi phía nam của hòn đảo. Các tàu chiến và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã tiếp cận chiếc USNS Impeccable và gửi cảnh báo cho nó rời khỏi khu vực. Tiếp theo đó, hàng chục tàu đánh cá của Trung Quốc đã xông vào, sử dụng móc để cắt đi mảng sonar của chiếc USNS Impeccable đang thăm dò lòng biển. Các tàu đánh cá của Trung Quốc trông có vẻ ngây thơ đã có thể hoàn thành công việc mà không một tiếng súng nổ.
Tháng 5 và 6 năm 2011, đoàn tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc đã bao vây các tàu nghiên cứu biển của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu “dân quân biển” của Trung quốc đã cắt cáp địa chấn của cả hai chiếc Bình Minh và Viking 2.
Vào năm 2012, các tàu cá vũ trang của Trung quốc dẫn đầu cuộc tấn công chiếm đóng Bãi cạn Scarborough, nơi Philippines có yêu cầu chủ quyền từ đầu thế kỷ 18. Việc Bắc Kinh chiếm giữ bãi cạn này đã khiến chính quyền Manila nộp đơn kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực. Vào tháng 7 năm 2016, tòa án phán quyết rằng không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với bất kỳ khu vực nào trên Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của tòa án với sự khinh miệt và đã tăng gấp đôi việc xâm chiếm Biển Đông, thổi cát và cải tạo đất xây dựng 7 hòn đảo được trang bị sân bay và tiền đồn quân sự bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài.
Gần đây nhất, theo báo cáo ngày 26/03/2019 của Lực lượng Vũ trang Philippines, đã có trên 600 tàu Trung Quốc đã thay nhau xâm phạm vùng biển gần đảo Thitu thuộc đặc quyền kinh tế của Philippines trong nhiều tháng qua, duy trì gần 90 tàu mỗi ngày bao vây khu vực này.
Theo phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Center for Strategic and International Studies (CSIS), các tàu “dân quân biển” của Trung Quốc đã không tuân thủ qui ước hàng hải an toàn trên biển, cố tình che giấu sự hiện diện của chúng ở khu vực bằng cách tắt đi những tín hiệu nhận diện bằng Hệ Thống Nhận Dạng Tự Động, tiếng Anh gọi là Automatic Identification Systems (AIS). Với những hành động ngang ngược của Trung Quốc, tổ chức CSIS đã cảnh báo chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách chặn đứng lực lượng tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc.
Ngày 28/04/2019, Tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Đô Đốc John Richardson, đã cảnh cáo Bắc Kinh là Hải quân Hoa Kỳ sẽ đối phó với các tàu hải giám và tàu “dân quân biển” cũng giống như tàu quân sự của Trung Quốc./.
Leave a Comment