Trên mạng xã hội, cô ca sĩ Lương Nguyệt Anh đã phải Livestream kêu gọi mọi người chia sẻ về việc đất đai gia đình cô tại Bắc Giang bị nhà cầm quyền CSVN cướp. Đây là cô ca sĩ đã đạt giải nhất trong cuộc thi “Sao mai 2011” phong cách dân gian.
Lý do cô kêu cứu là vì “Một mét vuông đất bằng giá tiền 3 kg vải thiều. Có ai khốn khổ như người dân quê tôi. Họ bất chấp tất cả, bất chấp luật pháp, bất chấp những phản ứng yếu ớt từ những người nông dân đang sinh sống trên mảnh đất của mình. Họ “cướp đất” của những người nông dân đem phân lô bán nền làm giàu bất chính…họ cưỡng chế phá nhà dân”.
https://www.facebook.com/anh.luongnguyet.5623/videos/344729706459310/
Lời kêu cứu của cô ca sĩ này đã được nhiều sự cảm thông và chia sẻ. Video của cô đưa lên với nội dung cuộc chiếm cướp đất đai bằng lực lượng công an, dân phòng và hệ thống chính trị Bắc Giang bằng mọi cách ngăn cản truyền thông, bất chấp luật pháp cũng như lòng dân để cướp bằng được đất đai của họ nhằm chia chác.
Đoạn video này đã được hàng ngàn lượt bày tỏ cảm xúc, nửa triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận. Có thể nói, sự lan truyền nội dung video là rất lớn.
Cũng qua đó, những thông tin về cách hành xử cướp bóc của chính quyền cộng sản tại Bắc Giang được truyền đến mọi tầng lớp, trong đó nhiều nhất là tầng lớp ca sĩ và những Fan hâm mộ của họ – những người xưa nay vẫn coi những chuyện cướp đất đai, hà hiếp dân lành là “chuyện chính trị” là một đề tài cấm kỵ và chẳng liên quan gì đến mình.
Điều đáng nói ở đây, không phải chuyện nhà cô ca sĩ bị cướp đất là chuyện lạ. Bởi kể cả đất đai Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cống hiến cả đàn con cho đảng mà đảng vẫn cứ khiêng ra ngoài đường để lấy đất thì chỉ cô ca sĩ bé tẹo chẳng là gì để nhà nước cộng sản phải kiêng nể.
Khi mà cướp bóc đã thành chính sách của nhà nước cộng sản thì đến bè đảng với nhau nó còn trấn lột, huống chi là gia đình cô ca sĩ đã từng hát bài ca ngợi đảng? Mà điều đáng nói, là cộng đồng mạng, nhất là nhiều người mang danh đấu tranh cho dân chủ, cho công bằng xã hội vẫn coi đó như một sự thích thú và nhân cơ hội này để nhằm xông vào ném đá cô ca sĩ này.
Rất nhiều comments bình luận khá gay gắt, thậm chí rất nặng lời khi trích dẫn những bài hát cô ta đã biểu diễn ca ngợi đảng cộng sản hoặc có những nội dung mà mình không thích. Nhiều lời bình luận tỏ ra hằn học và không dung thứ, đẩy cô ta vào chỗ không thể tìm một đồng minh hoặc người ủng hộ.
Hẳn nhiên, với những người hiểu rõ bản chất cộng sản, chẳng ai lại có thể đi ca ngợi cái đảng cướp này.
Thế nhưng nên nghĩ như thế nào về việc ném đá cô ca sĩ này?
Trước hết, cần nói rằng: Kể cả cô ca sĩ kia, khi hò hát những bài hát ca ngợi cộng sản đi nữa, trong điều kiện nền chính trị Việt Nam, đám ca sĩ muốn sống, muốn hành nghề thì đó là việc ắt phải làm nếu không muốn vỡ nồi cơm.
Những người theo dõi còn truyền tai nhau câu chuyện ca sĩ Quang Linh đã không làm vừa lòng lãnh đạo trong cuộc hát hò ở lễ hội gì đó ở Huế, để rồi từ một ca sĩ được chiều chuộng và xuất hiện liên tục trên TV, đã trở về số không sau đó.
Nghề hát, xưa nay vẫn là chỉ để mua vui lòng người. Khi một ca sĩ hát trong môi trường nuôi dưỡng của cộng sản thì chuyện họ hát hò một số bài hát cộng sản là điều không thể tránh khỏi để được hành nghề, kể cả khi có hiểu rằng đảng cộng sản là thối nát, là khốn nạn và họ không có cảm tình gì với nó.
Nếu nói rằng chỉ vì cô ta đã không chịu cự tuyệt, mà đã hát những bài hát ca ngợi đảng Cộng sản, để giờ đây khi là nạn nhân trực tiếp của đảng thì đáng bị ném đá tơi bởi và đuổi ra khỏi hàng ngũ những người dân oan vốn được chú ý và thậm chí chiều chuộng… Thì đó là hành động của những kẻ chỉ biết hận thù và nuôi lòng căm hận với bất cứ ai. Đó cũng là di sản theo thói quen của Chủ nghĩa Lý lịch mà cộng sản vẫn hay dùng.
Bởi nếu nói rằng tội lỗi của cô ta là đã ca ngợi cộng sản mà không chống lại nó đến cùng, kể cả việc hy sinh nồi cơm nhà mình, thì có lẽ cả 90 triệu dân Việt Nam, và cả những “nhà đấu tranh” kia xét cho cùng cũng đáng bị trị tội không kém.
Bởi họ ở trong nước không hát, không ca ngợi đảng được, thì họ vẫn cứ nộp thuế đều đều nuôi đảng.
Bởi nếu họ có ở nước ngoài đi chăng nữa, thì việc họ vẫn tiếp tục hà hơi tiếp sức cho cộng sản bằng những nỗi sợ hãi không đáng có ngay cả khi ở nước ngoài, hoặc ngay bằng chính sự chia rẽ làm mất đi sức mạnh cộng đồng người Việt hải ngoại để chống cộng sản, là nguồn cơn buộc họ phải lưu vong.
Thật ra, nhiều người khi đến với con đường đối lập, đấu tranh cũng bắt đầu từ dân oan, từ việc đấu tranh cho quyền lợi cá nhân của mình không thành công. Và nhiều người khi đấu tranh chống cường quyền, cũng đã có thời kỳ dài phục vụ chế độ cộng sản trong một lĩnh vực, một công việc nào đó.
Vì vậy, để trở thành dân oan, thành nạn nhân và thành những người đấu tranh chống cường quyền, không nên chỉ là đặc quyền của một ai, một nhóm người nào đó.
Và tất cả đều là nạn nhân của cộng sản.
Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ nhẫn nhục nộp thuế hàng ngày, vẫn cứ im lặng trước bất công, vô lý ngay trong nơi mình ở, ngay trong việc mình làm, lại có quyền đắc thắng khi một nạn nhân khác ngã ngựa chỉ vì cách họ thể hiện mối quan hệ với đảng khác mình?
Trong cuộc sống, nhiều khi những điều người khác thể hiện, chưa hẳn là bản chất của họ. Ở đây tôi không cố ý ngụy biện hoặc bao biện cho cô ca sĩ này. Bởi xét cho cùng, tôi chẳng phải là Fan hâm mộ hoặc là người yêu thích giọng hát cô ta.
Thế nhưng, trong Thảm họa Biển miền Trung, khi mọi ca sĩ chỉ đều biết lo câm cái miệng lại để kiếm ăn, phụ họa cho đảng trong việc bưng bít thông tin về biển chết. Thậm chí như Hồng Lựu, một con hát mang danh “Nghệ sĩ Nhân dân” đã từng xỉa xói khi nghe tin Hoàng Bình, một người đấu tranh giúp đỡ đồng bào bị nạn Formosa bị bắt một cách hả hê… Thì tôi thấy có một ca sĩ đã cất tiếng hát về Thảm họa Biển Miền Trung, đó là ca sĩ Lương Nguyệt Anh này với bài hát: “Răng anh không về với biển chiều ni”.
Đó là một bài hát hiếm hoi, do một ca sĩ biểu diễn đầy xúc động trong hoàn cảnh nhà cầm quyền cấm tiệt mọi sáng tác về thảm họa này nhằm bưng bít cho thủ phạm.
Nghe bài hát da diết, xót xa này, nhiều người đã thấu hiểu hơn về nỗi đau của Biển và của Người dân Việt trong Thảm họa Biển Miền Trung.
Có thể cô ca sĩ này khi hát bài hát đó, cũng chỉ là để kiếm ăn, chỉ là để kiếm sống cho mình và gia đình mình. Điều đó chẳng sao, nó cũng như những bài hát cô vẫn hát ca ngợi đảng để nhận tiền thù lao mà thôi.
Điều cần nói ở đây, là một video kêu cứu, dù bất cứ từ ai, đều là nạn nhân cộng sản, thì những người bất đồng có cần thể hiện sự hả hê và hằn học đến thế không?
Đọc những dòng bình luận, những status viết về vụ này, người ta thấy tác dụng của nó chỉ là sự hả hê và dồn nén sự căm thù vào cô gái ca sĩ đã từng hát ca ngợi cộng sản. Và tác dụng của nó như lời tuyên bố đanh thép của những người “đấu tranh” rằng: “Mày không có cửa mà vào dân oan, mà vào nạn nhân của đảng đâu. Hãy tiếp tục đứng vào hàng ngũ của đảng mà kiếm ăn đi chứ đừng mon men đến việc tìm hiểu bản chất của đảng. Mày làm sao mà hiểu được cái đảng của mày khốn nạn như thế nào”…
Và tác dụng nữa, là những người chưa bao giờ quan tâm đến chính trị, đến bản chất của đảng, qua vụ việc này dù có tỉnh ngộ đến mấy, thì cũng phải “kính nhi viễn chi” với các “nhà tranh đấu”. Bởi họ biết rằng với cái lý lịch “không quan tâm đến chính trị”, không chịu lên án đảng, không đấu tranh đến cùng từ những ngày đã qua, họ sẽ không được ai ủng hộ nếu có trở thành nạn nhân trực tiếp của đảng…
Thật ra cách nghĩ và hành động này chỉ có tác dụng duy nhất là đẩy lùi những người có thể trở thành bạn bè, trở thành đồng minh về phía nhà cầm quyền trong cuộc đối đầu với cộng sản.
Đó là điều bất lợi cho việc tập hợp và cảm hóa những người dân chưa hiểu biết về chế độ cộng sản.
Điều đó cũng chẳng có lợi ích gì cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Ngày 8/8/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment