nguyenlanthang’s blog – RFA
Hồi tôi mới bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, tôi nhớ là có đọc được đâu đó trên trang blog anh Nguyễn Xuân Diện câu thơ:
“…Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…”.
Nhưng trong những ngày gần đây, khi Trung Quốc gia tăng việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển tại bãi Tư Chính thì hình ảnh những cuộc xuống đường năm xưa lại càng làm nhiều người day dứt, tiếc nuối. Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm nay là lịch sử chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Chế độ hiện thời dù có lúc đã đưa vào hiến pháp coi Trung Quốc là kẻ thù của dân tộc, nhưng thực ra tinh thần chống Trung Quốc xâm lược có lẽ đã in hằn trong bộ gen của từng người Việt Nam cả ngàn năm nay.
Giở lại lịch sử, chúng ta thường nghe nói Việt Nam đã trải qua ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng chính xác là chúng ta đã có 4 lần bị Bắc thuộc. Lần thứ nhất là từ năm 207 trước công nguyên đến năm 40 sau công nguyên. Lần thứ hai là từ năm 43 đến năm 541. Lần thứ ba là từ năm 620 đến năm 905. Và lần thứ tư là từ năm 1407 đến năm 1427. Xen lẫn giữa những khoảng thời gian này là sự xuất hiện của các triều đại, các anh hùng… đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm và làm nên trang sử huy hoàng của dân tộc.
Anh hùng cứu nước và giữ nước thời nào cũng có, nhưng tôi thấy có một điều đặc biệt trong việc giữ nước của triều đại Lê sơ, hay còn gọi là hậu Lê. Đây là gian đoạn đã được các nhà sử học đánh giá là giai đoạn cực thịnh nhất của chế độ quân chủ Việt Nam. Chưa bao giờ đất nước trong cả ngàn năm lịch sử lại phát triển thịnh trị và có sức ảnh hưởng lên toàn khu vực như giai đoạn này. Và điều đặc biệt tôi muốn nói đến chính là việc dùng người.
Không như thời nhà Trần, việc sử dụng quan lại bị chi phối bởi những người trong hoàng tộc và mang tính thế tập, nhà Lê sơ đã mở mang việc thi cử, bổ nhiệm. Những người trong hoàng tộc thời này dù có những đặc quyền về lợi ích, nhưng thường không được mang những chức vụ thực quyền mà chỉ cất nhắc và bổ nhiệm những người thực tài đã trải qua thi cử nghiêm ngặt. Việc hạn chế sự thế tập dòng dõi quan lại giúp chế độ quan liêu hạn chế rất nhiều sự chuyên quyền dòng họ.
Chính vì điều đặc biệt này mà nhà Lê sơ đã làm nên một trang sử mới so với các triều đại trước đó. Đất nước thái bình. Quân sự hùng mạnh. Kinh tế phát triển. Bờ cõi mở mang. Ảnh hưởng chính trị của nước Đại Việt bao trùm lên toàn bộ khu vực Nam Á, ngạo nghễ hiên ngang trước bất cứ một cường quốc nào từ phương Bắc hay phương Nam.
Triều đại Lê trải qua 360 năm từ 1428 đến 1788. Tuy cũng có những lúc binh biến, tranh quyền đoạt ngôi, nhưng là một triều đại nhất nhất phải tìm được người tài để trị quốc, chứ không như các triều đại trước đó, luôn bị sự can thiệp từ hoàng tộc gây náo loạn tình hình chính sự.
Nhắc chuyện xưa để luận chuyện nay. Chế độ nào chiêu mộ được hiền tài thì chế độ đó thịnh trị. Nước có thịnh trị thì không có giặc ngoại xâm. Đấy là điều tất yếu mà lịch sử đã chứng minh. Một chế độ mà trọng dụng những kẻ tham lam, chỉ biết vun vén cho gia tộc, đầy đoạ giết hại hiền sỹ, thích nghe lời khen nịnh, thì chế độ đó nhất định sẽ bị diệt vong.
Đất nước chúng ta giờ tuy khác xưa, nhưng rất có thể phải bước vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 5. Đấy là hậu quả cai trị yếu kém của chế độ hiện hành, làm thế nước quá suy vi, không thể tránh sự nhòm ngó của ngoại bang, chứ không phải vì người hiền tài không có. Còn người Việt Nam thì nhất định còn nước Việt Nam. Người dân Việt Nam không bao giờ e sợ trước quân xâm lăng, mà chỉ e nhiều người còn phò bọn bán nước.
Lời rằng:
Thà trông cho rõ mặt mày
Còn hơn phò kẻ mặt dày giữ ngôi./.
Leave a Comment