Quảng Cáo

Trung Quốc không bao giờ để mất Việt Nam

Quảng Cáo

Manh Kim|

Không có hình ảnh nào khiến “vực dậy niềm tin” người dân trong các sự kiện căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc bằng tấm ảnh Reuters chụp Phạm Bình Minh nhìn chằm chằm Dương Khiết Trì khi Dương đến Hà Nội ngày 18-6-2014 để giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981. Thế nhưng cái “ánh mắt nảy lửa” ấy đã chẳng kéo dài. Sau khi Dương về, Hà Nội lại nhũn nhặn. Từ năm 1998 đến giờ, thế giới đã thay đổi cực kỳ khủng khiếp. Từ năm 1998 đến nay, gần như không có nước nào là không thay đổi chính sách đối ngoại để phù hợp với bối cảnh địa chính trị mới.

Từ năm 1998 đến nay, Trung Quốc đã lột xác toàn diện. Bắc Kinh liên tục cập nhật và thay đổi các mô hình đối ngoại với việc đưa ra hết khái niệm này đến khái niệm khác để làm sao thực hiện thành công chiến lược bành trướng siêu vĩ mô của họ, từ cái gọi là “tân hình đại quốc quan hệ” (quan hệ nước lớn kiểu mới); “chu biên ngoại giao” (ngoại giao với các quốc gia láng giềng); “mệnh cộng đồng thể” (cộng đồng có chung vận mệnh); đến “tẩu xuất khứ” (chiến lược đầu tư ra nước ngoài)… Đến thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh thậm chí cho dẹp tiệm cái công thức ngoại giao cốt lõi của Đặng Tiểu Bình (“lãnh tĩnh quan sát, ổn trụ trận cước, trầm trứ ứng phó, thao quang dưỡng hối, thiện vu chủ thuyết, quyết bất đương đầu” – thường được gọi gọn là “thao quang dưỡng hối”). Dưới thời Tập, Bắc Kinh đã công khai bày tỏ tham vọng hiện thực hóa đại kế hoạch “Trung Quốc mộng”, với giấc mơ trở thành cường quốc bá chủ hành tinh. Tập không nói vu vơ. Điều có thể thấy rõ nhất là mô hình “Nhất đới, Nhất lộ”.

Ấy thế, từ năm 1998 đến nay, Việt Nam vẫn trung thành với chính sách “ba không” (Không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước nào để chống nước khác). Việt Nam vẫn “kiên quyết” “đấu tranh ôn hòa và chính nghĩa”. Việt Nam chẳng có công thức hay mô hình đối ngoại nào mới. Và Việt Nam vẫn “thể hiện lập trường rõ ràng trước Trung Quốc”… Từ năm 1998 đến nay, Việt Nam luôn nép mình dưới cái bóng ngày càng to dần của Trung Quốc. Một cái công hàm “phản đối” ở thời điểm này thì có giá trị gì. Một cái nhìn “nảy lửa” giờ cũng chỉ “đọng lại” trên một tấm hình. Việt Nam cần phải làm gì? Hà Nội dường như luôn cho người dân thấy họ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng biết làm gì, như thể họ không nói gì nhưng họ đang làm rất quyết liệt, từ năm 1998 đến nay…

Chừng nào Dương Khiết Trì hoặc Vương Nghị lại qua Hà Nội để “xử lý” cuộc khủng hoảng bãi Tư Chính? Chắc chắn một điều là Trung Quốc không bao giờ để mất Việt Nam, trừ khi bản thân Việt Nam thật sự muốn thoát khỏi cái bóng Trung Quốc.

(Nhân tiện, nếu có thời gian rảnh, anh chị nên đọc quyển Giấc mộng châu Á của Tom Miller, bản dịch do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành 2018. Chúng ta cần đọc rất nhiều sách và các bài nghiên cứu về Trung Quốc để hiểu rõ sức mạnh cũng như điểm yếu của họ và vị trí VN ở đâu trong cái quỹ đạo Trung Quốc đang mở rộng toàn cầu, đặc biệt tại các nước có nền kinh tế nghèo và chính phủ bạc nhược)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux