Pháp luật sinh ra mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng công dân và bảo vệ đạo đức xã hội vv.. Khi cả xã sống theo luật pháp, thì hầu như xã hội sẽ có trật tự. Nói tóm lại, thường người dân sống đúng trật tự pháp luật thì có trật tự công cộng. Nhưng một số trường hợp đúng trật tự pháp luật nhưng nó lại phá bỏ trật tự công cộng. Trường hợp cụ thể nào, chúng ta sẽ xét kỹ phần tiếp theo.
Như ta biết, luật pháp bao giờ cũng có 2 mặt, mặt bảo vệ và mặt kìm hãm. Khi nào luật pháp kiềm hãm xã hội? Khi nhu cầu con người phát triển hơn thì một số quy định cũ không còn phù hợp, chính vì thế cần phải đổi thay luật pháp. Sự đổi thay của luật pháp quốc gia có thể là bằng cách người ta sẽ xóa bỏ một đạo luật lỗi thời, hoặc thêm vào một đạo luật mới phù hợp hơn, hoặc sửa đổi những yếu tố chưa phù hợp trong đạo luật cũ. Lấy ví dụ như cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ở Mỹ, người da đen họ thấy rằng mình cần phải được tôn trọng ngang bằng với người da trắng nơi công cộng, vì thế mà họ đấu tranh bằng cách bãi khóa, xuống đường để đòi hỏi luật pháp phải trao cho mình quyền bình đẳng. Và từ đó, Đạo Luật Dân Quyền ra đời ngày 02/07/1964.
Để thay đổi những đạo luật không phù hợp, thì trước hết người dân phải phản kháng đòi hỏi. Nói nôm na là thế này, pháp luật như cái lồng, cái lồng ấy có thể bảo vệ anh khỏi sự tấn công của thú dữ, nhưng khi anh muốn tự do hơn thì nó lại chính là thứ ngăn cản sự tự do của anh. Cái lồng đó ngăn cản như thế nào, chỉ có anh mới hiểu rõ, và chính anh phải la lên để tôi biết mà nới rộng cái lồng ấy cho anh chứ? Nếu anh la mà tôi vẫn chần chừ chưa chịu nới, thì anh phải đập phá phần nào của cái lồng mà làm anh mất tự do, thì lúc đó anh đã buộc tôi phải xây lại phần mới rộng rãi hơn cho anh. Tương tự như vậy, khi luật pháp không còn là thứ bảo vệ mà nó lại trở thành thứ cản trở xã hội phát triển, thì nhân dân phải la lên để nhà nước thay đổi luật, nếu la lên mà họ không chịu đổi thì dân phải thể hiện sức mạnh của mình buộc nhà nước thay đổi luật. Thể hiện bằng cách nào? Biểu tình.
Đó là nguyên nhân vì sao quyền biểu tình phải được tôn trọng trong mọi nhà nước tiến bộ. Vì đơn giản, biểu tình là công cụ xóa bỏ cái lỗi thời của luật pháp và thành lập quy định mới trong luật pháp để phục vụ cho một xã hội tiến bộ hơn. Mà một khi đã biểu tình, thì trật tự nơi công cộng như: giao thông, sinh hoạt xã hội vv.. bị ảnh hưởng. Như vậy rõ ràng là, khi đã có biểu tình xảy ra thì tất nhiên trật tự nơi công cộng không còn nữa. Tới đây chúng ta thấy, giữa trật tự pháp luật và trật tự công cộng không trùng khớp nhau, được cái này mất cái kia. Như vậy đứng giữa 2 sự mâu thuẫn đó, nhà nước chọn chấp nhận mất trật tự để tôn trọng quyền biểu tình, hay vì trật tự nơi công cộng mà loại bỏ quyền biểu tình của nhân dân? Câu trả lời là tùy theo nhà nước đó vì sự tiến bộ hay muốn kìm hãm xã hội bằng mọi giá. Với các nước dân chủ, họ tôn trọng quyền biểu tình và chấp nhận trật tự công cộng bị xáo trộn tạm thời để xã hội thay đổi và phát triển. Còn nước độc tài, họ sẽ mượn chiêu bài “trật tự nơi công cộng” để ghìm chặt xã hội trong sự ì ạch không thể phát triển được nhằm bảo vệ sự ấu trĩ, sự kém cỏi và bảo về quyền cai trị của họ.
Trở lại vụ án anh Hà Văn Nam bị kết án 30 tháng tù giam vì tội “gây rối trật tự nơi công cộng”. Ở đây chúng ta thấy chính quyền đang dùng một chiêu rất ma mãnh, đó là họ lấy một nửa sự thật để buộc tội người mà họ không ưa. Chính quyền CS đã dùng 1 nửa sự thật như thế nào? Đó là họ chỉ nói đến một vế là anh Hà Văn Nam “gây rối trật tự nơi công cộng” mà họ không nói đến vế thứ 2 – đó là cái trật tự mà chính quyền CS và doanh nghiệp sân sau đang lập ra đó nó đã sai luật và đã bị báo chí lên án nhiều lần nhưng họ không chịu thay đổi. Nghĩa là cái trật tự mà chính quyền đang bảo vệ là cái trật tự trong sự vô pháp. Hà Văn Nam và những bạn đồng hành chỉ muốn phá bỏ cái trật tự cũ sai luật ấy để lập lại cái trật tự mới đúng luật hơn thì lại bị đổ tội “gây rối trật tự nơi công cộng”. Nếu xét đến toàn cảnh cả nguyên nhân và kết quả sự việc này, thì tòa án cần phải kết tội những kẻ đầu xỏ trong chính quyền và đám doanh nghiệp sân sau ấy thì mới đúng với thinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng đáng buồn! Việt Nam mà! Chính quyền không thượng tôn pháp luật nhưng buộc tội những công dân biết thượng tôn pháp luật. Đó là những gì đã, đang, và sẽ xảy ra hằng ngày trên xứ này- xứ mà chính quyền tự xưng là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”./.
Leave a Comment