Quảng Cáo

Bàn về dân chủ và độc tài

Quảng Cáo

Van Nga DO|

Trên tờ Vneconomy hôm nay có bài báo có tiêu đề “Em trai Thủ tướng Singapore quay sang ủng hộ đảng đối lập”. Đất nước Singapore là đất nước non trẻ, được công nhận là quốc gia độc lập từ năm 1960 dưới thời Lý Quang Diệu cha của ông Lý Hiển Long bây giờ. Từ năm 1960 đến nay, Singapore mới chỉ trải qua 3 đời thủ tướng: thứ nhất là Lý Quang Diệu từ 1959 đến 1990; thứ nhì là Ngô Trác Đống từ 1990 đến 2004; và thứ 3 là Lý Hiển Long từ năm 2004 đến nay. Tuy 3 thủ tướng, nhưng cả 3 chỉ là cùng 1 đảng – Đảng Hành Động Nhân Dân.

Với sự thịnh vượng như Singapore hiện nay, phải nói khó có đảng chính trị nào hạ được uy tín của Đảng Hành Động Nhân Dân. Đảng nào đưa đất nước đến với sự phồn vinh, thì đảng đó sẽ nắm giữ vai trò đảng cầm quyền, hoặc những đảng nào không làm cho nhân dân hài lòng thì phải xuống cho đảng khác lên thay, đó là luật chơi của xứ dân chủ, ở những nước như Anh, Nhật, Úc, Canada vv..cũng vậy thôi. Riêng Singapore là đặc biệt, chưa thấy đảng thứ 2 nào lên cầm quyền thay cho Đảng Hành Động Nhân Dân nên người ta đã đồng hóa chính trị đảo quốc Singapore là độc tài. Nếu phá nát đất nước Singapore mà dân không thể truất phế vai trò lãnh đạo đất nước của đảng này thì đó mới là độc tài thật sự.

Thực chất nền chính trị Singapore vẫn là mô hình cộng hòa nghị viện kiểu như một số nước dân chủ, nhưng vì uy tín của một đảng quá lớn, nó lấn át uy tín những đảng khác nên từ khi lập quốc đến nay, Singapore chỉ có 1 đảng nắm vai trò đảng cầm quyền. Thực ra Singapore vẫn còn đó cơ cấu của một nhà nước dân chủ, luật pháp vẫn cho phép đảng phái mới thành lập, miễn sao là hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Cơ cấu này rất quan trọng, nó sẽ là lực lượng dự phòng khi mà Đảng Hành Động Nhân Dân không đáp ứng được kỳ vọng của dân đảo quốc này. Rõ ràng, ở đây không có dấu hiệu nào cho thấy Singapore là độc tài cả.

Một đảng uy tín nắm giữ vai trò đảng cầm quyền trong thời gian dài cũng đã xảy ra ở Nhật Bản. Ở Nhật Bản, Đảng Dân Chủ Tự Do nắm quyền rất dài, từ 1957 đến 1993. Đến năm 1993 thủ tướng Miyazawa Kiichi lãnh đạo kém cỏi làm mất uy tín Đảng Dân Chủ Tự Do thế đảng này mất vai trò đảng cầm quyền vào tay đảng Tân Đảng với Hosokawa Morihiro làm thủ tướng từ 1993 đến 1994. Và Tân Đảng cũng nắm quyền không đạt nên vai trò cầm quyền rơi vào tay đảng Tân Sinh với ông Hata Tsutomu làm thủ tướng năm 1994. Đảng Tân Sinh nắm quyền chưa đầy 1 năm thì vai trò cầm quyền lại rơi vào tay đảng Xã Hội với Murayama Tomiichi làm thủ tướng từ 1994 đến 1996. Và cuối cùng, từ năm 1996 vai trò đảng cầm quyền rơi lại vào tay đảng Dân Chủ Tự Do. Đến năm 2009 đảng Dân Chủ Tự Do lại một lần nữa mất vai trò đảng cầm quyền về tay đảng Dân Chủ. Thế nhưng đảng này cũng cầm quyền Nhật Bản vẻn vẹn có 3 năm, từ năm 2009 đến 2012. Và sau cùng 2012 đến nay, đảng Dân Chủ Tự Do trở lại vai trò nắm quyền tiếp.

Nói vậy để chúng ta thấy, tại Nhật Bản đảng Dân Chủ Tự Do là Đảng có uy tín nhất đất nước này, họ thường giành lấy vai trò đảng cầm quyền, nhưng khi họ làm dân Nhật thất vọng, thì đảng khác sẽ thay họ lãnh đạo đất nước. Đảng khác lên làm còn kém hơn họ thì dân Nhật trở lại chọn đảng Dân Chủ Tự Do. Nền chính trị mà có một đảng quá uy tín so với đảng khác, đó không phải là độc tài mà là dân chủ. Bởi đơn giản một điều, dù anh có uy tín hôm nay, nhưng ngày mai anh không đáp ứng kỳ vọng thì nhân dân sẽ có giải pháp thay thế anh để đảm bảo đất nước có lãnh đạo tốt nhất để lèo lái. Muốn sự thịnh vượng được duy trì, đất nước phải luôn có giải pháp thay thế đảng cầm quyền nếu đảng đó tỏ ra kém cỏi.

Chính vì có giải pháp thay thế đảng cầm quyền nên ở đất nước dân chủ, sự phát triển của đất nước đúng nghĩa là chuỗi dài những cuộc chạy tiếp sức. Trên ghế lãnh đạo đất nước, phải đảm bảo thành phần tinh túy nhất ngồi vào ghế lãnh đạo. Khi một đảng phái thất cử, họ phải rèn luyện, phải gọt dũa bản thân để hoàn thiện mình hơn nhằm giành lại vai trò lãnh đạo đất nước. Một đảng phái muốn gọt giũa bản thân bằng cách nào? Bằng cách làm đảng đối lập luôn soi ra những sai lầm của đảng cầm quyền cho nhân dân thấy rõ. Soi những sai lầm đảng cầm quyền có 2 tác dụng: thứ nhất làm đảng cầm quyền hiệu chỉnh theo chiều hướng tốt hơn; thứ nhì là tự nâng giá trị đảng đối lập trong mắt dân chúng để hy vọng cho kì bầu cử sau đảng đối lập để đánh bại đảng cầm quyền.

Trên quãng đường 400m, người ta tổ chức chạy tiếp sức, mỗi vận động viên chạy 100m thì được thay bằng người mới sung sức hơn. Chính vì lẽ đó mà suốt đoạn đường đua, đội tiếp sức luôn có người sung sức nhất để thi đấu. Nếu trên đoạn 400m mà chỉ 1 người chạy, thì kết quả tất nhiên không thể nào bằng 4 người chạy tiếp sức kia được. Vì sao? Vì đơn giản, chỉ 1 người chạy tất nhiên, càng về sau càng kiệt sức. Sự khác nhau giữa dân chủ và CS độc tài nó tựa như vậy. Sự phát trển đất nước những nước dân chủ là những cuộc chạy tiếp sức đến vô tận, sau mỗi kỳ bầu cử những nước này luôn chọn được đảng phái có năng lực nhất, chọn lãnh đạo tốt nhất để lèo lái con tàu đất nước.

Còn Việt Nam? Mãi mãi chấp nhận một đảng kém cỏi kéo đoàn tàu đất nước thì tất nhiên, cứ càng về sau, khoảng cách giữa Việt Nam và những nước dân chủ càng xa. Và khi Việt Nam tự làm yếu mình, không đơn giản dân đói dân khổ, nước nghèo, mà nó là miếng mồi ngon cho láng giềng Phương Bắc tham lam. Muốn thoát khỏi nguy hiểm cho đất nước, dân tộc phải tính đến con đường thoát cộng./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux