Một bài báo trên VietnamNet đăng ngày 24 tháng 7 có tựa đề “Nhịn để được yên ổn” làm giảm sức mạnh của Việt Nam” đăng vài giờ thì bị giật xuống đặt tít lại với ý nghĩa hoàn toàn khác “Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc”.
Trong lần đăng thứ nhất lời giới thiệu của tòa soạn như sau: “Mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, “nhịn để được yên ổn” đều làm giảm sức mạnh lớn nhất của Việt Nam, sẽ gây tai hại cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”
Bài báo phỏng vấn ông Chủ tịch Viện Michael Dukakis, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Hoa Kỳ ông Michael Dukakis cho rằng, mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, “nhịn để được yên ổn” của chúng ta đều không phù hợp, không hiệu quả. Vậy thì cái tít không phải tờ báo đặt mà dùng lại nguyên văn của ông Michael Dukakis chắc không có gì phù hợp hơn với hoàn cảnh Việt Nam từ nhiều năm nay trước sự hăm dọa của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, do chưa “chín muồi”, bài báo bị rút lại cái tựa cũng là điều đáng mừng so với trước đây cả bài sẽ lẳng lặng đi luôn vào sọt rác.
Nhưng cái tựa được đặt lại cho “bớt nhạy cảm” nếu suy nghĩ kỹ hơn sẽ không thiếu nhạy cảm như người ta mong muốn. Cái tựa có hai vế “huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền” “và phẩm giá dân tộc” làm cho người đọc nhớ lại không ít một giai đoạn đáng buồn hơn là vui mặc dù người dân từng “bảo vệ chủ quyền” theo cách của họ trong nhiều lần, mỗi khi Trung Quốc xua tàu vào vùng biển Việt Nam. Đó là những lần biểu tình đầy máu và nhà giam, đầy tiếng hô “đả đảo Trung Quốc” kèm với tiếng la thất thanh của người biểu tình bị đánh, bị bắt lên xe buýt chở về trại giam. Những hình ảnh của các cuộc biểu tình ấy vẫn đầy dẫy trên mạng, trong ký ức, trong mỗi status của người từng biểu tình trong các năm qua trên trang facebook của họ.
Những lúc ấy nhà nước chưa kịp huy động thì nhân dân đã tự động bảo vệ chủ quyền bằng cách của họ mà biểu tình có lẽ là cách duy nhất, không còn cách nào khác, khiến cho kẻ thù bị buộc phải nhìn lại thái độ của chúng mà dè chừng hay thậm chí rút lui vì phản ứng của dư luận quốc tế về hành vi xâm lược.
Vế thứ hai trong câu là “và phẩm giá dân tộc” xem ra có vẻ khiên cưỡng và thậm chí lạc đề. Phẩm giá dân tộc là một khái niệm trừu tượng rất khó định hình trong ngữ cảnh của câu này vì sự xâm lược của Trung Quốc không làm cho phẩm giá của người dân bị xâm lược ảnh hưởng chút nào thì tại sao phải bảo vệ? Phẩm giá của nhân dân Việt Nam nếu rạch ròi trên chiếc bàn chữ nghĩa có lẽ nên bàn đến từ hai chủ thể “nhà nước” và “người dân”. Nhà nước nắm trong tay mọi phương tiện xây dựng phẩm giá từng cá nhân trong cộng đồng một dân tộc. Cụ thể là bài học đầu tiên từ trường học cho học sinh biết thế nào là phẩm giá con người, rồi tiến dần tới lòng tự trọng trước người ngoài, tôn trọng di sản mà văn hóa Việt Nam xây dựng được hàng ngàn năm. Phẩm giá người dân được nhìn nhận khi ra nước ngoài công tác, du lịch. Phẩm giá ấy sang hay hèn, cao hay thấp tùy vào dân trí, vào cách mà một chính phủ muốn cho người dân của mình có được qua giáo dục, qua tư duy chính trị và nhất là lòng tự trọng cần có của một con người.
Phẩm giá không cần ai bảo vệ mà chính nó tỏa sáng trước cộng đồng, kể cả trước quân thù như Trần Bình Trọng khẳng định phẩm giá của một danh tướng “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn là làm vương đất Bắc”.
Bài báo đặt cái tựa rất bình thường nhằm đăng cho được nội dung mà nó chuyển tải, tuy nhiên cái tựa thứ hai làm cho người dân nhìn lại cộng đồng hiện tại so với trước đây rồi tha thẩn tự hỏi: tại sao người dân bỗng nhiên dửng dưng trước một sự việc nghiêm trọng mà trước đây vài năm họ sẵn sàng đổ máu đề chống đối?
Cụ thể nhất là cuộc biểu tình vào tháng 5/2014 khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập lãnh hải Việt Nam, 22 tỉnh thành đã xuống đường phản đối. Người dân đã cuồng nộ chống lại bằng các cuộc biểu tình hầu như trên toàn quốc. Hàng chục ngàn công nhân Bình Dương, Hà Tỉnh đã tấn công các công ty Trung quốc như môt thái độ phản đối quyết liệt. Ban đầu nhà nước lặng im nhưng dần dần có dấu hiệu sợ hãi cuộc biểu tình sẽ chuyển hướng cho một mục tiêu khác và cuối cùng khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sang thăm Việt Nam thì sự thể đổi khác một cách khó hiểu.
Theo nhà báo Roger Mitton viết trên tờ Myanmar Times mà BBC trích lại cho biết: sau chuyến “viếng thăm” ấy về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm cuộc biểu tình nào cả, cũng chẳng có chuyện khiếu nại gì lên Liên Hiệp Quốc, không có diễn tập quân sự với Hoa Kỳ và cũng không đi đầu một khối ASEAN thống nhất chống lại Bắc Kinh.
Ngay lập tức người dân nhận ra ngay sự ngây thơ của mình khi biểu lộ lòng yêu nước. Sự ngây thơ ấy đã bị lợi dụng cho mục đích chính trị “không trong sáng” và người chịu thiệt cuối cùng chính là họ, những người thiết tha bảo vệ chú quyền lãnh thổ bằng cách duy nhất là biểu tình chống Trung Quốc. Người dân cũng nhận ra rằng họ bị phản bội từ chính quyền của mình và nỗi đau đớn ấy không hề thua cái nhục mất nước trước kẻ thù truyền kiếp.
Leave a Comment