“Mạng xã hội của tôi được may đo theo luật pháp địa phương”, đây là câu nói đáng chú ý nhất của ông bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng, trong bài phát biểu về việc cần phải “viết mạng xã hội mới ở Việt Nam”.
Trong cả bài phát biểu đó ông chỉ nhắn gửi hai ý, thứ nhất là bày tỏ sự thất vọng đối với Facebook, trong đó gián tiếp thừa nhận sự thất bại của nhà nước trong việc kiểm soát mạng xã hội này, để rồi hỗ trợ cho ý thứ hai, là cần phải viết mạng xã hội mới “tuân thủ luật pháp Việt Nam”.
Khi nói đến luật pháp Việt Nam liên quan đến việc kiểm soát hoạt động của dân chúng trên mạng xã hội, thì chúng ta cần phải nghĩ tới ngay Luật An Ninh Mạng, vốn có hiệu lực từ tháng Một năm nay.
Đây là bộ luật đã hứng chịu chỉ trích từ vô số các tổ chức nhân quyền trong nước cũng như quốc tế, các quốc gia trên thế giới và cả liên hiệp quốc cũng đã bày tỏ lo ngại, còn các công ty công nghệ thì dựng tóc gáy. Điều khiến người ta lo ngại nhất, là các điều khoản có nội dung dẫn đến sự can thiệp thô bạo vào các quyền tự do và riêng tư của người dân, và trao cho công an quyền lực vô song để theo dõi công dân và ép buộc các công ty phải giao nộp dữ liệu của nguời dùng.
Ngoài luật An Ninh Mạng ra, thì các điều luật của bộ luật hình sự 2015 như điều 117 (tuyên truyền chống nhà nước), điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ)… là các công cụ được sử dụng đại trà để trừng phạt bất cứ ai sử dụng mạng xã hội để chỉ trích chính quyền.
Vậy “mạng xã hội được may đo theo luật pháp địa phương” mà ông bộ trưởng Hùng nói ở đây có nghĩa là gì?
Với các điều khoản và bộ luật được nêu ở trên, thì không khó để hình dung ra mạng xã hội mà ông Nguyễn Mạnh Hùng đang mơ về. Đây là mạng xã hội mà bất cứ nội dụng phản biện, chỉ trích nhắm tới nhà nước sẽ bị kiểm duyệt và xoá bỏ. Thông tin cá nhân mà người dùng lấy để đăng ký tài khoản như tên họ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, quê quán… đều sẽ tự động được giao nộp cho công an. Nguy hiểm hơn, là nội dung của các đoạn chat cũng sẽ bị đọc một cách ngang nhiên, mà nếu bạn có xoá đi rồi, thì nếu cần, công an vẫn có thể khôi phục lại được và in ra, đặt trên bàn khi họ làm việc với bạn. Các hội nhóm kín, cũng sẽ trở thành mở đối với chính quyền một khi họ cần.
Nói tóm lại, mạng xã hội mà nhà nước mong muốn người dân dùng là mạng xã hội không tồn tại ý kiến trái chiều, không phản biện, không đưa tin nhà nước không thích (cưỡng chế đất đai, tham nhũng, Biển Đông, nội bộ Đảng…) Thay vào đó là các tin thân thiện như ăn chơi, thể thao, thời trang, thời tiết, mua sắm, khoe của, giật bồ (không phải bồ lãnh đạo)…
Thế nên cần phải cẩn trọng, khi quan chức nói rằng phải tạo ra cái gì đó của người Việt, do người Việt, và vì người Việt. Bởi nó chưa chắc đã là miếng bánh ngon bổ rẻ, mà có khi lại là trái táo mà mụ phù thuỷ gian ác đưa cho Bạch Tuyết ngây thơ./.
Leave a Comment