Sáng cuối tuần, rôm rả cà phê hè phố Sài Gòn với những tờ báo ‘có môn bài’ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên nêu “Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển hoàn toàn của Việt Nam”, nhiều người đọc báo thắc mắc: “Nếu nó không chịu rút thì có chiến tranh không?”.
Nguyễn Phú Trọng lại… xuất hiện
Biên tập viên N.D.T cho biết tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 20-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp gỡ với Đoàn đại biểu Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu và cán bộ công đoàn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh.
“Theo hình ảnh của phóng viên gửi về, ông Trọng cùng đoàn tùy tùng đã rảo đoạn đường trong nghi thức bắt tay, chào xã giao các thành viên của đoàn đại biểu. Đi cùng với ông Trọng có bà Trương Thị Mai, qua đó dự báo ghế chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa mới khuyết hôm 19-7, có lẽ sẽ là bà Mai, thay cho đồn đoán là vị nguyên tổng biên tập báo Người Lao Động”. Biên tập viên N.D.T, nói.
Tuyên bố cứng rắn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tối 19-7, dường như cũng có phần từ chuyện ‘đi – đứng’ sáng 20-7 của ông Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao lại liên quan? Câu trả lời dường như nằm ở phần cuối của tuyên bố từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
“Ngay bây giờ, tôi đang kêu gọi Mỹ, tôi đang kích hoạt hiệp ước Mỹ – Philippines. Tôi muốn Mỹ tập trung toàn bộ Hạm đội 7 của họ trước Trung Quốc. Tôi sẽ tham gia với họ, tôi sẽ đưa tàu đến bất cứ nơi nào có chỉ huy hạm đội của Mỹ” – Hãng tin Kyodo News dẫn tuyên bố của ông Duterte, tổng thống Philippines, hôm 17-7”.
Phải chăng người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam thông qua Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng bày tỏ mong muốn gửi lời thỉnh cầu tương tự như ông Duterte? Điều này còn đặt trong bối cảnh những xúc tiến ngoại giao cho chuyến công du sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Canada và Hoa Kỳ.
Phải tự nỗ lực để thoát Trung
Trò chuyện bên lề, nhà báo P.H.P, cựu phó tổng biên tập tạp chí E-chíp, nói rằng, “Kinh nghiệm từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim cho thấy, chỉ có mình tự lực cánh sinh tự cứu mình và quyết định số phận của chính mình, chứ bạn bè thân mấy cũng chỉ hỗ trợ bên ngoài chớ không thể nhào vô cùng với mình, khi chính họ cũng có những toan tính lợi ích riêng phải thông cảm”.
Bàn luận quanh ý kiến “mình phải quyết định số phận của chính mình” trong bối cảnh ‘danh chính ngôn thuận’ Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới, cho thấy ít nhất về mặt ngoại giao, Việt Nam đã có thể đường hoàng tuyên bố “16 vàng – 4 tốt” giờ đây đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.
“Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu kêu gọi nông dân quay trở lại làm lúa một vụ để có thể tăng giá trị thương mại của gạo Việt Nam, đồng thời cũng giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, có thời gian cho đất nghỉ ngơi. Quan trọng hơn là không còn phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì lâu nay, các chủng loại gạo cho 3 vụ của Việt Nam, có giá trị thấp, chủ yếu xuất vào Trung Quốc”. Thông tín viên tại Việt Nam của một kênh truyền hình Quốc hội Mỹ nhận xét, nhân chuyến thực hiện ký sự về miền Tây vào trung tuần tháng 7-2019.
Trở lại với thắc mắc: “Nếu nó không chịu rút thì sao?”.
Như đã khẳng định tại phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 16-7, “lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982”.
Đến tối 19-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thêm vế: “Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
Lợi ích chung không chỉ là tuyến hàng hải giao thương quốc tế, mà còn là các mỏ dầu khí mà Việt Nam cùng các đối tác Mỹ, Tây Ban Nha, Canada… đã giao kết làm ăn./.
Leave a Comment