Quảng Cáo

Chúng ta có các quyền gì?

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Quảng Cáo

NguyenTrangNhung’s blog – RFA

Năm 2016, khi tôi còn làm việc cho một công ty tin học, tôi đã có một bài nói chuyện ngắn trước các đồng nghiệp trong một lớp học nhỏ về kỹ năng thuyết trình của công ty. Bài nói chuyện của tôi khi ấy là về các quyền con người và các quyền công dân theo hiến pháp Việt Nam.[1]

Mở đầu bài nói chuyện, tôi dề nghị các đồng nghiệp trong lớp học thử kể tên các quyền mà họ có. Tôi nhớ lác đác có 2 hay 3 câu trả lời được đưa ra. Các câu trả không những ngắn (chỉ kể 1 hay 2 quyền gì đấy) mà còn có vẻ cho thấy những người trả lời không tự tin vào câu trả lời của mình.

Sau đó, tôi đi vào giới thiệu về hiến pháp và kể tên một số quyền con người và quyền công dân, rồi kết thúc bài nói chuyện bằng một thông điệp rằng mọi người hãy biết các quyền của mình và để biết, hãy mở hiến pháp.

Tôi không biết liệu sau bài nói chuyện của mình, có đồng nghiệp nào mở hiến pháp để biết các quyền con người và các quyền công dân của họ hay không.

Không có gì là lạ khi các đồng nghiệp trong công ty của tôi nói riêng và như chúng ta có thể quan sát là cả những người làm việc trí óc trong xã hội nói chung, chưa kể những người lao động chân tay, không hay ít biết về các quyền con người và các quyền công dân.

Nếu không phải là một người học luật và quan tâm tới chính trị, xã hội, có thể tôi đã chẳng quan tâm tới các quyền, tới hiến pháp cũng như nội dung của nó.

Khi môi trường xung quanh chúng ta (trường học, nơi làm việc, hội nhóm, truyền thông, v.v) không hay ít nói về những thứ ấy, lại càng không hay ít khuyến khích chúng ta tìm hiểu và thực hành những thứ ấy, việc chúng ta không biết đến chúng là điều hiển nhiên.

Cho nên, khó có thể trách người dân nếu phần lớn họ không biết những thứ ấy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng sự thiếu hiểu biết trong đa số dân chúng về các quyền và hiến pháp là không đáng bận tâm.

Theo báo cáo Chỉ số Công lý 2015,[2] kết quả khảo sát 13.841 người dân từ 63 tỉnh thành cho thấy mức độ hiểu biết của người dân về hiến pháp là rất thấp.

Cụ thể, với câu hỏi: “ông/bà có từng nghe/hoặc có biết về hiến pháp”, có 6% người tham gia trả lời “biết rõ”, 53% trả lời “có biết đôi chút”, và 41% trả lời “không biết”. So với kết quả khảo sát năm 2012 với cùng câu hỏi, kết quả không thay đổi nhiều.

Sau khảo sát năm 2015, chưa có khảo sát mới hơn, song có lẽ tình trạng hiện nay không tiến triển mấy so với 4 năm trước.

Tất nhiên, nếu thay câu hỏi khảo sát nêu trên bằng câu hỏi về một quyền cụ thể, có thể các tỷ lệ sẽ tích cực hơn, nhưng chắc chắn sẽ không đủ khả quan. Và vì vậy, việc phổ biến các quyền chưa bao giờ là không cần thiết cả.

Chúng ta có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. (Điều 25, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (Điều 24, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. (Điều 23, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của chúng ta nếu không được chúng ta đồng ý (Điều 22, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. (Điều 21, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 20, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền bầu cử khi đủ 18 tuổi, và có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân khi đủ 21 tuổi. (Điều 27, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. (Điều 28, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân khi đủ 18 tuổi. (Điều 29, Hiến pháp)

Chúng ta có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. (Điều 30, Hiến pháp)

Danh sách các quyền trên đây chưa phải là tất cả. Chúng ta còn có nhiều quyền khác…

Và để biết thêm về các quyền, chúng ta hãy mở hiến pháp. Đó là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia. Hay nói theo cách khác, hiến pháp là đạo luật gốc, và mọi văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia không được trái với nó.

Riêng những ai có cảm hứng để đi xa hơn, hãy mở các công ước quốc tế về các quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị[3] mà Việt Nam đã tham gia, và vì vậy có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ các quyền theo công ước đó.

Hiểu biết về các quyền là cơ sở để chúng ta thực hiện chúng một cách có trách nhiệm, từ đó tiến tới bảo vệ chúng ở bất cứ đâu, ngay từ khi chúng có dấu hiệu bị xâm phạm, và vì vậy mà làm cho chúng cũng như cả hiến pháp trở nên luôn sinh động và tràn sức sống.

Chú thích:

[1] Hiến pháp Việt Nam hiện tại là bản 2013
https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemi…

[2] Chỉ số Công lý 2015
http://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/library/democratic_govern…

[3] Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quy…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux