Chưa khi nào mạng xã hội lại tỏ ra dữ dội trước một phát ngôn “thiếu trí tuệ” như lần này khi bà PGS TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất mỗi gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh trang bị một cái lu để chống ngập.
Trong kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP.HCM với tư cách là một đại biểu bà Hồng Xuân đã góp ý chống ngập cho thành phố qua đề xuất: “Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa”.
Ban đầu người dân chê cười tiếp theo là châm chọc và đâu đó những câu sỉ vả lan truyền trên mạng xã hội ngày một nhiều về câu nói được cho là “óc bã đậu” của bà Xuân. Người dân từng chứng kiến khá nhiều câu phát ngôn lệch lạc từ thành viên chính phủ, những nghị gật của quốc hội hay một trí thức xôi thịt nào đó nhưng chưa bao giờ sự dốt nát lại ngự trị một cách đau đớn trong hệ thống cầm quyền như vậy.
Người dân cảm thấy bị lừa đảo vì bà Phan Thị Hồng Xuân không phải là thành phần thất học hay “tại chức” như khá nhiều quan chức trong guồng máy, mà bà là một trí thức trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Bà là người thầy của biết bao nhiêu sinh viên khoa xã hội nhân văn đã ra trường và có khi đang theo vết chân của bà trong quy trình bán chữ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM –Đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM…bằng ấy chức danh không cho bà một kiến thức tối thiểu của người dân Đồng Tháp, nơi bà tự hào có giá trị văn hóa bản địa. Văn hóa “cái lu” mà người dân miệt vườn không dùng để chống ngập mà dùng để hứng nước mưa sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Lý do mà những chiếc lu ấy được sinh ra vì dân miền Tây không có nước ngọt để uống phải nhờ vào những chiếc lu hứng nước mưa để nấu nướng quanh năm.
Những chiếc lu này chưa bao giờ dùng để chống ngập cả.
Một đề nghị như thế mà bà cũng nghĩ ra được thì trách gì người ta ném đá? Tư duy của bà không những thiếu khoa học mà còn ẩn chứa sự độc tài vốn có của người cộng sản. Bà là đại diện của những tư tưởng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Bà hô hào người dân thành phố vác những chiếc lu về nhà đề chống ngập trong khi không hề dám lên tiếng vạch ra những sai lầm mà thành phố lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua khi dùng ngân sách chống ngập một cách tùy tiện và thiếu khoa học.
Nhưng chưa hết, bà tiếp tục ngu ngơ như nai vàng, như thỏ bạch khi tiếp tục…đề xuất rằng thành phố cần xây dựng chuẩn mực văn hóa lối sống và có biện pháp mạnh tay, kể cả đưa người nhập cư về nơi cũ nếu họ không tuân thủ trong thời gian lưu trú tại TPHCM.
Không một chút ngượng mồm, bà chứng tỏ quyền lực trong câu nói: “Như chương trình vận động toàn dân không xả rác. TPHCM cần khảo sát xem đối tượng, khu vực nào xả rác nhiều nhất. Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố. Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? TPHCM có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”.
Câu ví von của bà thật nham nhở và vô duyên nhất mà người dân thành phố được nghe từ cửa miệng của một trí thức xôi thịt. Bà tỏ ra giỏi giang trong việc trích thơ –mà là thơ dở- để hạ gục một lớp người bần cùng bằng lời lẽ của một giảng viên đại học. Bà không ngượng mồm khi đi ngang họ, những người lỡ tay vứt một mảnh rác ngoài đường và chỉa mũi dùi vào tình trạng cư trú của những mảnh đời bất hạnh ấy. Bà quên rằng không hiếm những đồng chí, đồng nghiệp của bà không hề thua kém họ trong hành vi vứt rác ngoài đường.
Và cuối cùng khi bị nguyền rủa, xỉa xói của người dân bà lại đông đổng la lên đòi dùng an ninh mạng để trả thù những người chống bà.
Tâm sự với báo chí trước việc này bà cho biết: “Từ tối qua đến giờ tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin. Trong đó có nhiều người hiểu vấn đề đã động viên, chia sẻ với tôi về giải pháp này. Tuy nhiên đa phần có những lời lẽ thoá mạ, xúc phạm, đe doạ khiến tôi rất sốc.
Nếu không tâm huyết, không trăn trở trước nỗi khổ của người dân khi liên tục hứng chịu cảnh ngập nước thì tôi đã không đề xuất giải pháp này. Tại sao lại chỉ trích, thoá mạ, đe doạ tôi khi tôi đưa ra giải pháp.
Tôi hy vọng luật an ninh mạng sẽ sớm được triển khai để xử lý những đối tượng này, bảo vệ những người tâm huyết, có nguyện vọng muốn xây dựng thành phố, đất nước”
Không nghi ngờ gì nữa, bà đã lợi dụng tư cách đại biểu của mình để làm cho hình ảnh của chính thể này rớt xuống bùn nhơ. Thứ nhất bà thiếu kiến thức phổ thông của một chị bán trái cây khi đề xuất thành phố buộc người dân mỗi gia đình phải có một cái lu chống ngập. Thứ hai, đòi trục xuất những người xả rác về nguyên quán tức là làm cho xã hội xáo trộn, bất an. Thứ ba đòi áp dụng luật an ninh mạng đối với những ai chống đối những tư tưởng quái dị của bà là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân. Trong vai trò đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố bà đi ngược lại chủ trương chính sách của nhà nước về tư cách của một đại biểu trước nhân dân.
Bà đáng bị sỉ vả vì đã làm gương xấu cho một lớp thanh niên đang theo bà kiếm chữ. Họ sẽ là rường cột đất nước được hay sao khi trang bị những kiến thức chắp vá, thô thiển và độc ác của một người thầy như bà, thưa bà Phó giáo sư Tiến sĩ./.
Leave a Comment