Bãi Tư Chính là một đảo ngầm rộng lớn dài 63 km và rộng 11 km, đã từ lâu thuộc Việt Nam. Năm 1989, tức trước hội nghị Thành Đô, Việt Nam đã cho lắp đặt nhà dàn DK1 và được bảo vệ bởi binh sĩ thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải Quân. Sau Hội Nghị Thành Đô, kể từ năm 1992 thì Trung Quốc bắt đầu xí phần trên bãi ngầm giàu tiềm năng dầu khí này. Các cuộc tranh chấp giành giật diễn ra các năm 1992, 1994, 1996 vẫn cứ ở thế giằng co. Những cuộc tranh chấp vào thời kỳ này dân không hay biết vì báo chí Việt Nam không nói và lúc đó không hề có mạng internet nên dân không có nguồn thông tin từ bên ngoài để dân hay biết.
Thế nhưng điều đáng nói là vào cuối tháng 7 năm 2017, Công ty Talisman-Vietnam thuộc công ty mẹ là Repsol Tây Ban Nha đang thăm dò mỏ khí lớn tại lô 136-03 thì bị Trung Quốc gây áp lực phải hủy bỏ hoạt động thăm dò. Đứng trước cuộc tranh chấp này, phía Hà Nội đã quyết định nhượng bộ, nghĩa là cho Talisman-Vietnam rút khỏi vị trí thăm dò, mặc dù Repsol đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào thương vụ này. Tất nhiên mọi thiệt hại phía Việt Nam phải chịu. Trong lần nhượng bộ này, báo chí Việt Nam cũng im thin thít, và dân chỉ biết khi báo chí nước ngoài đăng tin.
Hôm nay, Hải Quân Trung Cộng đang muốn đuổi nốt nhà dàn DK1 và Hải Quân Việt Nam đã đồn trú đã ở đây từ năm 1989. Và khoảng gần 10 ngày nay, sự căng thẳng giữa Hải Quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam đang diễn ra trên vùng này, chưa biết kết quả ngã ngũ thế nào, nhưng chắc chắn kết quả của chuyện tranh chấp này sẽ không phụ thuộc vào Hải Quân bên nào mạnh, mà nó phụ thuộc vào cái gật đầu giữa 2 người đứng đầu 2 đảng CS “anh em”. Và lịch sử cho thấy, phía CSVN chỉ có thể trụ lại tạm thời rồi lùi bước chứ chưa bao giờ dám kiên quyết đứng hiên ngang với Trung Cộng. Đó là cái giá phải trả cho sự phớt lờ nguyện vọng nhân dân ôm chân Tàu của nhóm Linh – Mười – Anh và Bộ Chính Trị của ĐCSVN từ đó cho đến nay.
Từ lúc ký kết Hội Nghị Thành Đô 1990 cho đến nay, quan điểm nhất quán của chính quyền Hà Nội là đổi lãnh thổ lấy “tình hữu nghị”, điều này không cần phải bàn cãi nữa nó đã rõ ràng rồi. Trong tình thế tranh chấp căng thẳng như thế này, nhưng bà chủ tịch quốc hội lại kéo đàn lâu la thuộc diện sắp cơ cấu vào Bộ Chính Trị khóa 13 sang Bắc Kinh diện kiến Tập Cận Bình thì thử hỏi, ai cần ai trong lúc này? Rõ ràng những lãnh đạo CSVN đang cần sự bảo kê của hoàng đế thiên triều cho ghế quyền lực 5 năm nhiệm kỳ sau, như thế thì liệu chuyện tranh chấp ở Bãi Tư Chính, phía Việt Nam cầm cự được bao lâu? Câu trả lời là nếu lần này cầm cự được thì lần sau, khi đám đang diện kiến Tập hôm nay lên nắm quyền thì bọn họ cũng sẽ cho Hải Quân Việt Nam lùi bước mà thôi, đó là viễn cảnh dễ thấy.
Còn báo chí Việt Nam, đã gần 10 ngày nay họ vẫn im thin thít, vì sao? Vì thực tế, họ biết khó cầm cự lâu và sự nhượng bộ từ phía người đứng đầu ĐCSVN rất có thể sẽ xảy ra nên bắt buộc họ phải giấu. Còn nhớ, năm 1946 ông Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân kháng chiến, ông ta công khai âm mưu của Thực Dân Pháp với toàn dân. Nhưng còn hôm nay thì sao? Hôm nay, trước tình hình chủ quyền bị đe dọa, báo chí lại câm như hến thì cũng cho thấy ý đồ của Bộ Chính Trị ngược lại với ý đồ của ông Hồ Chí Minh trước kia rồi. Điều đó cho thấy thấp thoáng ý đồ của Bộ Chính Trị Việt Nam hiện nay, họ đang có tính đường lùi bước nếu Trung Cộng lấn tới. Sự nỗ lực của hải Quân Việt Nam tại Bãi Tư Chính xem ra không khả quan cho lắm./.