Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Sau cuộc điều tra của công an kéo dài gần một năm, câu chuyện sửa điểm thi trong mùa thi Trung học phổ thông năm 2018 ở tỉnh Sơn La lại biến thành chuyện đầu voi đuôi chuột: Không ai bị truy tố vì không tìm ra người đút lót lẫn kẻ hối lộ. Tức là công an không tìm ra ai là thủ phạm nhúng tay vào vụ nâng điểm thi của các học sinh.
Được biết trong kỳ thi này, từ phó giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh đến trưởng phòng khảo thí và một số nhân viên của Sở đã cấu kết nhau, chủ động rút bài thi trắc nghiệm để sửa và nâng điểm thi cho ít nhất 44 thí sinh. Dĩ nhiên họ làm như thế không phải vì thương các thí sinh điểm kém, muốn vớt vát cho một số em vượt qua sự kém may mắn. Động cơ của họ là nhắm vào số tiền “đền công” được môi giới thoả thuận. Những thí sinh tốt số này được báo chí khám phá ra đều là con ông cháu cha hay thuộc những gia đình giàu có.
Cuộc điều tra đã chỉ ra có trường hợp phụ huynh phải chi từ hàng trăm triệu đồng tới 1 tỷ đồng để được nâng điểm tốt nghiệp. Có 8 bị can đã bị truy tố “tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nhưng Viện Kiểm Sát tỉnh Sơn La cũng chỉ xác định 4 bị can chính “có dấu hiệu” nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ mà thôi.
Ngoài ra, kết quả điều tra còn cho thấy các phụ huynh học sinh có liên quan đều không thừa nhận chuyên hối lộ tiền để được sửa điểm thi, và ngoài ra công an không có chứng cứ nào khác. Thật khôi hài khi Viện Kiểm Sát cũng cho rằng “không có căn cứ” để truy tố 4 cán bộ Sở Giáo Dục Sơn La tội danh nhận hối lộ
Đường đi của pháp luật xã hội chủ nghĩa thật vòng vèo nhưng không khó hiểu bởi sự nguỵ biện của những người được phép độc quyền cầm cán cân công lý. Do đó lò không đốt được ở Sơn La vì gặp phải củi mục, không phải củi khô hay củi tươi như các nơi khác.
Lý do dễ thấy nhất để gọi đây là củi mục xuất phát từ cơ quan giữ quyền công tố. Viện Kiểm Sát tỉnh Sơn La đã bằng cách nào đó mà không tìm thấy ai là thủ phạm vụ sửa điểm thi cho dù hồ sơ điều tra của công an dầy cộm. Nhất là 44 phụ huynh có thí sinh được nâng điểm cho tới lúc này vẫn không có ai thừa nhận mình đút lót tiền cho cán bộ Sở Giáo Dục Sơn La. Đã vậy sao không trả hồ sơ điều tra bổ túc? Phải chăng ngay trong các cơ quan thi hành luật pháp cũng có chiều hướng giảm nhẹ tội trạng từ “hối lộ” xuống “lợi dụng chức vụ”?
Như thế cũng có thể nói, đây là một vụ án có dấu hiệu là một “vụ án ma”, hay nói khác đi các số điểm trong 44 bài thi tuy không có cánh mà đã bay đi được. Thật tài tình vì lúc bay đi với con số 2, 3 điểm khiêm nhường mà lúc bay về thì điểm thi lớn lên đáng kinh ngạc.
Sửa điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 này đâu chỉ xảy ra ở Sơn La. Sự kiện gian lận của các nhà làm công tác giáo dục còn diễn ra ở Hà Giang, Hoà Bình liên quan tới ít nhất 19 cán bộ và trên 300 bài thi của 222 thí sinh. Nghĩa là nó khá phổ biến như “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi lẽ còn nhiều nơi chưa bị khám phá.
Xem ra điều này chỉ có ông Hồ Chí Minh biết được mà thôi. Sở dĩ nói ông Hồ biết là vì chỉ có người cõi trên mới thấy ai đã “tàng hình” vào phòng khảo thí của Sở Giáo Dục để ra tay sửa điểm, nâng điểm cho 44 thí sinh. Chứ Sơn La hay Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ người trần mắt thịt làm sao có khả năng thần thánh nào tìm ra bằng chứng, cho dù là đã bắt và truy tố 4 cán bộ gọi là tình nghi nhận tiền lên đến bạc tỷ. Công an đã không tìm thấy bằng chứng cũng không có ai nhận đã đưa tiền thì cũng có thể nói Viện Kiểm Sát ra một lệnh truy tố ma mà thôi.
Phải nói vụ án này thật ly kỳ và ma quái vì không những không tìm ra người nhận tiền và người đưa tiền trong khi trên thực tế bài thi tốt nghiệp của 44 thí sinh đã bị sửa một cách bài bản do những người chuyên nghiệp.
Tóm lại chuyện nhận cả tỷ đồng gian lận điểm thi mà vẫn thoát tội hối lộ này rất đáng tin vì nó đã xảy ra dưới pháp luật thiên đường xã hội chủ nghĩa. Và đó cũng là vì tính chất ly kỳ không thể tưởng tượng của ngành giáo dục Việt Nam.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment