Tác giả: Quê Hương
Lê Tấn Hùng – em trai cựu bí thư thành ủy HCM vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì tội ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng khi còn là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Sự việc trên là lời cảnh tỉnh đối với Lê Thanh Hải, người gây biết bao tai tiếng và cả ‘tội ác’ ở đất Sài Thành.
Thực ra, đã là quan chức cộng sản thì ai chả tham nhũng. Do vậy, Lê Tấn Hùng chỉ là một hạt cát trên sa mạc những tên quan chức cộng sản tham lam. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, anh trai Hùng là Lê Thanh Hải – đối tượng mà Tổng bí thư Trọng đã cho vào tầm ngắm từ lâu bởi Hải là người có quan hệ gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng. Trước đó, hồi tháng 5 năm 2018, con trai ông Hải là Lê Trương Hải Hiếu đã bị kỷ luật vì tội quan hệ tình cảm ngoài luồng. Và vụ bắt giữ Lê Tấn Hùng chỉ là nhát dao tiếp theo Tổng Trọng nhắm vào Hải.
Trong nhiều tháng qua, truyền thông nhà nước đã liên tục cho đưa tin về vụ cướp đất của chính quyền tại bán đảo Thủ Thiêm. Mới đây nhất ngày 9/7, tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố “Không thể chậm giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm”. Tuy nhiên, quan chức cộng sản này không hề đề cập đến khi nào thì giải quyết dứt điểm.
Một thực tế trớ trêu là vụ việc đã rõ rành rành rằng đây là một vụ vi phạm về đất đai và cần phải xét xử một cách nhanh chóng để dân tin. Ấy vậy mà mấy tháng trời qua, báo chí trong nước chỉ đưa mỗi cảnh người dân Thủ Thiêm tức giân đi đòi công lý. Trong khi đó, ông bí thư thành ủy hiện nay là Nguyễn Thiện Nhân vẫn không thể đưa ra được thời hạn khi nào để giải quyết xong vụ việc. Nói túm lại, các quan chức chóp bu của TPHCM vẫn chỉ múa võ hoài mà chưa dám ra đòn vì còn phải chờ xem ở Ba Đình, anh Trọng sức khỏe ra sao và muốn làm vụ việc này tới đâu. Đó là lý do mà đến giờ sự việc cứ dùng dằng mãi không giải quyết nổi.
Với phát biểu bỏ lửng của Nguyễn Thiện Nhân thì có thể thấy vụ việc Thủ Thiêm được khuấy lên không phải để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân nơi đây, vốn chịu cảnh 20 năm mất đất. Mà mục đích chính lại là cuộc chiến ngầm giữa các phe phái chính trị trong ĐCS. Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, Hội Đồng Nhân Dân lại thông qua việc đề xuất 1500 tỷ đồng để xây nhà hát giao hưởng tại đất Thủ Thiêm. Điều này lại càng củng cố cho lập luận dân Thủ Thiêm sẽ chẳng được gì qua vụ việc này. Bởi đây, là câu chuyện ân oán của phe Trọng và Dũng, họ chỉ mượn cớ dân mất đất để trả thù lẫn nhau mà thôi. Còn tiền thì họ đã chia cho nhau hết rồi.
Nếu như Sài Gòn có vụ Thủ Thiêm nổi tiếng thì tại Hà Nội cũng có vụ khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra. Đây là dự án lớn nhất về bất động sản có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam đến năm 2007 với tổng diện tích lên tới 323 ha. Để xây dựng dự án này, vào khoảng năm 2000, nhà chức trách Hà Nội đã thu hồi đất nông nghiệp của người dân các xã Xuân La, Xuân Đỉnh, Phú Thượng và Đông Ngạc để trao cho doanh nghiệp nước ngoai. Chỉ sau một đêm thu hồi, giá đất từ mức vài chục ngàn một mét vuông (đất nông nghiệp) đã được hóa giá lên tới mấy chục triệu (đất của doanh nghiệp nước ngoài). Người ta ước tính số tiền lên cả chục tỷ đô la đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài và khoảng 30 phần trăm trong số ấy được đút lót cho các quan chức Hà Nội. Và người đứng đầu lúc ấy, chính là Bí thư thành ủy Nguyễn Phú Trọng.
Đây là lý do chính khiến ông Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần từ chối không dám công khai tài sản của mình trước bàn dân thiên hạ. Bởi nếu người ta phát hiện ra ông có tới vài tỷ đô la trong ngân hàng, thì Trọng còn đâu cái uy để đi chống tham nhũng nữa.
Nói vậy để thêm thông cảm cho người dân Thủ Thiêm khi nỗi đau của họ bị nhân đôi. Vừa bị chiếm đất giờ đây lại bị các quan chức cộng sản lợi dụng để họ thực hiện cuộc thanh trừng phe phái nhắm vào nhau. Cái mà người dân Thủ Thiêm nhận lại được sẽ chỉ là con số không. Bởi suy cho cùng thì có quan chức cộng sản nào mà không tham nhũng đâu???
Leave a Comment