Mặc dù cố công giấu diếm nhưng rốt cuộc nhà cầm quyền Việt Nam cũng không thể che đậy một sự thật trần trụi đã và đang diễn ra một làn sóng ngày càng mạnh là càng nhiều quan chức cấp xã và cả cấp huyện, quận tìm kế “ra đi tìm đường cứu thân” thông qua con đường xuất khẩu lao động.
Bi kịch “còn đảng còn mình”
Trong nửa đầu năm 2019, báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin về nhiều lãnh đạo, viên chức đảng viên từ cấp xã cho đến cấp tỉnh ở Hà Tĩnh và một số địa phương khác đã nghỉ việc trong hệ thống hành chính nhà nước để đi tìm tương lai mới bằng con đường xuất khẩu lao động, hoặc đi làm ở ngoài.
Phan Khắc Ấn, phó bí thư đảng ủy xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh là một đơn cử. Quan chức cấp nhỏ này đã xin nghỉ việc vì lương không đủ nuôi gia đình, mặc dù ông Ấn đã được cơ cấu quy hoạch vào làm lãnh đạo xã trong tương lai.
Vào Tháng Giêng, 2019, ông Dương Văn Quyền, phó chủ tịch xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, cũng đã xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động bên Đức vì sau 14 năm làm việc vì lương quá ít. Sáu viên chức, lãnh đạo khác cấp xã cũng đã nghỉ việc vì lương không đủ lo cho gia đình.
Nạn nghỉ việc không chỉ thuộc về khối hành chính dân sự mà còn gắn bó mật thiết với lực lượng “còn đảng còn mình” và “thanh kiếm và lá chắn”: công an.
Ông Trần Huy Liệu, phó giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thực trạng viên chức, lãnh đạo tại Hà Tĩnh, chủ yếu là trưởng và phó trưởng công an cấp xã bỏ việc đi xuất khẩu lao động đã diễn ra từ vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là những người này muốn có một môi trường làm việc với thu nhập tương xứng hơn so với công sức họ đã bỏ ra.
Nguyễn Văn Mạnh, phó trưởng công an xã Kỳ Hợp đã phải nghỉ việc đi làm nhân viên cho công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Vào năm 2018, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, trưởng công an xã Thiên Lộc là ông Lê Anh Thắng đã làm đơn xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động.
Ông Thắng tốt nghiệp trung cấp an ninh, được bổ nhiệm trưởng công an xã vào Tháng Ba năm 2017, vào biên chế hệ số lương chưa được 3 triệu đồng/tháng. Trong đơn, ông Thắng nêu lý do vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình cho nên xin nghỉ việc để đi làm ăn kinh tế, kiếm kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống.
Trước đó vào năm 2017, chỉ riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã có ít nhất 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Một con số từ công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1.6-1.7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân,” đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp,” “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.
Hiện tượng hàng loạt quan chức cấp xã bỏ việc để đi xuất khẩu lao động lại liên đới trực tiếp đến tình hình thu ngân sách quốc gia ngày càng èo uột.
Bi kịch ngân sách
2017 là năm đầu tiên mà ngân sách bị hụt thu đến hơn 3% so với dự toán đầu năm, nếu không tính đến khoản “bán mình” – tức 110,000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco (tổng công ty Rượu Bia-Nước Giải Khát).
Kết quả 96.8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Hẳn đó là nguồn cơn sâu xa khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải hoảng hồn trước cơn ác mộng ngân sách cho đội ngũ “còn đảng còn mình.”
Bồi thêm một phát đại bác vào bức thành loang lổ rệu mục của ngân sách Việt Nam, hội thảo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” – tổ chức ngày 25 Tháng Ba, 2019 tại Hà Nội – có một đánh giá rất quan trọng: “Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm.”
Bản nghiên cứu trên đã gián tiếp cảnh báo về nạn “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” của đảng Cộng Sản và chính phủ của thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ”: nếu xem tiền trong túi dân chúng là một nguồn tài nguyên vô tận thì đó là một não trạng áp đặt rất chủ quan duy ý chí, cả tham lẫn ngu và cực kỳ sai lầm.
Cho dù “Bộ Thắt Cổ” (một tục danh mà người dân biệt đãi cho Bộ Tài Chính) vẫn còn treo đó thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) mà chưa dám tăng từ 10% lên 12% do phản ứng dữ dội của doanh nghiệp, người dân và còn bởi cơ chế tăng thuế VAT rất nhiều khả năng sẽ nhấn thêm nền kinh tế vào nạn suy thoái, sự thật hiển nhiên và trần trụi là trong hai năm 2017 và 2018, Tổng Cục Thuế đã phải chịu cảnh thất thu ở nhiều địa phương, kể cả Sài Gòn – nơi được Hà Nội ví là “Con bò sữa.”
Có còn theo đảng?
Mặc dù công an, cùng với quân đội, là lực lượng có hệ số “lương cứng” thuộc loại cao nhất quốc gia, nhưng thu nhập của những giới này ngày cang teo tóp trong cơn bão giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Hàng năm, trong khi Chính phủ và Tổng Cục Thống Kê chỉ đưa ra chỉ số lạm phát dưới 5%, mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều – có thể lên tới 20-30%. Một trong những nguồn cơn chính gây ra lạm phát là in tiền.
Vào những cái tết nguyên đán gần đây, một số nhân viên an ninh than vãn: những tết năm trước còn được 180 ngàn đồng và một cặp bánh chung, nhưng năm nay chỉ có 180 ngàn đồng mà không có bánh chưng!
Một mục sư Tin Lành ở Sài Gòn cho biết cơ quan công an địa phương nơi ông cư trú có chủ trương giảm đến 30% nhân sự. Không biết vô tình hay hữu ý, từ khoảng một năm qua “cơ chế” an ninh canh theo (canh gác – theo dõi) mục sư này đã lơi hẳn. Nếu trước đó luôn có vài ba công an mặc thường phục “chốt” ngay trước nhà ông hàng ngày, từ giữa năm 2016 đến nay công an đã bỏ chế độ canh theo thường xuyên mà chỉ còn “chốt chặn” vào những đợt cao điểm như hành lễ tôn giáo hoặc các dịp lễ 30 Tháng Tư, 2 Tháng Chín…
Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là sẽ không mấy dễ dàng để chuyển qua công việc khác. Tương lai giới công an trị có thể được đi xuất khẩu lao động cũng khá ngặt nghèo. Trường hợp trưởng công an xã Thiên Lộc Lê Anh Thắng đi xuất khẩu lao động được cho là một may mắn hiếm có.
Bởi đến nay, nhiều thị trường lao động truyền thống của Việt Nam đã chính thức đóng cửa và trả lại lao động cho Việt Nam, khiến con số lao động Việt Nam dôi dư hiện thời mà không thể xuất khẩu lao động lên đến hàng triệu người.
Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% – gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được những công việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng.”
Leave a Comment