Vương Ngôn – (VNTB) – Trên 15.000 hộ dân trong tổng số 15.853 hồ sơ bị bồi thường ngược đãi giải toả nhà đất giao cho chính quyền địa phương thực hiện dự án. Trong đó có hơn 3.000 căn nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị chính quyền cưỡng chế đập phá tan tành. Nhà thờ, nhà nguyện, nhà chùa cũng phải “bái phục” lợi ích nhóm. Tại thời điểm 2013, Sở Tài chính TP.HCM đã giải ngân gần 40 ngàn tỷ đồng. Đến nay, 23 năm trôi qua, vùng đất vàng này vẫn bị bỏ hoang. Đã có hơn 11.000 đơn thư khiếu nại tố cáo trong suốt thời gian dài. Dự án này đã trở thành đỉnh điểm đạt nhiều kỷ lục: số diện tích đất thu hồi trái phép ngòai ranh quy hoạch nhiều nhất. Số người chết oan nhiều nhất. Số vụ kiện dân sự ra toà nhiều nhất. Số người bị thất nghiệp nhiều nhất …dẫn đến số lãnh đạo trả lời trái luật và hứa lèo với dân nhiều nhất. Số km đường có kinh phí xây dựng đắt nhất thế giới. Nỗi đau chồng chất nỗi đau ! Nỗi ám ảnh hàng ngàn năm sau đối với người dân Thủ Thiêm. Kể từ hôm nay, Việt Nam Thời Báo sẽ đăng những phần chính quá trình diễn kịch của UBND TP.HCM trong suốt thời gian 23 năm thực hiện một dự án đầu tư đầy máu và nước mắt!
Kỳ I: Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch Thủ Thiêm
Sau khi có Thông báo số 36-TB/TW ngày 23/11/1992 của Bộ Chính Trị về việc quy hoạch tổng thể xây dựng TP. HCM và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Hội nghị thường trực của Chính phủ ngày 10-3-1992. Ngày 16/01/1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TP.HCM. “ Cần xây dựng TP.HCM thực sự là thành phố văn minh của Nhân dân lao động…” Điều 2 quyết định này nêu rõ: “ Cho phép UBND TP.HCM thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lý xây dựng tại thành phố. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế kiến trúc sư trưởng TP.HCM và ban hành điều lệ quản lý xây dựng tại thành phố bảo đảm việc xây dựng theo đúng quy hoạch đã được duyệt.”
Căn cứ vào Quyết định số 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/1996 UBND TP.HCM có Tờ trình số: 1861/TT-UB-QLĐT kèm theo bản đồ quy hoạch gửi Thủ tướng Chính phủ “xin phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000”. Căn cứ Tờ trình này và Văn bản đề nghị số 621/BXD-KTQH ngày 15/5/1996 của Bộ Xây dựng. Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 367/TTg “ Phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.” với quy mô tổng diện tích 930 ha, trong đó: Khu đô thị mới 770 ha. Khu tái định cư 160 ha. Về quy hoạch phân khu chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quyết định 367/TTg quy định rõ: trong diện tích 770 ha bao gồm 133 ha mặt nước sông Sài Gòn và 637 ha được phân ra các khu chức năng như sau:
– Khu Trung tâm thương mại, tài chính dịch vụ: 92 ha.
– Khu Trung tâm hội chợ, triển lãm quốc tế: 100 ha.
– Khu nhà ở cao cấp: 55 ha.
– Khu Trung tâm văn hoá, du lịch giải trí: 100 ha.
– Khu công viên trung tâm: 95 ha.
– Khu Trung tâm hành chính: 18 ha.
– Đất dành cho giao thông: 177 ha.
Khu tái định cư xây nhà ở cho dân trong dự án bị giải toả nhà có diện tích 160 ha nằm giáp ranh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch gồm:
– Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định.
– Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch đã được duyệt.
– Ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngày 6/1/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 03/CP về việc thành lập Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 7, Quận 9 và Quận 12. Riêng Quận 2 được thành lập mới gồm 11 phường. Phần diện tích quy họach Khu ĐTMTT chỉ nằm trong phạm vi 3 phường. Vậy mà “lũ quỹ” đã xơi tái hết 8 phường ? Tại khu vực của một số phường ở Quận 2, căn cứ vào điểm 1, Điều 5, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ quy định về mua bán và kinh doanh nhà ở. Căn cứ Quyết định số: 4246/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/12/1994 của UBND TP.HCM về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Xét đề nghị của UBND Quận 2 tại Công văn số: 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997. Xét Tờ trình số 98/KTST-QH ngày 03/01/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, TP.HCM.
Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, ngày 15/10/1998, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số: 255/QĐ-UB-QLĐT, Điều 1 quyết định này ghi rõ: “ Duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Quận 2, TP.HCM, theo danh mục đính kèm quyết định này. Danh mục này có 6 khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì Nhà nước không bán nhà hoá giá theo Nghị định 61. Điều đó thể hiện rất rõ và minh bạch những khu vực đã bán nhà cho dân theo Nghị định 61 thì không nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mặc dầu đã có các quy định pháp lí rõ ràng minh bạch như vậy, nhưng Lê Thanh Hải lúc đó là Chủ tịch UBND TP. HCM đã bất chấp luật pháp vào đạo lí, chỉ đạo thuộc hạ của mình sử dụng “bàn tay sắt” đập phá tan tành trên 3.000 căn nhà của dân nghèo nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Máu và nước mắt, mồ hôi và thương tích, nỗi đau chồng chất nỗi đau, tai hoạ cứ dồn dập ập đến từng hộ dân bắt đầu từ đây như một quy luật thất đức của những kẻ nắm quyền lực làm liều. Tôi còn nhớ, khi lực lượng cưỡng chế đập phá nhà dân, Trần Trung Thiên – nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch phường Bình An và Chủ tịch phường An Phú chỉ tay vào mặt người dân đang khóc: “Nếu tao không đập bỏ được nhà mày thì ngày mai tao cởi áo về chăn trâu.”
Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạch?
Ngày 23/3/1998, UBND TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký văn bản “liên kết” số: 1074/UB.TP-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020. Ngày 10/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020. Tuy việc điều chỉnh này không ảnh hưởng gì tới Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mặt khác, ngày 8/8/1998, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về công tác quy hoạch đền bù khi thu hồi đất của dân và tái bố trí dân cư trên địa bàn thành phố. Nội dung Nghị quyết này nêu rõ: “ …tránh tối đa việc điều chỉnh giải toả đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định. Những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của nhân dân tại khu vực đó…chính sách đền bù phải đảm bảo tái tạo lại nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.”
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM ký Quyết định số: 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ (1/2000) nêu rõ vị trí giới hạn, phạm vi quy hoạch: Tổng diện tích khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm 748 ha (giảm 22 ha so với Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ vì có Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành uỷ ra đời). Trong đó, diện tích đất còn lại: 618 ha (giảm 19 ha), diện tích mặt nước sông Sài Gòn: 130 ha (giảm 3 ha).
Theo Quyết định 13585 của Kiến trúc sư trưởng thành phố thì vị trí ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xác định rõ ràng như sau:
1- Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh và xa lộ Hà Nội).
2- Phía Nam giáp sông Sài Gòn (phía Quận 7).
3- Phía Đông giáp phần còn lại của phường An Khánh, Quận 2.
4- Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Trung tâm Quận 1).
Tuy Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 kèm theo, bao gồm các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong qúa trình thực hiện dự án, từ UBND TP.HCM đến UBND Quận 2 đã cố tình dùng mọi thủ đoạn bưng bít thông tin, cất giấu bản đồ quy hoạch chung để tìm cách đánh tráo khu tái định cư 160 ha đã được quy hoạch để “bán ngầm” cho 64 doanh nghiệp, sau đó chỉ có 51 doanh nghiệp được giao đất tại khu đất vàng này mà tổng nguồn thu khổng lồ từ hành vi “bán lẻ Tổ quốc”.
169 ha đất này chui vào túi ai và số tiền này đã sử dụng vào mục đích gì, hiện còn hay mất thì không ai hay biết ?
———————————-
(còn tiếp)
Leave a Comment