Nguyễn Hiền – (VNTB) – Trong ngày thành lập IJAVN (4.7.2014), cũng là thời điểm, những người yêu quý IJAVN hay Việt Nam Thời Báo có thể biểu lộ mình cảm tình tốt đẹp đối với đội ngũ ban điều hành và hội viên, bởi sự can đảm của những người đàn ông và phụ nữ thường làm việc trong những bối cảnh mong manh để nuôi sống quần chúng bằng những tin tức mới, những phản biện sâu cay, trong bối cảnh báo chí Việt Nam vẫn chưa được hưởng nhiều lắm sự tự do và chính kiến.
Được những người ưa chuộng quyền tự do ngôn luận thành lập vào năm 2014, IJAVN đã trở thành một diễn đàn xã hội như thế. Dường như, với hàng trăm hội viên, hàng chục ngàn bài viết, IJAVN đang tồn tại như một minh chứng về một khát vọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, và tự do lập hội. Bằng nhiều cách biểu đạt khác nhau trong hàng trăm ngàn nội dung được đăng tải trên Việt Nam Thời Báo, IJAVN đang tìm kiếm một sự đồng thuận chung với xã hội và kêu gọi chính phủ Hà hiểu và bảo vệ các quyền liên quan tự do báo chí, tự do lập hội như Hiến pháp CHXHCN Việt Nam đã ghi nhận. IJAVN kiên trì chứng minh một luận điểm: ở Việt Nam và trên toàn thế giới, tự do ngôn luận và tự do báo chí là một trong những nền tảng quan trọng nhất của chúng ta về một xã hội tự do. Và một xã hội tự do, với những con người tự do chính là nền tảng cơ bản của một tương lai thịnh vượng.
Không thể tưởng tượng được một xã hội tự do mà không có những quyền tự do cá nhân này. IJAVN ra đời, có vẻ như một chấm son, và độ mờ nhạt của tổ chức này, tác động của nó, thậm chí đến cả thời gian tồn tại không chỉ cho thấy nỗ lực của ban điều hành, hội viên, mà cả cách thế giới quan tâm nhân quyền Việt Nam, và thực tâm cải thiện nhân quyền của chính phủ Hà Nội.
Thực tế, trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam, đó là một biến thiên với hằng dẫy câu hỏi về khát vọng và sự tôn trọng. Điều này minh chứng rõ nét qua sự phát rộ các tờ báo tiếng Việt vào đầu thế kỷ XX và thời gian tồn tại ngắn ngủi của nó, và tất nhiên các tờ báo không chỉ thể hiện và phản ảnh quyền lợi phát sinh của tầng lớp thị dân, hoạt động công thương nghiệp, mà còn là những hơi thở dân quyền chính đáng (như Đại Nam Đăng cổ tùng báo thường hô hào thực nghiệp, chống hủ tục, bày trừ mê tín, đây cũng là cơ quan ngôn luận nửa chính thức của những nhà trí thức yêu nước hoạt động trong Đông kinh Nghĩa thục, tuyên truyền cho chủ trương duy tân chấn hưng dân tộc, qua các bài tiểu luận, tuỳ bút, thơ ca…). Và tất nhiên, không ít tờ báo đã sớm bị đóng cửa bởi Chính phủ bảo hộ Pháp, như Phan Yên báo (1898-1899), Đại Việt tập chí (1.1918-7.1918), Quốc dân diễn đàn (10.1918-10.1919), Đèn nhà Nam (12.1918-1.1919)… Điều kỳ lạ, là chính những người Cộng sản thời kỳ đầu lại là những người đòi hỏi triệt để nhất quyền tự do báo chí trong hệ thống chính trị thuộc địa.
Tự do báo chí, tự do lập hội hay sự tồn tại của IJAVN chính là minh chứng cho câu hỏi: liệu Hiến pháp của Việt Nam có phải là vô dụng hay không? Và liệu cách người Cộng sản ứng đãi những “khát vọng” của cha ông Cộng sản đời đầu nó như thế nào. Đến nay, Luật về Hội vẫn bị treo, và báo chí tư nhân vẫn chưa được phép. IJAVN vẫn là một tổ chức nghề nghiệp chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Cái để duy trì nó vẫn chính là sự thượng tôn đối với Điều 25 – Hiến pháp nước CHXHCNVN: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,… Sự nhiệt tâm của đội ngũ ban điều hành, và sự lựa chọn tìm kiếm quyền được nói của những hội viên, và cả quyền tìm kiếm thông tin của những độc giả Việt Nam Thời Báo.
IJAVN có vẻ đã xây dựng một cộng đồng thông tin bước đầu, và góp phần mạnh mẽ vào nền thông tin dân sự của Việt Nam. Từ đó, định hình nên một nguyên tắc, khi nhà nước còn chưa đủ can đảm thi hành quyền con người, thì người dân sẽ tuyên thệ bảo vệ các quyền được bảo đảm bởi Hiến pháp. Bởi lẽ, nền dân chủ có hay không phụ thuộc vào tiếng nói của người dân có thực sự có hay không, văn minh có hay không, phụ thuộc vào một công dân có hiểu biết về quyền hay không. Rõ ràng, bên cạnh sự tiến bộ của sự thật, khoa học và đạo đức nói chung, tự do báo chí chính là xương sống của nền dân chủ và sự văn minh của một quốc gia. Chính nó và sự tồn tại của chính nó sẽ giữ cho chính phủ minh bạch, và con người của chính phủ trở nên trung thực.
IJAVN thông qua Việt Nam Thời Báo dường như đã cung cấp sự bảo vệ Điều 25 Hiến pháp và đảm bảo rằng, họ tổ chức vẫn là một thực tại chỉ trích những chủ trương, chính sách sai trái của Chính phủ, để đảm bảo rằng, người dân có một điểm để thu thập có thông tin đủ để hiểu biết hơn về sự vận động các mặt của đất nước, một phản biện khách quan và trung thực, một thế giới khách quan trong dòng chảy báo chí. IJAVN tạo ra Việt Nam Thời Báo để cho người dân được mở miệng, và cho chính họ biết được chính phủ hoặc các quan chức Việt Nam đang làm gì, từ đó có thể quyết định xem người dân có muốn cho phép họ tiếp tục làm việc đó hay không.
Sự chuyên chế, thì khát vọng tự do ngôn luận và báo chí càng tăng. Đa dạng thông tin càng lớn thì người dân càng nhạy cảm hơn với tác động của tiền bạc, chính trị và kiểm duyệt đối với thông tin trên báo chí và cả mạng xã hội. Và một tổ chức báo chí tự do là quan trọng và việc duy trì nó trở nên khó khăn hơn, nhất là trong thể chế chính trị hiện tại.
Do đó, chuyên nghiệp hóa tổ chức báo chí, khách quan hóa nội dung tin bài, trung thực hóa trong câu chữ, và khuyến khích mọi người tạo ra một mạng lưới các nguồn tin tức mạnh mẽ thay vì dựa vào một tổ chức duy nhất chính là duy trì tự do báo chí ngay trong lòng IJAVN. Các tổ chức hay cá nhân tìm kiếm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội tại Việt Nam cần tiếp tục buộc các quan chức chính phủ phải chịu trách nhiệm nếu như Việt Nam tiếp tục đội sổ về các quyền này, hay một IJAVN bị xóa sổ. Bởi chính xác, IJAVN hay những tổ chức báo chí độc lập khác, không phải là kẻ thù của nhân dân, là kẻ địch của chính phủ, mà ngược lại đó là một đồng minh quan trọng trong việc tăng cường quản trị tốt và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đó là một cách ứng xử khôn ngoan mà Chính phủ cần lưu ý.
Về phía IJAVN, để đạt mục tiêu như vậy, thì bản thân IJAVN phải duy trì một mục tiêu tối thượng, đó là trong khi phơi bày sự thối rữa trong xã hội, thì đồng thời, thông qua Việt Nam Thời Báo, phải tuân thủ nghiêm ngặt tính chuyên nghiệp lẫn tôn chỉ mà IJAVN đề ra. Và ngày nay, với sự gia tăng của điện thoại thông minh và kết nối mạng, việc chia sẻ thông tin đã trở nên dễ dàng, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng, đặc biệt thông qua Facebook. Do đó, IJAVN cần cách mạng hóa, chú trọng hóa việc chia sẻ thông tin trên công cụ này.
Trong ngày thành lập IJAVN (4.7.2014), cũng là thời điểm, những người yêu quý IJAVN hay Việt Nam Thời Báo có thể biểu lộ mình cảm tình tốt đẹp đối với đội ngũ ban điều hành và hội viên, bởi sự can đảm của những người đàn ông và phụ nữ thường làm việc trong những bối cảnh mong manh để nuôi sống quần chúng bằng những tin tức mới, những phản biện sâu cay, trong bối cảnh báo chí Việt Nam vẫn chưa được hưởng nhiều lắm sự tự do và chính kiến.
Leave a Comment