Thường Sơn – (VNTB) – Vừa lộ ra một bằng chứng hùng hồn về việc chính thể độc tài ở Việt Nam ‘nhũn như chi chi’ trước Donald Trump.
Vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đả kích chua cay về Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019, Chính phủ Việt Nam không hề ‘phản đối mạnh mẽ’ mà chỉ dám khẽ khàng “Việt Nam muốn cải thiện cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, cam kết chống gian lận thương mại, hàng hoá nước ngoài lấy danh nghĩa Việt Nam xuất sang thị trường khác”.
Nói là làm, một thông báo của chính phủ Việt Nam hôm 28/6 cho biết Bộ Công Thương và Bộ Thương Mại Mỹ sẽ sớm ký một bản ghi nhớ về việc Việt Nam sẽ nhập khí hoá lỏng của Mỹ.
Vì sao vào lần này chính quyền Việt Nam lại ‘ngoan hiền dễ bảo’ như thế?
Biệt danh đầy miệt thị “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” mà Trump thốt ra đã phát ra một chỉ dấu đáng sợ: sau Trung Quốc và Mexico, Việt Nam đang phải đối mặt với một nguy cơ thực sự khi Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Thực tế đã chứng minh Trump nói là làm.
Nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Cũng trong tháng 6 năm 2019, Việt Nam đã chỉ phản ứng hết sức yếu ớt khi bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách quốc gia bị giám sát về tài chính tiền tệ.
Phản ứng về danh sách giám sát trên, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không hề ‘phản đối’ hay ‘lấy làm thất vọng sâu sắc’ theo cái cách chính thể này thường phản ứng trước các báo cáo của Hoa Kỳ về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Mà Ngân hàng Nhà nước chỉ phản hồi một cách nhẹ nhàng như thể phải chấp nhận: “sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà BTC Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh”.
Trước đó, Việt Nam đã suýt bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ.
Ba tiêu chí ,mà Mỹ sử dụng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Nếu Việt Nam bị Mỹ xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ – tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.
Trump nói là làm.
Leave a Comment