- nguyenanhtuan’s blog – RFA
VinGroup đang trong giai đoạn chuyển đổi từ một doanh nghiệp bất động sản sang sản xuất, mà điện thoại VSmart và xe VinFast là những sản phẩm đầu tiên được trình làng.
Hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý khi VinGroup xác định tham vọng vươn ra thị trường quốc tế của họ chỉ có thể thành hiện thực sau khi đã làm chủ thị trường trong nước.
Mà muốn thế thì việc truyền thông về sản phẩm nói riêng, tập đoàn nói chung chắc hẳn được ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng các thương hiệu nước ngoài.
Có thể VinGroup đang rất tự tin rằng họ sẽ thành công trong việc khiến người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua sản phẩm của họ, như những gì đã từng xảy ra với các dự án bất động sản từ Bắc tới Nam của tập đoàn.
Là tập đoàn bất động sản số 1 Việt Nam hiện nay, họ có lý do để tự tin như vậy.
Nhưng cũng có thể họ đã tính sai.
Bất động sản là một hàng hóa đặc thù ở Việt Nam với khuôn khổ pháp lý về sở hữu chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó việc VinGroup luôn tỏ ra thân cận với chính giới và kiểm soát truyền thông cả trên mặt báo lẫn mạng xã hội vô hình trung lại tạo ra cho họ một lợi thế ít ai ngờ tới: Khách hàng an tâm mua nhà đất từ dự án bất động sản của VinGroup vì người ta tin rằng với sự thân cận với chính quyền ở mức như thế, dự án của VinGroup sẽ không gặp rủi ro pháp lý – là yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi khách hàng xuống tiền.
Tuy nhiên, với các sản phẩm dân dụng khác như điện thoại và xe cộ thì lợi thế trên không còn nữa, nếu như không muốn nói là còn phản tác dụng. Ai còn muốn dùng điện thoại hay đi xe của một hãng khi biết rằng nếu có điều gì xảy ra với điện thoại hay chiếc xe của mình, báo chí sẽ không dám đưa tin, mạng xã hội không được đăng bài, chính quyền thờ ơ không giải quyết vì mối quan hệ chặt chẽ với hãng sản xuất đó?
Họ sẽ không an tâm bởi quyền của họ sau khi mua sản phẩm không được đảm bảo, và khi đó thì mặc cho mọi lời kêu gọi ‘tự hào Việt Nam’, ‘mua hàng Việt là yêu nước’ sẽ không dễ để thuyết phục họ xuống tiền, mà bằng chứng là đã 6 tháng kể từ khi ra mắt điện thoại VSmart chỉ mới chiếm được 2% thị phần trong khi tham vọng của VinGroup đặt ra là 30%. [1]
Tóm lại, một khi muốn chuyển trọng tâm từ bất động sản sang các ngành sản xuất VinGroup có thể cần suy nghĩ lại về cách mà họ ứng xử với truyền thông, nhất là với những lời phê bình. Thay vì ngăn chặn, hãy khuyến khích mọi lời phản biện, phê bình sản phẩm của mình trên mọi diễn đàn, từ đó cầu thị nhìn nhận và biến những phản biện, phê bình đó thành động lực để ngày một phát triển hơn.
—
[1] https://ictnews.vn/kinh-doanh/sau-6-thang-ra-mat-vsmart-dang-o-dau-tren-…
Leave a Comment