Phải nói sau mấy năm đốt lò, nhiều quan tham bị bắt làm cho vô số người thần thánh hóa ông Nguyễn Phú Trọng. Điều đó thể hiện cái dân trí thấp của xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc dựa vào dân trí thấp lấy lại niềm tin cho ĐCS chứ thực sự ông ta không có mục đích cải cách thể chế để tạo nên một bộ máy nhà nước chống tham nhũng hiệu quả. Thành phần thần thánh hóa ông Trọng không chỉ những người trong nước, mà cả một số người Việt hải ngoại đã sống trong thể chế dân chủ cũng vậy, thật đáng thương.
Chống tham nhũng phải đạt được những mục đích gì thì mới là chống tham nhũng hiệu quả? Chống tham nhũng thực sự phải đạt được 3 mục đích sau: thứ nhất là làm trong sạch bộ máy nhà nước, thứ nhì là phải thu hồi tài sản tham nhũng trả cho công quỹ, thứ 3 phải thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp. Hãy bóc tách từng mục đích ra mà xét thì sẽ thấy sự hiệu quả của việc chống tham nhũng đến đâu?
Nói về mục đích trong sạch bộ máy nhà nước thì có đạt được không, khi kẻ lên thay cho kẻ bị trừng phạt cũng chẳng khá gì hơn. Vẫn tài sản bằng hàng trăm hàng ngàn lần lương, vẫn cho con du học, vẫn mua nhà Mỹ vv.. Thực sự đây là sự thay thế, kẻ chưa lộ thay cho kẻ bị lộ và bộ máy nhà nước vẫn đầy rẫy tham nhũng như cũ. Như vậy mục đích làm trong sạch bộ máy nhà nước đã hoàn toàn thất bại.
Về mục đích thu hồi tài sản tham nhũng trả về công quỹ thì gần như không thể. Theo báo ANTV cho biết, trong các vụ tham nhũng ngàn tỷ, tài sản thu hồi không tới 10%, như vậy là xem như mất gần hết tài sản nhà nước. Và việc thu hồi tài sản tham nhũng tính chung chỉ đạt 38,3% trong năm 2017. Nghĩa là gì? Là tham nhũng càng lớn càng khó móc nó ra khỏi họng quan tham. Cũng đơn giản thôi, những kẻ tham nhũng ngàn tỷ thì quyền lực trong tay của chúng cũng hơn quyền lực của kẻ tham nhũng chục tỷ, cho nên thu hồi tài sản tham nhũng khó hơn. Qua con số thống kê, rõ ràng mục đích thu hồi công quỹ đã thất bại.
Và cuối cùng mục đích thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật có đạt không? Không hề. Luật phòng chống tham nhũng đã được viết trong Bộ luật Hình sự rồi, nghĩa là việc chống tham nhũng là công việc của tư pháp và hành pháp phối hợp mà thôi. Tòa án thấy đủ cơ sở khởi tố thì cho khởi tố và hành pháp vào cuộc theo lệnh tòa, thế là xong. Nhưng ở Việt Nam, tư pháp đã vô dụng, cho nên đảng lại lập Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham nhũng, ở chính phủ thì có Thanh Tra Chính Phủ làm nhiệm vụ chống tham nhũng. Không phải lập 2 cơ quan chống tham nhũng kia mà chống được tham nhũng đâu, mà ngược lại chúng còn tham nhũng khủng hơn nữa. Đến mức độ, hiện nay ĐCSVN phải vất vả chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng. Như vậy, sự xuất hiện 2 cơ quan chống tham nhũng nữa là sự khẳng định, tư pháp của chính quyền CS vô dụng, và tất nhiên sự nghiêm minh pháp luật hông hề tồn tại.
Như vậy, việc chống tham nhũng không đạt 3 đích chính thì đạt được gì? Chẳng lẽ ông Trọng không thấy cả 3 mục đích chính đó đều thất bại? Ông ta thấy hết, với con người đầy thủ đoạn thì ông ta thừa biết, nhưng mục đích chống tham nhũng ông ta không phải để đạt 3 mục đích đó mà là để PR cho hình ảnh của mình, và đồng thời để lấy lại lòng tin từ thành phần nhẹ dạ cả tin trong xã hội (thành phần này rất đông), nhằm cứu cánh cho ĐCS. Đấy mới là mục đích quan trọng của ông Nguyễn Phú Trọng chứ không phải mục đích chống tham nhũng thật lòng.
Hành động chống tham nhũng là thật, nhưng mục đích trong sạch bộ máy nhà nước không đạt, mục đích thu hồi tiền tham nhũng không đạt và cũng không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng trên thực tế rất rất nhiều người vạn tuế ông ta. Họ không biết rằng, đó là màn kịch lộng giả thành chân làm cho kẻ thiếu hiểu biết không thể bóc tách dụng ý chính trị đằng sau đó, và thế là lừa được khối người và giật lại lòng tin cho ĐCS. Ông Trọng, không thể sáng tạo nhưng giỏi bắt chước và trong hành động bắt chước này, ông thành công./.
Leave a Comment