Minh Châu – (VNTB) – Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.
Không quá lời khi nói rằng thanh tra việc quy hoạch khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, cho ra kết quả là nhân dân mất đất, ngân sách mất 8.700 tỷ. Đọc chậm rãi 15 trang khổ A4 của kết luận thanh tra công bố hôm 26-6-2019, hoàn toàn không thấy nhân dân ‘hiện hữu’ trong suốt quá trình lập dự án, sai phạm, thanh tra và kết luận thanh tra vụ này. [Tải về tại http://bit.ly/2XxUIlk]
Khuyết điểm hay dấu hiệu phạm tội?
“Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với KĐTM Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh” là tên gọi đầy đủ của văn bản đánh số 1041/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Trang 4, 5 của văn bản đánh số 1041/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ, có đoạn viết: “Các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại – dịch vụ – nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng (gồm: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 06 trường công lập và 05 cây cầu nối từ Trung tâm Thành phố qua KĐTM Thủ Thiêm) là không đầy đủ và không đúng quy định.
Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND Thành phố đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định. Việc UBND Thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.
Toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng UBND Thành phố đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Như vậy, UBND Thành phố đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm đã được chỉ định nhà đầu tư, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định. Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND Thành phố không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như “không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định; theo đó, giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính KĐTM Thủ Thiêm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định…; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm…” (hết trích)
Như vậy chỉ xét riêng mỗi chi tiết “chênh lệch địa tô” đưa đến ngân sách bị thất thu, người dân bị thiệt hại, các nhà đầu tư và duyệt quy hoạch thì hưởng lợi đã đủ yếu tố cơ bản về xem xét hành vi hình sự liên quan; kể cả vấn đề dấu hiệu tham nhũng.
Khiếu nại của dân oan Thủ Thiêm: tiếp tục treo
Đúng như nhận xét của nhà báo Phạm Chí Dũng trong một bài viết có tựa “Vụ Thủ Thiêm, lại hứa cuội tàn nhẫn” đăng trên VOA và đăng lại trên trang Việt Nam Thời Báo 26-6 [http://www.vietnamthoibao.org/2019/06/vntb-vu-thu-thiem-lai-hua-cuoi-tan-nhan.html].
Trang 9 của văn bản đánh số 1041/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ, viết: “2.2.4. Đối với khu tái định cư 38,4 ha thuộc KĐTM Thủ Thiêm. Tại thời điểm thanh tra, các dự án thuộc Khu tái định cư 38,4 ha đã được Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra và có kết luận.
Tuy nhiên, thực hiện hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 16.4.2019, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND Thành phố báo cáo và cung cấp hồ sơ bổ sung. Bước đầu cho thấy: trong 04 dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, trong đó: (i) có 03 dự án được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND Thành phố để bố trí tái định cư.
Hiện nay, do chưa bố trí tái định cư nên UBND Thành phố tiếp tục cho đấu giá để chuyển sang nhà ở thương mại; (ii) còn lại 01 dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng 1.122/1.228 căn hộ, đồng thời, UBND Thành phố đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất là không đúng quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013”.
Trang 13 của văn bản đánh số 1041/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ, viết: “2.2. Đối với các dự án thuộc Khu tái định cư 38,4 ha. UBND Thành phố sớm báo cáo và cung cấp tài liệu, hồ sơ bổ sung theo Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 16/4/2019 của Văn phòng Chính phủ để Thanh tra Chính phủ có kết luận bổ sung trong kết quả kiểm tra, rà soát các dự án thuộc Khu tái định cư KĐTM Thủ Thiêm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Số từ của cả 2 đoạn nói trên liên quan đến khiếu kiện ròng rã suốt hơn 20 năm qua của người dân oan Thủ Thiêm, lần lượt là 249 từ và 75 từ; vị chi có 324 từ bao gồm tính luôn việc đánh số thứ tự. Vấn đề chính cho giải quyết các khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm thì hoàn toàn không dòng nào đề cập.
Đảng hóa cho hành vi phạm tội
Hai trang cuối cùng của văn bản đánh số 1041/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ, viết: “Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra này.
– Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31.12.2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Câu trên có thể hiểu nôm na, nếu các quan chức/ cựu quan chức chịu khó ‘ói’ số bạc tính theo đơn ngàn tỷ đã ‘nuốt’, kèm theo chút ‘phải quấy’, mọi chuyện sẽ xếp lại hệt như ‘tính bài lót đó luồn đây/ có 300 lạng việc này mới xuôi’ thời nàng Kiều trong “Đoạn trường tân thanh” của thi hào Nguyễn Du.
Leave a Comment