Sáng sớm 26/6/2019, nghe nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Mới thấy mọi thứ là lẽ đương nhiên của tạo hóa, rồi thấy nỗi buồn nở một đóa hoa trong khu vườn ký ức của mình.
Vài năm trước, khi gặp ông. Vừa nhìn mặt, ông hỏi ngay “Tuấn Khanh phải ông?”, nói xong ông ôm chặt, rồi bỗng nhiên ông khóc.
Lúc ấy tôi ngỡ ngàng, bác Vũ Sinh Hiên đứng cạnh tôi, cũng ngỡ ngàng, rồi bác cười “ừ, thế đấy, thế đấy”.
Ông lau nước mắt, rồi cười, nói xin lỗi vì xúc động quá. Cho đến ngày ông mất, tôi vẫn chưa bao giờ có thể giải thích được vì sao ông lại xúc động đến như vậy. Chỉ nhớ lúc đó, ông quay sang bác Vũ Sinh Hiên, nói như giải thích “Chúng ta cần con người, đất nước này cần con người, anh à”. Bác Hiên, một nhà chép sử Công giáo Độc Lập cũng cười, gật gù “qui, qui…”.
Thật ra buổi gặp đó cũng cho tôi một niềm xúc động kỳ lạ. Bởi tôi được chứng kiến hai con người với tuổi tác đi cùng trời đất, không mang gì theo mình ngoài ước muốn cho một đất nước có những con người. Nếu gọi họ là những học giả thì cũng là xứng đáng, vì cả đời những con người ấy luôn mải mê đi tìm làm sao để chấn hưng đất nước, làm sao để có được những con người với sự thật, giữa bóng tối mênh mông của nền tuyên truyền cộng sản. Họ, những học giả của nhân dân, học giả của thuyết hy vọng.
Lúc đó, ông Phạm Toàn đang chuẩn bị để cho ra mắt những cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nhóm Cánh Buồm. Ông dành rất nhiều thời gian cho buổi gặp mặt đó, để nói một cách mê say với tôi về những điều ông sẽ làm. “Chúng ta sẽ xây lại từ những gì mà chủ nghĩa cộng sản đã phá nát các thế hệ trên đất nước này”, ông nói và nhìn tôi, như sợ tôi không tin, “khó đấy, nhưng sẽ rồi làm được”.
Không lâu sau đó tôi thấy những tập đầu tiên của bộ sách giáo khoa Cánh Buồm ra đời. Tôi cũng được biết rằng ông đã phải đánh vật không biết bao nhiêu lần với những người kiểm duyệt để có thể đưa được một vài nội dung tiến bộ vào trong bộ sách ấy. Ông đã cố lược bỏ tất cả những phần chính trị cộng sản ngu ngốc nhất trong những cuốn sách giáo khoa – trong khả năng có thể – nhưng đồng thời cũng phải giữ lại một vài thứ mà nhà cầm quyền ép buộc.
Tôi biết ông cũng cô đơn vô cùng khi đối diện với những ý kiến phê bình về sự bất toàn ấy. Và tôi biết những người đang muốn ngăn cản bộ sách của ông, cũng như những nhà kiểm duyệt cũng vui mừng khi thấy ông cô đơn như vậy.
Cô đơn nhưng ông không dừng lại. Thầy giáo Phạm Toàn lấy dùng hết tất cả những năng lực cuối cùng của cỗ máy thời gian, được Thượng đế gắn tặng trong con người của ông, để phụng sự con người và đất nước Việt Nam như một người yêu nước phụng sự với niềm hy vọng, vì hiểu rõ giáo dục cộng sản là gì, và một tương lai không cộng sản sẽ là gì. Thậm chí ông đã thầm lặng phụng sự trong niềm hy vọng rất đỗi cô đơn ấy của riêng mình.
Tôi nhớ cái bắt tay không còn khỏe của ông. Tôi nhớ nụ cười của các bậc nguyên lão như của bác Phạm Toàn, bác Vũ Sinh Hiên…trên đất nước này. Sự nhọc nhằn của họ đi qua thời gian, chứng kiến và thầm lặng của kẻ gieo hạt vĩ đại mà không có bất kỳ một sức mạnh nào của những kẻ độc tài có thể khuất phục được họ.
Tôi đã sống đủ để chứng kiến có nhiều con người như vậy ra đi trên đất nước này, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều ước mơ dang dở về một dân tộc Việt luôn khẳng định mình là không chấp nhận sống hèn, sống tồi.
Và tôi cũng đã nuôi dưỡng những hạt mầm hy vọng, như bác Phạm Toàn đặt xuống cho tôi và nhiều người khác, cho đến lúc tôi không sức để giữ được nữa trong tay, và trao lại cho thế hệ mới. Tôi cũng tin rằng như hạt mầm đó, dù hôm nay chỉ là cây con, chưa thể trở thành cổ thụ, nhưng vẫn luôn được nhân giống và gieo ra trên khắp đất nước đầy oan trái này.
Đất nước Việt, con người Việt vẫn luôn lạc quan và hy vọng nên đã đi qua rất nhiều những triều đại hung ác và tàn bạo. Lịch sử đã ghi chép vậy.
Tôi tin là bác Phạm Toàn sẽ vui khi nghĩ đến điều này.
Hẹn gặp lại bác, cùng những ai đã sống và chết vì mang ơn nợ quê hương và dân tộc./.
Leave a Comment