Quảng Cáo

Tin đồn bôi bác và thực tế chôn vùi: rồi sao nữa?

Quảng Cáo
Nguyễn Hiền – (VNTB): Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện vào ngày 21.06, và chủ trì họp Bộ Chính trị để cùng các đồng chí của mình ra quyết định phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức trong một chia sẻ đã nhấn mạnh: Ông khoẻ mạnh, đi lại, trò chuyện bình thường. Tất cả các thuyết âm mưu, đồn thổi bôi bác về tình trạng sức khoẻ của ông một lần nữa bị chôn vùi.

 

Và ông Đức cũng cho rằng, “Thôi nhé, ‘chia tay em chia tay hoàng hôn’ đi các nhà bình luận thời cuộc kiêm thầy bói đại tài ạ!”
Nhưng, “thuyết âm mưu, đồn thổi bôi bác”, và sự xuất hiện của các “nhà bình luận thời cuộc kiêm thầy bói đại tài” không phải nghiễm nhiên mà sinh ra. Nó xuất hiện khi nền thông tin thiếu minh bạch.
Liệu ông Lê Diễn Đức có thực sự hiểu được bao nhiêu phần trăm về độ minh bạch thông tin của nền chính trị Việt Nam? Và liệu ông có cảm thông trước sự đói khát về mặt thông tin minh bạch liên quan đến sức khỏe lãnh đạo? Ông hiểu gì về bí mật sức khỏe lãnh đạo và những văn bản luật quy định đi kèm? Ông hiểu gì về một nền dân chính mà minh bạch là yếu tố cốt lõi?
Dường như ông Lê Diễn Đức đã bị “chinh phục” bởi một người cộng sản đang gượng mình để chỉnh đốn đảng, cái mà trong một thời gian dài ông đã không được chứng kiến.
Ông Đức mê mẩn Tổng thống Donald Trump, thích về nền dân chủ Mỹ, nhưng chính những yếu tố cốt lõi để đưa đến một nền dân chủ Mỹ lại bị ông chế giễu một cách kệch cỡm.
Facebooker Pham Quoc Tan trong phản hồi chia sẻ của ông Lê Diễn Đức cũng cho rằng: Cử tri có quyền phải được thông tin về chuyện ốm đau bệnh tật sức khỏe của người đứng đầu nhà nước. Cả 100 triệu dân họ thắc mắc, đâu chỉ mấy ông trên FB.
Thực sự, nếu đảo qua các fanpage lớn đăng tải các thông tin liên quan đến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, những đồn đoán, nghi ngờ chiếm phần lớn, và nó xuất phát từ chính nhu cầu muốn biết, hiểu và rõ hơn về bệnh tình lãnh đạo. Nếu mập mờ, thì đó chính là nguồn cơn của đồn thổi và thuyết âm mưa, điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ngay cả tại Mỹ, nên đề cao tính minh bạch, thì sự đồn thổi và thuyết âm mưu vẫn tồn tại, xoay quanh cái chết của Tổng thống Kennedy, về sự kiện Mỹ đặt chân lên mặt trăng, hay thậm chí là mối quan hệ đầy tai biến của Tổng thống Donald Trump với các thành viên nội các của mình và với cả Nga.
Điều đó để nhấn mạnh rằng, thuyết đồn thổi, âm mưu hay suy đoán xuất phát từ chính nhu cầu thông tin của con người, và thông tin chưa bao giờ được xem là thực sự đáp ứng giới hạn tìm hiểu hay tò mò của con người.
Thậm chí, ông Lê Diễn Đức lại bài bác cực đoan các ý kiến ngược lại quan điểm của ông, phê phán đến mức thóa mạ người bình luận bằng ngôn từ “bí quá hóa khùng, chửi rủa vô ý thức”.
Góc nhìn của ông Lê Diễn Đức tưởng chừng như là góc nhìn độc đáo và trung lập, nhưng thực tế là góc nhìn cực đoan. Hãy xem cách ông Lê Diễn Đức phản ứng trước quan điểm của Facebooker Vu Dinh Kh, khi người này bình luận “Một đất nước tan hoang. Một lũ sâu bọ làm người!”.
“Chắc ông mới là sâu bọ, còn người ta cai quản cả một đất nước gần 100 triệu dân, bắt tay làm ăn hợp tác thân thiện với Mỹ và tất cả các nước phương Tây, trở thành quốc gia quan trọng trong khu vực,” ông Lê Diễn Đức phản bác.
Nhưng liệu ông có thấy được những cánh rừng từ bắc chí nam bị trọc trắng, liệu ông có nhận thấy những nhà máy ngàn tỷ đang đắp chiếu, liệu ông thấy một chính quyền không tiếp nhận đơn kiện Formosa để những người Việt quốc nội phải lặn lội qua tận Đài Loan thưa kiện, liệu ông có thấy quan tham ngày ngày vẫn tích lũy tiền tỉ, liệu ông có thấy BOT đang dày thêm, và liệu ông có thấy con số nợ công, và khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên, liệu ông có thấy được cơ cấu dân số vàng đã bị bỏ qua và mục tiêu công nghiệp hóa 2020 đã bị dịch lùi?.
Ông và nhiều người “đồng chí” của ông sẽ không thấy điều đó, chỉ nhìn sự khen ngợi đầy tính chính trị của Tổng thống Donald Trump dành cho Việt Nam mà tưởng rằng “thế nước đang lên”, nhu cầu hợp tác quân sự kiềm chế Trung Quốc mà cho là “quan trọng khu vực”, và ông thậm chí dùng từ “cai quản” – vốn là cụm từ chuyên quyền trong hệ phong kiến để đề cập đến ông Nguyễn Phú Trọng như một sự tự hào.
Chống cộng “triệt để” là điều không nên làm, nhưng vì phản ứng trước “chống cộng triệt để” mà bài bác hiện thực xã hội thì đó lại là sự chủ quan tầm thường, cực đoan.
Trong một chia sẻ về nghề làm báo, ông cho rằng, “xã hội rất cần những con người khách quan trung thực”, nhưng để khách quan và trung thực, thì xã hội đòi hỏi một nền thông tin cởi mở và minh bạch. Và trước hết, ông Lê Diễn Đức nên tự nhìn nhận lại mình với quyền tôn trọng trước tự do ngôn luận của người khác. Bằng không, ngược lại, ông cũng chỉ là người đang tách minh ra khỏi dòng thông tin xã hội Việt Nam, bối cảnh xã hội Việt Nam, để nhằm ve vuốt và thỏa mãn cái sự tự kỷ vĩ đại của chính mình mà thôi.
Hội kín xuất hiện tại Việt Nam từ những năm đầu chống Pháp là có lý do của nó, và thuyết âm mưu, đồn đoán xuất hiện thời nay cũng có nguyên do chính nó.
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux